Vấn đề ô nhiễm không khí được đề cập liên tục trong các cuộc họp từ Trung ương đến địa phương tháng 12 này. “Đây là điều mà Thủ tướng hết sức lo lắng”, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói tại cuộc họp ngày 19/12 tìm giải pháp xử lý ô nhiễm.
Theo Bộ trưởng, ngay cả khi còn tranh cãi về đo đạc, tình trạng ô nhiễm bụi mịn gia tăng tại Hà Nội và TP HCM là không thể phủ nhận và sẽ đề ra nhiều “giải pháp trước mắt” bên cạnh kế hoạch lâu dài.
Ba nhóm nguyên nhân lớn, theo Bộ Tài nguyên Môi trường, gồm phương tiện giao thông, xây dựng trong nội đô và ô nhiễm từ các cơ sở công nghiệp. Trong đó, phương tiện giao thông được Bộ khẳng định là “nguyên nhân số một”, vì quy chuẩn Việt Nam còn rất thấp so với thế giới.
Riêng Hà Nội, Bộ nhận định thực trạng ô nhiễm từ các cơ sở công nghiệp thấp hơn so với TP HCM, nhưng lại có đặc thù đến từ thói quen sinh hoạt của người dân, như đốt rơm rạ và sử dụng bếp than. “Bản thân tôi cũng rất bất ngờ khi Hà Nội còn dùng nhiều than tổ ong như thế”, ông Trần Hồng Hà nói.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung xác định việc cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân là nhiệm vụ trọng tâm, sẽ kiên trì làm một cách bền vững chứ không chỉ nhiệm kỳ này. “Frankfurt (Đức) mất 26 năm, Vienna (Áo) mất 32 năm xây dựng thành phố xanh, sạch, Hà Nội có thể làm nhanh hơn nhờ máy móc hiện đại”, lãnh đạo Hà Nội nêu tại cuộc tiếp xúc cử tri đầu tháng 12.
Trong 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, Chủ tịch Hà Nội cho biết thành phố đã triển khai một số giải pháp cấp bách như sử dụng xe hút rác bụi thay vì quét tay, rửa đường. Thành phố cũng khởi động xây dựng ba nhà máy đốt rác phát điện với công nghệ hiện đại nhất.
Hà Nội cũng kêu gọi nhà đầu tư nhập máy móc phá dỡ, nghiền vụn phế thải, lọc sắt ra sắt, bê tông ra bê tông và không có bụi. Riêng tình trạng đốt rơm rạ, các cơ quan đã tuyên truyền nhưng “kết quả chưa được như mong muốn”.
Ngoài ra, chương trình trồng mới một triệu cây xanh giai đoạn 2016 – 2020 đã “hoàn thành trước thời hạn”. Thành phố đặt mục tiêu đến hết 2020 trồng thêm 600.000 cây xanh và 200 ha rừng để cải thiện môi trường.
Dù vậy, người đứng đầu chính quyền thủ đô cho rằng, mình Hà Nội không khắc phục được tình trạng ô nhiễm không khí mà cần sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan. Ông Chung cũng kêu gọi sự đồng thuận của từng người dân, mỗi gia đình trong việc bảo vệ môi trường từ việc thu gom rác thải, không đốt rơm rạ, không sử dụng bếp than tổ ong…
Trước đó, ông Chung cho hay, từ đầu năm 2016, Hà Nội đã hợp tác với tập đoàn Aqua Rich (Pháp). Tập đoàn này đang quan trắc để đưa ra giải pháp chống ô nhiễm cho toàn nước Pháp và là đơn vị tư vấn xử lý ô nhiễm không khí cho Bắc Kinh (Trung Quốc).
“Tôi đã ký với Đại sứ Pháp về hợp tác với tập đoàn này để nghiên cứu đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nói chung, trong đó có ô nhiễm không khí”, ông Chung nói.
Từ phía Chính phủ, giải pháp cấp bách đầu tiên của Bộ Tài nguyên Môi trường là duy trì hoạt động liên tục của các trạm quan trắc để có số liệu chính xác, cảnh báo người dân theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Ông cho biết, các trạm quan trắc tự động tại Hà Nội “chưa đủ đảm bảo chính xác”. Lý do đến từ cả năng lực và mức đầu tư.
“Không được tiết kiệm, bằng mọi phương pháp, huy động mọi lực lượng để duy trì các trạm quan trắc tự động. Nếu không tự động được thì có thể quan trắc đủ số lượng điểm để đưa ra thông tin chính xác về chất lượng không khí hai lần mỗi ngày cho người dân”, ông Trần Hồng Hà đề nghị.
Với giao thông, Bộ đề nghị UBND các tỉnh có ngay kế hoạch phun nước rửa đường, điều tiết giảm mật độ phương tiện ở nơi độ ô nhiễm nghiêm trọng. Về công trình xây dựng, Bộ trưởng Hà hứa sẽ chỉ đạo cơ quan liên quan phối hợp ngay với Bộ Xây dựng đưa ra quy định môi trường với các công trình xây dựng lớn nhỏ, kể cả của người dân. Riêng thói quen sinh hoạt, ông đề nghị UBND các tỉnh quanh Hà Nội hoạt động nông nghiệp hỗ trợ để người dân không đốt rơm rạ.
Biện pháp lâu dài, Bộ trưởng Hà cho biết sẽ hoàn thiện chính sách, luật bảo vệ môi trường. Trong đó, Hà Nội và TP HCM sẽ đẩy nhanh hơn lộ trình áp dụng khí thải với phương tiện giao thông. “Xe máy và ôtô hoạt động ở thành phố phải có quy chuẩn cao hơn các địa phương, áp dụng lộ trình nghiêm ngặt hơn”.
Ông Hà gợi ý, Hà Nội và TP HCM nên đi đầu trong việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng chạy bằng nhiên liệu sạch. Với phương tiện cũ, không nên dùng chính sách cấm mà cần xử lý bằng công cụ kinh tế để người sử dụng xe cũ, phát thải ô nhiễm lớn thì phải trả chi phí môi trường lớn hơn.
Đồng thời, quá trình sửa đổi luật Bảo vệ môi trường, Bộ sẽ xem xét việc tái cấu trúc một số ngành sử dụng nguyên liệu hóa thạch gây ô nhiễm không khí. Trong đó tái cấu trúc quy hoạch điện, đẩy mạnh năng lượng tái tạo cũng được đề cập.
Võ Hải – Gia Chính – Vnexpress