Gần 183.000 người chết vì nCoV toàn cầu

Thế giới ghi nhận gần 183.000 người chết trong hơn 2,6 triệu ca nhiễm nCoV, các điểm nóng vẫn ở Mỹ và châu Âu.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, 210 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 2.620.579 ca nhiễm nCoV, trong đó 182.903 người tử vong, tăng lần lượt 60.075 và 5.977 trường hợp so với một ngày trước. 709.541 người đã bình phục.

Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm nCoV bên ngoài một bệnh viện ở Bronx, New York. Ảnh: AFP.
Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm nCoV bên ngoài một bệnh viện ở Bronx, New York. Ảnh: AFP.

Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 846.982 ca nhiễm và 46.609 người chết, tăng lần lượt 23.725 và 1.804 trường hợp.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ hai có thể tấn công Mỹ vào mùa đông tới và mạnh hơn cả đợt dịch đầu tiên. 

Redfield và các quan chức y tế công cộng khác cho rằng chính sách yêu cầu người dân ở nhà, đóng cửa hầu hết các trường học và doanh nghiệp khắp cả nước đã làm chậm đà lây lan của nCoV. Tuy nhiên, các biện pháp này cũng gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ, khiến ít nhất 22 triệu người thất nghiệp trong 4 tuần qua. 

Redfield nhấn mạnh khi lệnh phong toả được nới lỏng, từng cá nhân vẫn rất cần duy trì cách biệt cộng đồng. Ông đồng thời cho hay giới chức y tế công cộng phải tăng cường hệ thống xét nghiệm để xác định những người nhiễm virus và truy tìm những người tiếp xúc gần với họ.

Tây Ban Nha, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 435 người chết vì nCoV, tăng nhẹ so với hôm qua, nâng số ca tử vong toàn quốc lên 21.717. Số ca nhiễm tăng thêm 4.211 trường hợp lên 208.389.

Giới chức Tây Ban Nha tin đại dịch đã đạt đỉnh vào ngày 2/4, thời điểm 950 người chết vì nCoV được ghi nhận trong vòng 24 giờ, gần ba tuần sau khi chính phủ áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt với gần 47 triệu dân. Lệnh phong tỏa tại Tây Ban Nha sẽ kéo dài đến ngày 9/5 nhưng một số quy định sẽ được nới lỏng từ ngày 27/4 như cho phép trẻ em ra ngoài trong khoảng thời gian nhất định.

Italy ghi nhận 3.370 ca nhiễm và 437 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 187.327 và 25.085.

Italy từ 9/3 áp lệnh phong tỏa toàn quốc, buộc người dân phải ở nhà, hầu hết các doanh nghiệp phải đóng cửa, gây áp lực lớn cho nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro. Chính quyền dự kiến nới phong tỏa từ ngày 4/5. Thủ tướng Giuseppe Conte sẽ công bố kế hoạch cụ thể trong tuần này.

Pháp xác nhận thêm 1.827 ca nhiễm và 544 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 159.877 và 21.340, trở thành vùng dịch thứ tư báo cáo số người chết vượt 20.000.

Truyền thông Pháp đưa tin một bệnh nhi ở nước này nhiễm nCoV nhưng không lây cho 172 người từng tiếp xúc, cho thấy trẻ em có thể không chiếm tỷ lệ lớn trong việc lây lan dịch bệnh

Bé trai kể trên liên quan đến ổ dịch lây nhiễm từ doanh nhân Steve Walsh, người Anh đầu tiên nhiễm nCoV sau khi dự hội nghị ở Singapore hồi tháng một.

Đức báo cáo thêm 2.195 ca nhiễm và 193 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt là 150.648 và 5.279. Bộ trưởng Y tế Jens Spahn nói số ca nhiễm mới ở Đức “đã giảm đáng kể” và ổ dịch đang “được kiểm soát”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ hiến các bang quyết định nới phong tỏa từ cuối tuần trước, 16 bang dỡ bỏ lệnh hạn chế ở mức độ khác nhau. Các cửa hàng có diện tích dưới 800 m2 được phép hoạt động từ 20/4, song tại một số địa phương như thủ đô Berlin, các hoạt động kinh doanh sẽ mất nhiều thời gian để khôi phục hoạt động.

Tuy nhiên, Merkel cảnh báo thành công của Đức “hết sức mong manh”. Chính phủ Đức tiếp tục đề nghị dân chúng đeo khẩu trang khi đi mua sắm và trên các phương tiện công cộng. Lệnh cấm tụ tập hơn hai người và yêu cầu duy trì khoảng cách tối thiểu 1,5 m tại nơi công cộng vẫn có hiệu lực.

Đức đã cho phép thử nghiệm lâm sàng trên người một loại vaccine phòng Covid-19 là BNT162 của công ty BioNTech.

Anh là vùng dịch lớn thứ năm châu Âu với 133.495 ca nhiễm và 18.100 ca tử vong, tăng lần lượt 4.451 và 763. Thống kê ca tử vong tại Anh chỉ tính những trường hợp chết trong bệnh viện. Số liệu thực tế có thể cao hơn vì nhiều người chết tại nhà và viện dưỡng lão.

