Giả chết trục lợi bảo hiểm – Chiêu trò ba thập niên không cũ

Những năm 90, kẻ gian bắt đầu nghĩ ra cách giả chết để trục lợi bảo hiểm. Đến năm ngoái, vẫn có người ngồi tù vì hành vi này.

Va chạm với một chiếc xe buýt trên con đường quê ở Nam Mỹ, Javier Mozo may mắn vẫn còn sống để bò ra khỏi chiếc ôtô đổ nát. Nhưng anh trai Ernesto Mozo của anh ta thì không. Đó là những gì vợ của Ernesto – Maria Magdalena Santos và Javier Mozo nói với Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Quốc gia Tây Bắc, nơi Ernesto Mozo mua bảo hiểm nhân thọ trị giá 500.000 USD

Để xác nhận cái chết của chồng, bà Santos gửi công ty bảo hiểm giấy chứng tử do nhà xác thành phố ở thị trấn Santa Marta của Colombia cấp. Khi một điều tra viên đến, Javier Mozo thuật lại câu chuyện bi thương về cái chết của anh trai và dẫn đi thăm ngôi mộ với tên của Ernesto Mozo được khắc trên tấm bảng bằng đồng trang trí công phu.

Nhưng mọi thứ cuối cùng chỉ là một trò lừa. Giấy chứng tử của Ernesto Mozo là giả. Câu chuyện mà Javier Mozo và bà Santos kể cho thấy sự nghiệp đầy triển vọng với tư cách là nhà biên kịch. Mộ đá tại nghĩa trang được thuê. Và cuối cùng, Ernesto Mozo thậm chí còn sống sung sướng hơn.

Giả chết để trục lợi bảo hiểm nhân thọ đã có từ giữa những năm 90 tại Mỹ. Ảnh: Pixabay
Giả chết để trục lợi bảo hiểm nhân thọ đã có từ giữa những năm 90 tại Mỹ. Ảnh: Pixabay

Đó mà một trong rất nhiều vụ trục lợi bảo hiểm vào những năm 1990 mà ngành bảo hiểm nhân thọ Mỹ phải đau đầu. Giai đoạn đó, giả chết để trục lợi bảo hiểm ở nước này đã nổi lên như một trào lưu. Kịch bản chính của những người trục lợi là họ có một chuyến xuất ngoại, đến các nước đang phát triển rồi gặp một tai nạn, một thiên tai hay thậm chí một cuộc nội chiến.

Tại những nơi đó, vốn xa nước Mỹ, công tác lưu giữ hồ sơ khá lỏng lẻo, việc làm một giấy tờ tai nạn, chứng tử giả bằng cách lo lót công chức địa phương dễ dàng nên được các đối tượng trục lợi tận dụng.

Chia sẻ trên New York Times năm 1997, Ronald W. Poindexter, giám đốc bộ phận gian lận bảo hiểm của Florida, nói rằng ở Haiti, các giám định y tế thậm chí không bắt buộc phải xem thi thể trước khi cấp giấy chứng tử, với điều kiện ba người thề rằng một cái chết đã xảy ra.

Nếu các công ty bảo hiểm nghi ngờ, việc tìm bằng chứng và nhân chứng cho các vụ giả chết ở nước ngoài là rất khó khăn. “Để có được một nhân chứng đến từ Nigeria, Cameroon hoặc Ghana là điều gần như không thể”, Ronald A. Sallow, người đứng đầu cơ quan về lừa đảo bảo hiểm của Maryland nói năm 1997.

Giai đoạn 1995-1997, các vụ giả chết để trục lợi bảo hiểm tăng nhanh. Sở Bảo hiểm bang New York điều tra 20 đến 30 vụ mỗi năm. Tại California, số lượng yêu cầu bồi thường tử vong đã tăng hơn gấp ba, đến 40 hoặc 50 vụ mỗi năm. Không ai biết bao nhiêu người đã gian lận thành công.

Ngoài cách giả chết ở nước ngoài, đòi hỏi một kịch bản công phu, những năm đó, đối tượng trục lợi Mỹ còn có những “chiêu” chi phí thấp hơn. Một số người trục lợi bằng cách mua bảo hiểm nhân thọ cho một người thân tưởng tượng. Họ làm giả toàn bộ giấy tờ và dùng một số chiêu trò để vượt qua vòng thẩm định sức khỏe cho người thân ảo đó.

