Thế giới ghi nhận 112.620.046 ca nhiễm nCoV, trong đó 2.494.624 người đã chết, tăng lần lượt 385.665 và 10.401 ca, trong khi 88.192.744 người bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers. Nhiều nước đang ghi nhận số ca nhiễm giảm song theo giới chuyên gia, đại dịch chỉ có thể kết thúc khi người dân được tiêm vaccine đầy đủ. Tính đến 19/2, có 112 nước báo cáo số ca nhiễm giảm, trong khi 62 nước ghi nhận số ca tăng.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 28.889.437 ca nhiễm và 514.555 ca tử vong, tăng lần lượt 62.773 và 1.962 trong 24 giờ qua.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gợi ý rằng Nhà Trắng sẽ gửi trực tiếp khẩu trang tới người dân trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp. Đây là phương án từng được các quan chức y tế đề xuất dưới chính quyền Donald Trump nhưng bị cựu tổng thống chăn lại.
“Chúng tôi có thể sẽ gửi rất nhiều khẩu trang tới khắp đất nước trong thời gian rất ngắn, hàng triệu chiếc”, Biden nói ngày 23/2 trong một cuộc họp. Ông cho biết vấn đề khẩu trang đã trở thành vấn đề chính trị mà cái giá phải trả là “rất nhiều sinh mạng”.
Hồi đầu tháng, Chánh văn phòng Nhà Trắng Ron Klain cũng cho hay chính quyền Biden đang hy vọng hồi sinh một đề xuất từ thời chính quyền Trump là gửi khẩu trang trực tiếp tới người dân.
“Đây là một ý tưởng xuất hiện vào năm ngoái, dưới chính quyền Trump. Các cơ quan y tế công cộng đã đề xuất nó nhưng vì lý do nào đó mà tổng thống Trump bác bỏ”, Klain nói với kênh NBC ngày 4/2. “Chúng tôi muốn đưa nó trở lại. Tôi hy vọng trong vài ngày hoặc vài tuần tới, chúng tôi có thể thông báo một số tiến triển liên quan đến vấn đề này”.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 13.463 ca nhiễm và 100 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV lên lần lượt 11.029.326 và 156.598.
Bang Maharashtra phía tây Ấn Độ hôm 21/2 thông báo sẽ áp đặt các hạn chế mới liên quan đến nCoV ở bốn quận do những lo ngại về làn sóng lây nhiễm lần hai và việc triển khai vaccine chậm trễ.
Lãnh đạo y tế bang Maharashtra Uddhav Thackeray cho biết số ca nhiễm mới hàng ngày ở nước này đã tăng từ khoảng 2.000 ca lên khoảng 7.000 ca đầu tháng này. “Làn sóng lây nhiễm thứ hai đã và đang gõ cửa. Liệu nó có bùng phát hay không sẽ được xác nhận từ 8-15 ngày tới”, Thackeray nói.
Bộ Y tế Ấn Độ cũng yêu cầu Maharashtra và một số bang khác theo dõi chặt chẽ các biến thể của nCoV. Một số nhà dịch tễ học cho rằng số ca nhiễm mới tăng đột biến hiện nay có thể là do các chủng mới gây ra.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 1.370 người chết, nâng tổng số ca tử vong lên 248.646. Số ca nhiễm nCoV tăng 63.093 trong 24 giờ qua, lên 10.260.326.
Chính quyền Brazil đang hứng chỉ trích vì triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 chậm chạp và hỗn loạn. Một tháng sau khi triển khai, Brazil mới tiêm cho khoảng 6,2 triệu người trong 212 triệu dân.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro kiên quyết không tiêm vaccine và bị cáo buộc “dẫn đầu chiến dịch chống tiêm chủng”, bất chấp việc quốc gia này là nơi bắt nguồn một biến chủng nCoV mới dễ lây lan hơn.
Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 20.064 nhiễm và 341 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.629.891 và 85.044.
Bộ Y tế cho biết số người nhập viện vì Covid-19 cũng như số bệnh nhân điều trị tại các khoa hồi sức tích cực tăng ngày thứ hai liên tiếp, với 25.831 người đang nhập viện và 3.407 người đang được chăm sóc tích cực.
Hơn 3,3 triệu người Pháp đã tiêm vaccine Covid-19. Bộ Y tế yêu cầu cơ quan y tế khu vực và các bệnh viện “kích hoạt chế độ khủng hoảng” từ ngày 18/2, để chuẩn bị cho đợt gia tăng ca nhiễm do biến chủng virus dễ lây lan hơn. Chế độ này đòi hỏi tăng số giường bệnh hiện có, trì hoãn phẫu thuật không khẩn cấp và huy động mọi nhân sự y tế.
Đức, vùng dịch lớn thứ mười thế giới, hiện ghi nhận 2.405.263 ca nhiễm và 69.214 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 5.763 và 442 trường hợp so với một ngày trước đó.
Các chuyên gia cảnh báo Đức có thể đối mặt làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần ba do các biển chủng nCoV. Bất chấp các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, số ca nhiễm mới hàng ngày ở Đức gần như không giảm trong thời gian gần đây. Chuyên gia lo ngại điều này là do xuất hiện nhiều biến chủng virus dễ lây lan hơn.
Các trường học tại 10 bang của Đức sẽ mở cửa trở lại vào ngày 22/2, làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu giáo viên và những người hoạt động trong ngành giáo dục có được ưu tiên tiêm chủng hay không. Thủ tướng Đức Angela Merkel và các quan chức liên bang trong cuộc họp gần đây đã yêu cầu Bộ Y tế kiểm tra liệu những người làm trong ngành giáo dục có thể được đưa vào danh sách ưu tiên tiêm vaccine hay không.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.298.608 ca nhiễm, tăng 9.775, trong đó 35.014 người chết, tăng 323. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định số ca nhiễm trên thực tế tại Indonesia có thể cao gấp ba lần.
Indonesia đã triển khai chương trình tiêm chủng vaccine kể từ tháng 1, song nhiều nhóm địa phương đã từ chối tiêm, làm tăng thêm thách thức với chương trình tiêm chủng của chính phủ. Một nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng với tốc độ tiêm vaccine hiện tại, Indonesia sẽ mất hơn 10 năm để hoàn thành kế hoạch tiêm chủng.
Nước này hôm 17/2 đã khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà thứ hai, tập trung vào những người tiếp xúc nhiều với công chúng như người buôn bán ở chợ, giáo viên, cảnh sát, công chức và người trên 60 tuổi. Giai đoạn tiêm chủng đại trà đầu tiên ở Indonesia trước đó tập trung vào nhân viên y tế.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 564.865 ca nhiễm và 12.107 ca tử vong, tăng lần lượt 1.414 và 16 ca.
Từ vị trí một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất châu Á trước đại dịch, Philippines phải hứng chịu đợt suy giảm kinh tế tồi tệ nhất vào năm 2020, do lệnh phong tỏa nghiêm ngặt buộc các doanh nghiệp đóng cửa và đẩy hàng triệu người vào cảnh thất nghiệp.
Tổng thống Rodrigo Duterte tuần này sẽ đưa ra quyết định về việc liệu có tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 ở thủ đô Manila, để cho phép nhiều hoạt động kinh tế hơn hay không.
Vũ Hoàng (Theo AFP, CNN, Reuters) – Vnexpress