213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 4.980.533 ca nhiễm và 324.445 ca tử vong, tăng lần lượt 95.495 và 4.666 ca so với hôm qua, trong khi 1.957.884 người đã hồi phục, theo thống kê của Worldometer.
Tổng số ca nhiễm và tử vong do nCoV ở Mỹ lần lượt là 1.569.659 và 93.473, sau khi ghi nhận thêm 19.365 ca nhiễm và 1.492 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Theo phân tích của Đại học Massachusetts với 20 mô hình dịch tễ học, số người chết ở Mỹ có thể lên tới 112.000 ca tính đến ngày 6/6.
Hầu hết các bang Mỹ đang mở cửa lại theo từng giai đoạn. Maryland và Virginia mở cửa trở lại từ 15/5 trong khi Washington tiếp tục yêu cầu người dân ở nhà đến tháng 6 vì tình hình dịch không cải thiện. New York, New Jersey, Connecticut và Delaware sẽ mở lại bãi biển từ 22/5.
Hạ viện Mỹ đã thông qua gói cứu trợ 3.000 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế và người dân trước ảnh hưởng của Covid-19, nhưng các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa tuyên bố gói cứu trợ sẽ bị “khai tử” khi được đệ trình lên Thượng viện.
Nga ghi nhận tổng cộng 299.941 ca nhiễm nCoV trên toàn quốc, cao thứ hai thế giới, trong đó 2.837 người đã chết. Anna Popova, người đứng đầu Cơ quan Giám sát Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng và Nhân quyền Liên bang Nga (Rospotrebnadzor), cho rằng tốc độ lây nhiễm đang giảm dần và Nga đang tiến đến “sự ổn định mà chúng tôi mong chờ”.
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, 54 tuổi, ngày 19/5 thông báo đã bình phục sau 20 ngày nhiễm nCoV và trở lại làm việc.
Dù ghi nhận ca nhiễm cao, tỷ lệ tử vong ở Nga rất thấp, khiến nhiều người nghi ngờ số liệu do Moskva công bố. Giới chức y tế Nga cho rằng một trong những lý do khiến tỷ lệ tử vong thấp là nước này chỉ tính những trường hợp chết do nguyên nhân trực tiếp là virus. Bên cạnh đó, dịch bệnh tấn công Nga muộn hơn so với các nước khác nên Moskva có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị giường bệnh cũng như xét nghiệm diện rộng.
Tây Ban Nha báo cáo thêm 615 ca nhiễm và 69 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 278.803 và 27.778. Đây là ngày thứ ba liên tiếp số ca tử vong hàng ngày dưới 100.
Nhiều cơ sở kinh doanh tại Tây Ban Nha đã nối lại hoạt động. Quán bar, nhà hàng và cơ sở tôn giáo ở một số khu vực được mở cửa trở lại. Tại Madrid và Barcelona, những nơi áp đặt hạn chế khắt khe nhất, cửa hàng hiện có thể tiếp nhận khách hàng mà không cần hẹn trước và bảo tàng có thể mở cửa trở lại dù giới hạn lượng khách. Các cửa hàng rộng hơn 400 m2 được phép mở lại trên cả nước, nhưng cũng hạn chế lượng khách.
Ca nhiễm và tử vong do nCoV ở Anh lần lượt là 248.418 và 35.341 sau khi báo cáo thêm lần lượt 2.412 và 545 ca.
Từ tuần trước, Anh bắt đầu khuyến khích người dân quay trở lại làm việc nếu công việc của họ không thể làm từ xa, như ngành sản xuất hoặc xây dựng. Người dân cũng được tập thể dục ngoài trời không giới hạn, có thể tham gia các môn thể thao nhiều người như đánh golf, tennis và câu cá, miễn là những người đi cùng đều là thành viên trong một gia đình.
Italy ghi nhận thêm 813 ca nhiễm và 162 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 226.699 và 32.169. Tốc độ lây lan đang có chiều hướng giảm. Chính quyền dự kiến cho phép tự do đi lại lại từ ngày 3/6, đánh dấu bước nới lỏng hạn chế lớn sau khi Italy là quốc gia châu Âu đầu tiên phong tỏa toàn quốc hồi tháng 3.
Pháp báo cáo thêm 882 ca nhiễm, nâng tổng số lên 180.809, trong đó 28.022 người chết. Dù tăng 125 trường hợp, số ca tử vong giảm so với hôm qua do chính quyền loại khỏi con số tổng kết 342 ca từ các trại dưỡng lão với lý do chết “vì những nguyên nhân khác”.
Chính quyền đã nới lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài gần 8 tuần, nhưng nhấn mạnh họ sẵn sàng tái siết chặt hạn chế nếu cần thiết.
Đức ghi nhận thêm 70 ca tử vong vì nCoV, nâng số người chết do đại dịch ở quốc gia này lên 8.193 trong 177.827 ca nhiễm. Bavaria, bang lớn nhất Đức, vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm 26% số ca nhiễm và 29% số ca tử vong của cả nước.