Sau đó, họ rớt nước mắt kể lại cái chết bị thương của người thân ảo và yêu cầu bồi thường. Cách tiếp cận này có lợi thế hơn so với giả chết là giữ được danh tính thực sự bản thân và không phải chia sẻ số tiền thu được với bất kỳ ai.

Ít phức tạp nhưng cũng “cực” hơn là tự mua bảo hiểm cho bản thân rồi giả chết để người thụ hưởng nhận tiền giúp. Tất nhiên, để không bị phát hiện, người gian lận phải sống với một danh tính giả suốt đời. Nhiều người quên điều đó và bị bắt. Những năm 90, các công ty bảo hiểm Mỹ nói rằng việc truy tố những kẻ trục lợi là rất hiếm, ngay cả khi họ bị bắt quả tang. Do đó, các công ty khá vất vả.

Tuy nhiên, nhiều công ty bảo hiểm không bỏ cuộc. Prudential, Metropolitan Life Insurance Company và Reliastar, rất quyết tâm kiểm soát các yêu cầu bồi thường. Trước năm 1997, Metropolitan chi 30.000 USD cho một vụ án ở Indonesia để đưa kẻ trục lợi vào tù. Hay Reliastar chấp nhận chi 3.500 USD để điều ra một vụ gian lận trị giá 5.000 USD.

Đến hai thập niên sau đó, giả chết để yêu cầu bồi thường bảo hiểm vẫn tồn tại ở Mỹ. Elizabeth Greenwood, tác giả của “Playing Dead: A Journey While the World of Death Fraud”, ước tính có hàng trăm trường hợp như vậy mỗi năm.

Năm 2016, Liên minh chống gian lận bảo hiểm Mỹ (CAIF) thực hiện một cuộc khảo sát về việc giả chết để trục lợi, với các mức độ nhẹ, trung bình hay nghiêm trọng. Kết quả, các công ty trả lời nó thuộc loại vừa phải.

Tuy nhiên, CEO của CAIF Dennis Jay nói rằng các công ty bảo hiểm đã không thoải mái để thừa nhận và con số thực tế lớn hơn. Tuy nhiên, chính vì các khoản bồi thường tử vong có giá trị tới hàng trăm nghìn USD, thậm chí vài yêu cầu bồi thường có thể tác động đến tài chính của công ty bảo hiểm nên nghề thám tử điều tra các đối tượng có nghi vấn trục lợi từ đó phát triển.

Giai đoạn này, “chiêu” chết giả ở nước kém phát triển vẫn còn được tận dụng. Trong những trường hợp như vậy, thường không có sẵn thi thể để các thám tử xác nhận danh tính người chết. Đôi khi các công ty bảo hiểm được thông báo rằng cơ thể đã được hỏa táng ngay sau cái chết. Một mẹo khác nói rằng người chết đã chết trên biển.

“Một số cuộc điều tra mà tôi đã xử lý cho các công ty bảo hiểm hoặc gia đình có liên quan là những người đang trong kỳ nghỉ bị trượt chân và rơi xuống biển”, DeMarr, một thám tử bảo hiểm tại California nói.

Những chiêu giả chết trong nước cũng vẫn phổ biến với những kẻ trục lợi không muốn tốn quá nhiều công phu. Tuy nhiên, họ phải thuyết phục được người thân và tất cả những người họ quen biết tin hoặc thông đồng rằng họ đã chết. “Câu hỏi lớn nhất là ‘Bạn có thể thực sự rời xa mọi người và mọi thứ trong cuộc sống của bạn không?'”, Elizabeth Greenwood nói.

Theo thời gian, việc giả chết để trục lợi bảo hiểm tại Mỹ ngày càng khó hơn. Khi các thám tử bảo hiểm vào cuộc họ sử dụng mọi công cụ để xác định những gì đã xảy ra. Một điều quan trọng là họ tìm kiếm động cơ gian lận. Thông thường, mọi người thường biến mất để tránh bị truy tố hình sự hoặc trốn nợ.

Nếu ai đó chết vài tháng sau khi mua một gói bảo hiểm nhân thọ lớn, đối tượng sẽ vào tầm ngắm. Các nhà điều tra sẽ theo dõi các hoạt động của những người thụ hưởng bảo hiểm để xem họ có liên lạc với người được cho là đã chết không.

