Gần nửa tiếp viên Vietnam Airlines xin nghỉ không lương

Để đối phó đại dịch, các tiếp viên Vietnam Airlines xin tạm nghỉ không lương hoặc vẫn tham gia bay nhưng miễn nhận lương chức danh.

Vì Covid-19, hàng trăm chuyến bay của Vietnam Airlines đã tạm ngưng. Ngay cả các chuyến bay đi châu Âu cũng đang bị gác lại.

Tần suất hoạt động và khai thác bị ảnh hưởng nên hãng buộc phải cắt giảm nhân sự. Ông Phan Ngọc Linh, Trưởng đoàn tiếp viên Vietnam Airlines cho biết hãng có nhiều phương án cho đoàn tiếp viên, gồm: tạm hoãn hợp đồng làm việc 1-3 tháng không nhận lương để chăm lo cho gia đình, tái tạo sức lao động, đi làm một tuần nghỉ 2 tuần… Đến nay, 1.400 tiếp viên xin hoãn hợp đồng trong tháng 3, 4, 5, chiếm gần 50% tổng đoàn tiếp viên.

Tiếp viên Vietnam Airlines trên chuyến bay về từ châu Âu. Ảnh: VNA.
Tiếp viên Vietnam Airlines trên chuyến bay về từ châu Âu. Ảnh: VNA.

“Đây chỉ là con số nghỉ tạm thời chờ diễn biến dịch chứ hãng sẽ không sa thải bất cứ ai lúc khó khăn này”, ông Linh nói.

Ngoài số tạm nghỉ, nhiều tiếp viên làm toàn thời gian nhưng tình nguyện không nhận lương chức danh (mức lương này chiếm 1/4 thu nhập, khoảng 7-8 triệu đồng một tháng). Đại diện Vietnam Airlines cho biết, sự tự nguyện này đang là động lực giúp hãng vượt qua khó khăn.

Cũng như tiếp viên, lãnh đạo Vietnam Airlines cũng đang áp dụng chính sách giảm lương. Lãnh đạo cấp cao trong hội đồng quản trị, lãnh đạo tổng công ty sẽ giảm lương 40%, cấp trung giảm hơn 30%, cấp dưới giảm 20%. Riêng nhân viên chưa áp dụng giảm lương nhưng sẽ nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương.

Là người có nhiều năm gắn bó với Vietnam Airlines, chị Vũ Kim Cúc, tiếp viên trưởng tại hãng này cho biết, đang trong diện giảm 20% lương nhưng vẫn vui vẻ. “Trong thời buổi này nếu có giảm 30% hay 50%, tôi vẫn sẵn sàng đồng hành. Đây cũng là tinh thần của tất cả các tiếp viên tại Vietnam Airlines lúc này”, chị Cúc nói.

Ông Dương Trí Thành – CEO Vietnam Airlines cho biết hãng đã xây dựng nhiều kịch bản ứng phó dịch bệnh và không ngờ kịch bản họ không mong muốn nhất là nhân viên bị lây nhiễm đã xảy đến. Đến nay, Vietnam Airlines đã ghi nhận 3 ca nhiễm nCoV.

Trước đó, Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) dự báo, nếu Covid-19 lan rộng hơn, ngành hàng không toàn cầu sẽ thiệt hại 113 tỷ USD năm nay, trong đó các hãng bay tại châu Á Thái Bình Dương có thể mất gần 60 tỷ USD.

Tại Việt Nam, Cục Hàng không cũng dự tính, doanh thu các hãng hàng không trong nước ước giảm 25.000 tỷ đồng trong năm 2020. Ông Dương Trí Thành cũng từng nhận định các hãng hàng không có thể “về 0” sau nhiều năm tích lũy, đối mặt bước lùi 3-4 năm khi dịch bệnh vượt ra ngoài Trung Quốc.

Thi Hà – Vnexpress