“Trong số 300 bệnh nhân này, không có ca dương tính với nCoV. Áp lực tại Bệnh viện Đà Nẵng đã giảm đi rất nhiều”, Phó Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cho biết chiều 7/8.
Ông Khoa cho hay ngay khi Đội công tác đặc biệt của Bộ Y tế vào chi viện cho Đà Nẵng, việc ưu tiên hàng đầu là vừa phải tập trung lực lượng cứu chữa bệnh nhân thường, đồng thời giải tỏa bệnh nhân Covid-19 nặng đang nằm ở Bệnh viện Đà Nẵng đến các cơ sở y tế khác.
Cụ thể, bệnh nhân Covid-19 đã được đưa về Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang. Bộ Y tế giao các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chi viện phụ trách Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện Bạch Mai phụ trách Trung tâm Y tế Hòa Vang.
Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã thành lập một đơn vị điều trị riêng bệnh nhân Covid-19. Trung tâm Y tế Hòa Vang cũng thiết lập đơn vị lọc máu để chạy thận cho những người mắc Covid-19 đang suy thận mạn. “Bình thường việc thiết lập những đơn vị như vậy mất rất nhiều thời gian, nhưng trong bối cảnh chống dịch, chỉ trong vòng một tuần tất cả đã hoàn thành”, ông Khoa nói.
Ông Khoa cho biết thêm hiện nhiều bệnh nhân Covid-19 ở Đà Nẵng tiên lượng tử vong. Trước khi nhiễm nCoV, họ đều có nhiều bệnh nền, đang được điều trị tích cực.
“Điều lo ngại nhất chính là ổ dịch xuất hiện đầu tiên ở các khoa có bệnh nhân nặng, nhiều bệnh nền như Hồi sức cấp cứu, Nội thận tiết niệu, Nội tổng hợp. Khi mắc Covid-19, họ dễ tăng nặng”, ông Khoa nói.
Đợt dịch này số bệnh nhân nặng rất nhiều, Bộ Y tế huy động tổng lực chuyên gia về lĩnh vực hồi sức cấp cứu mới có thể cứu chữa được. Đồng thời, cũng phải huy động rất nhiều phương tiện vật tư liên quan đến cấp cứu và hồi sức, theo ông Khoa.
Nhiều bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm đã được Bộ Y tế điều động từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM… Đây là lực lượng thuộc loại tinh nhuệ nhất của ngành y tế.
Lê Nga – Minh Thùy – Vnexpress