“Ngành bảo hiểm là một ngành kinh doanh vì lợi nhuận,” David Cohen thuộc Cơ quan điều tra Texas cho biết năm 2016, “Các công ty bảo hiểm sẽ đi xa đến mức sẵn sàng đào mộ để xem có gì trong quan tài mà chẳng phiền lòng”.

Năm 2013, một doanh nhân 63 tuổi tên Jose Lantigua tại Jacksonville, Florida, đã giả chết ở Venezuela để thoát khỏi các vấn đề tài chính. Gia đình ông đã yêu cầu bồi thường được 6,6 triệu USD tiền bảo hiểm nhân thọ.

Tuy nhiên, vài năm sau đó, Lantigua bị bắt khi đang sống dưới một cái tên giả trong ngôi nhà ở Bắc Carolina thuộc sở hữu của vợ ông. Lantigua đã bị kết án vào tháng 2/2017 đến 14 năm tù vì một số tội danh, bao gồm gian lận ngân hàng và trộm cắp danh tính. Vợ ông bị quản chế vì âm mưu thuyết phục mọi người rằng Lantigua đã chết.

Igor Vorotinov trong vụ giả chết trục lợi hơn 2 triệu USD bảo hiểm nhân thọ. Ảnh: Fox Business
Igor Vorotinov trong vụ giả chết trục lợi hơn 2 triệu USD bảo hiểm nhân thọ. Ảnh: Fox Business

Cũng trong giai đoạn đó, một vụ giả chết lừa triệu USD bảo hiểm khác cũng phị phanh phui tại Mỹ. Igor Vorotinov mua bảo hiểm nhân thọ của Mutual of Omaha vào năm 2010. Năm sau, cảnh sát ở Cojusna, Moldova thông báo về một xác chết của người đàn ông tên là Igor Vorotinov, dựa trên hộ chiếu và các tài liệu khác mà họ tìm thấy trên cơ thể.

Vợ của Vorotinov, Irina Vorotinov, đã tới Moldova và xác định đó là chồng mình trong khi đi cùng với một đại diện của Đại sứ quán Mỹ. Cô hỏa táng thi thể và mang tro cốt về nhà ở Minnesota cùng giấy chứng tử. Irina đã nộp đơn yêu cầu bồi thường với công ty bảo hiểm và nhận được hơn 2 triệu USD.

Nhưng ba năm sau, FBI đã nhận được một thông tin rằng Igor giả chết và đang sống ở Ukraine dưới một danh tính mới – Nikoly Patoka. Theo điều tra, Irina và cặp vợ chồng con trai, Alkon Vorotinov, đã mở một tài khoản ngân hàng và gửi hơn 1,5 triệu USD đến các tài khoản ở Thụy Sĩ và Moldova trong khoảng thời gian từ 2012 đến 2015.

Tháng 11/2013, nhân viên của Cơ quan Hải quan và Biên phòng ở Detroit đã tạm giữ vợ chồng Alkon khi họ đang trở về Minnesota từ Moldova. Các đặc vụ thu giữ máy tính xách tay và khám xét các thiết bị. Họ tìm thấy những bức ảnh từ tháng 4 và tháng 5 năm 2013 – hơn một năm sau khi Igor được cho là đã chết – cho thấy anh ấy vẫn còn sống.

Nhà chức trách buộc tội Irina và Alkon vào tháng 1/2015. Irina Vorotinov nhận tội lừa đảo qua thư và tham gia vào một giao dịch tài sản có nguồn gốc hình sự và bị kết án 37 tháng tù. Alkon Vorotinov bị kết án ba năm quản chế. Tháng 11/2018, cảnh sát ở Moldova đã bắt giữ Igor. Anh ta bị dẫn độ về Mỹ ngay sau đó và bị kết án 41 tháng tù vào tháng 8/2019.

Không có cách nào để biết có bao nhiêu người đang sống ẩn náu sau khi giả chết, Greenwood nói. Tuy nhiên, chọn giả chết để lừa một số tiền của bảo hiểm, dù không bị phát hiện, thì theo bà cuộc sống của người trục lợi cũng đã vô nghĩa. “Nếu bạn giả chết thành công, thì bạn cũng xem như là đã chết”, bà nói.

Phiên An (tổng hợp) – Vnexpress