Chính phủ Anh hôm 16/4 kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc thêm ít nhất ba tuần khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Iran vượt qua Trung Quốctrở thành vùng dịch lớn nhất châu Á với 85.996 ca nhiễm. Nước này ghi nhận thêm 94 ca tử vong, đánh dấu ngày thứ 9 liên tiếp số ca tử vong hàng ngày dưới 100, nâng tổng số người chết lên 5.391.

Chính quyền đã cho phép các doanh nghiệp nhỏ mở cửa trở lại từ 18/4, bất chấp chỉ trích từ các chuyên gia y tế. Giới chức kêu gọi công chúng hạn chế sử dụng phương tiện công cộng. Thành phố Tehran cho biết 317 tài xế taxi tại đây nhiễm nCoV, trong đó 19 người chết. 147 tài xế xe buýt và 40-50 nhân viên tàu điện ngầm cũng nhiễm virus.

Trung QuốcHàn Quốc chưa công bố số liệu.

Dịch đang có dấu hiệu bùng phát mạnh mẽ tại Ấn Độ khi nước này ghi nhận 1.290 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 21.370. Số ca tử vong là 681, tăng 36 ca.

Theo Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR), chỉ 31% các bệnh nhân nCoV được xét nghiệm có triệu chứng, 69% còn lại không có triệu chứng nào.

“Điều này có nghĩa là khi chúng ta đang bắt đầu rà soát một ca nhiễm nCoV thì phát hiện thêm hai ca nhiễm không triệu chứng”, Raman Gangakhedkar, trưởng phòng dịch tễ học và các bệnh truyền nhiễm của ICMR, nói, bày tỏ lo ngại khả năng lây nhiễm “thầm lặng” của các ca nCoV không triệu chứng.

Bộ Y tế Ấn Độ cho hay họ đang sử dụng phương pháp truy vết tiếp xúc và giám sát cộng đồng nhằm đối phó với các ca nhiễm không triệu chứng. “Bằng cách đó, chúng tôi có thể xác định bệnh nhân bị nhiễm ở giai đoạn sớm, điều trị cho họ và giảm tỷ lệ tử vong”, quan chức Bộ Y tế Lav Aggarwal hôm qua nói.

Tại Đông Nam Á, Singapore tiếp tục là vùng dịch lớn nhất với 10.141 ca nhiễm, tăng 1.016 ca. Số ca tử vong là 12, tăng một ca. Trong số các ca nhiễm mới chỉ có 15 người là công dân Singapore và thường trú nhân, còn lại là lao động nước ngoài.

Đây là ngày thứ ba liên tiếp Singapore ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới. Nguyên nhân được cho là do gia tăng các cụm dịch liên quan đến ký túc xá dành cho lao động nước ngoài và nước này tăng cường xét nghiệm.

Indonesia ghi nhận thêm 19 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 635, tiếp tục là vùng dịch chết chóc nhất Đông Nam Á. 283 ca nhiễm mới cũng được phát hiện, nâng tổng số ca nhiễm lên 7.418.

Chính phủ Indonesia từng khước từ các biện pháp phong tỏa hoàn toàn do lo ngại ảnh hưởng đến kinh tế. Tuy nhiên, hôm 20/4, Tổng thống Joko Widodo kêu gọi xem xét mở rộng khẩn cấp những biện pháp nhằm ngăn chặn Covid-19.

Philippines, vùng dịch lớn thứ ba Đông Nam Á, ghi nhận thêm 111 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số ca nhiễm lên 6.710. Số ca tử vong ở nước này tiếp tục cao thứ hai khu vực với 446 người chết, thêm 9 ca so với hôm qua.    

Một nhà tù ở thành phố Cebu trở thành ổ dịch khi 123 tù nhân nhiễm nCoV. Tòa án Tối cao Philippines hồi đầu tuần ra phán quyết các thẩm phán nên trả tự do sớm hoặc thả tạm thời tù nhân do lo ngại về Covid-19.    

Số ca nhiễm nCoV tại Malaysia tăng lên 5.532 với 50 ca nhiễm mới. Nước này ghi nhận 93 ca tử vong, tăng một ca so với hôm trước. Chính phủ Malaysia đã áp lệnh phong tỏa toàn quốc, đi kèm với loạt biện pháp cách biệt cộng đồng để kiềm chế đại dịch. 

Thái Lan báo cáo thêm 15 ca nhiễm và một ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 2.826 và 49. Mặc dù số ca nhiễm mới đã giảm trong những ngày gần đây, các quan chức vẫn thận trọng.

“Số liệu thấp hơn là một thành công nhỏ, nhưng chúng ta không thể mất cảnh giác”, Taweesin Wisanuyothin, phát ngôn viên Trung tâm Đối phó Covid-19 của chính phủ cho biết.    

Tình hình Covid-19 tại các quốc gia Đông Nam Á còn lại không có nhiều biến động. Đông Timor và Lào vẫn là hai nước chịu ít ảnh hưởng nhất, với lần lượt 23 và 19 ca nhiễm nCoV. Việt Nam, Campuchia, Đông Timor và Lào chưa ghi nhận ca tử vong nào.    

Vũ Hoàng (Theo Reuters, AFP, CNN) – Vnexpress