Đức hiện là vùng dịch lớn thứ 8 thế giới, nhưng tỷ lệ tử vong là 4,6%, thấp hơn nhiều so các vùng dịch khác trên thế giới. Hệ số lây nhiễm (hay R0) trung bình 4 ngày gần nhất của Đức đã giảm từ 0,94 xuống 0,91, theo RKI ngày 18/5. Hệ số dưới 1 được xem là an toàn để nới phong tỏa và mở cửa kinh tế.
Từ 20/4, 16 bang khắp nước Đức từng bước dỡ bỏ lệnh hạn chế ở các mức độ khác nhau. Đức cũng bắt đầu nới lỏng kiểm soát biên giới với một số nước láng giềng từ ngày 16/5, mục tiêu là nối lại việc đi lại tự do ở châu Âu từ giữa tháng 6.
Hôm 18/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất thành lập quỹ 500 tỷ euro (gần 550 tỷ USD) nhằm thúc đẩy sự phục hồi của Liên minh châu Âu hậu khủng hoảng Covid-19.
Liên minh châu Âu (EU) ngày 19/5 tuyên bố ủng hộ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và những nỗ lực đa phương nhằm chống lại Covid-19, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa cắt vĩnh viễn viện trợ và rời tổ chức.
Tại khu vực Mỹ Latin, Brazil là vùng dịch lớn nhất với 271.628 ca nhiễm và 17.971 ca tử vong, tăng lần lượt 16.260 và 1.118 trường hợp. Nước này hiện là vùng dịch lớn thứ tư thế giới.
Giới chuyên gia nhận định số ca nhiễm và tử vong trong đại dịch ở Brazil có thể lớn gấp 15 lần hoặc hơn so với báo cáo do năng lực xét nghiệm nCoV hạn chế tại quốc gia 210 triệu dân. Brazil rơi vào chia rẽ bởi mâu thuẫn chính trị quanh cách đối phó với đại dịch.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro gọi Covid-19 là “bệnh cúm vặt”, lên án “cơn cuồng loạn” quanh đại dịch và hối thúc mở cửa trở lại để tránh làm sụp đổ nền kinh tế. Tuy nhiên, giới chức các bang và địa phương phần lớn kêu gọi dân chúng ở nhà và thực hành cách biệt cộng đồng. Tòa án Tối cao Brazil ủng hộ các thống đốc bang và giới chức địa phương.
Mexico báo cáo 51.633 ca nhiễm và 5.332 ca tử vong, tăng lần lượt 2.414 và 155. Giới chuyên gia cho rằng người Mexico có nguy cơ tử vong vì nCoV cao hơn nhiều nước vì mắc các bệnh lý nền như tiểu đường, tăng huyết áp và béo phì.
Tại Trung Đông, Iran báo cáo thêm 2.111 ca nhiễm và 62 ca tử vong, đánh dấu mức tăng trở lại về số người nhiễm và chết, nâng tổng số lên lần lượt 124.603 và 7.119. Dù vậy, số ca tử vong vẫn dưới 100 suốt nhiều ngày qua.
Arab Saudi ghi nhận thêm 2.509 ca nhiễm và 9 ca tử vong, xấp xỉ một ngày trước đó, nâng tổng số lên lần lượt 59.854 và 329.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) báo cáo thêm 873 ca nhiễm và 3 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 25.063 và 227. UAE từ cuối tháng trước đã nới lỏng các hạn chế được áp đặt kể từ giữa tháng 3. Dubai, trung tâm kinh doanh của UAE, cho phép các trung tâm thương mại, nhà hàng và quán cà phê mở cửa trở lại từ ngày 23/4 nhưng phải tuân thủ quy định phòng dịch.
Trung Quốc và Hàn Quốc chưa công bố số liệu.
Tại Nam Á, Ấn Độ ghi nhận 106.475 ca nhiễm và 3.302 ca tử vong, tăng lần lượt 6.147 và 146. Chính quyền kéo dài lệnh phong tỏa cho đến ngày 31/5. Trường học, trung tâm thương mại và các địa điểm công cộng khác sẽ vẫn đóng cửa, mặc dù các quy tắc sẽ được nới lỏng ở những khu vực báo cáo ca nhiễm thấp.
Tại Đông Nam Á, Singapore vẫn là vùng dịch lớn nhất khu vực với 28.794 ca nhiễm, tăng 451 trường hợp so với hôm trước, chủ yếu là các lao động nhập cư, trong khi số ca tử vong duy trì ở 22. Indonesia xếp thứ hai với 18.496 ca nhiễm và 1.221 người chết, tăng lần lượt 486 và 30 ca. Indonesia là nước duy nhất trong khu vực ghi nhận ca tử vong vượt 1.000.
Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.
Đà tăng ca nhiễm và tử vong tại châu Á dường như đã được khống chế, thấp hơn giai đoạn bùng phát trong những tháng trước. Tuy nhiên, các nước châu Á vẫn đối mặt nguy cơ về các đợt lây nhiễm mới, đặc biệt khi nới phong tỏa và nối lại các hoạt động kinh tế – xã hội. Một số quốc gia trong khu vực vẫn ghi nhận số ca nhiễm tăng.
Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters) – Vnexpress