Gần 121 triệu ca Covid-19 toàn cầu, WHO khuyên tiếp tục tiêm vaccine AstraZeneca

Thế giới ghi nhận gần 121 triệu ca nhiễm, gần 2,7 triệu người chết do nCoV, WHO khuyên tiếp tục tiêm vaccine của AstraZeneca sau khi nhiều nước đình chỉ.

Thế giới đã ghi nhận 120.741.878 ca nhiễm nCoV và 2.671.105 ca tử vong, tăng lần lượt 342.580 và 6.443, trong khi 97.342.621 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Ít nhất 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiêm 355 triệu liều vaccine Covid-19. Tuy nhiên, vaccine của AstraZeneca đang gây tranh cãi vì bị nghi ngờ gây ra hiện tượng đông máu sau khi tiêm ở một số trường hợp. Nhiều nước đã đình chỉ sử dụng vaccine AstraZeneca, gồm Pháp, Italy, Đức, Slovenia, Tây Ban Nha,Ireland, Hà Lan, Đan Mạch, Iceland, Áo, Italy, Bulgary, Romania, Estonia, Lithuania, Luxembourg, Latvia và Thái Lan.

“Chúng tôi không muốn mọi người hoảng sợ và chúng tôi sẽ khuyến nghị các quốc gia tiếp tục tiêm vaccine AstraZeneca”, nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Soumya Swaminathan phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 15/3.

Nhận xét của bà được đưa ra khi danh sách các quốc gia, chủ yếu ở châu Âu, dừng tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca ngày càng tăng. Swaminathan nhấn mạnh không có mối liên hệ nhân quả nào giữa hiện tượng đông máu và vaccine của AstraZeneca.

“Cho đến nay, chúng tôi không tìm thấy mối liên quan giữa những hiện tượng này và vaccine và thực tế, tỷ lệ xảy ra biến chứng trong nhóm được tiêm chủng ít hơn những gì được dự đoán”, bà nói.

Dừng tiêm vaccine của AstraZeneca là đòn giáng mạnh vào chiến dịch tiêm chủng toàn cầu mà các chuyên gia hy vọng sẽ giúp chấm dứt đại dịch kéo dài đã hơn một năm. WHO cho biết các chuyên gia an toàn vaccine của họ đang xem xét dữ liệu và sẽ họp trong hôm nay, trong khi cơ quan giám sát thuốc của châu Âu sẽ tổ chức cuộc họp đặc biệt vào 18/3.

“Ủy ban cố vấn của WHO về an toàn vaccine đã xem xét các dữ liệu hiện có, liên hệ chặt chẽ với Cơ quan Dược phẩm Châu Âu và sẽ họp vào ngày mai”,Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, nhấn mạnh rằng quyết định dừng tiêm vaccine AstraZeneca chỉ nhằm “đề phòng”.

Một nhân viên y tế được tiêm vaccine Covid-19 của Oxford-AstraZeneca tại một bệnh viện ở Georgia hôm 15/3. Ảnh: AFP.
Một nhân viên y tế được tiêm vaccine Covid-19 của Oxford-AstraZeneca tại một bệnh viện ở Georgia hôm 15/3. Ảnh: AFP.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 30.132.052 ca nhiễm và 547.909 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 40.353 và 687 trường hợp so với một ngày trước đó.

Thống kê hôm 12/3 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho thấy Mỹ đã tiêm hơn 100 triệu liều vaccine, tương đương 30% số liều vaccine được tiêm trên khắp thế giới. Ban đầu, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đặt mục tiêu đạt được cột mốc quan trọng này vào ngày thứ 100 ông tại vị, tức ngày 30/4.

Mục tiêu đã nhanh chóng được sửa đổi thành 150 triệu mũi vaccine trong 100 ngày đầu tiên và Biden cho biết Mỹ sẽ có đủ vaccine để tiêm cho toàn bộ dân số trưởng thành 258 triệu người vào cuối tháng 5.

Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế Nhà Trắng, ngày 14/3 cảnh báo lãnh đạo các bang rằng cuộc chiến với Covid-19 vẫn “chưa đến hồi kết”, đồng thời thúc giục người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng dịch, lấy dẫn chứng về việc châu Âu đang trải qua những đợt bùng phát mới.

Brazil trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 11.519.609 ca nhiễm và 279.286 ca tử vong vì Covid-19, tăng 36.239 và 959 trong 24 giờ qua.

Bộ trưởng Y tế Brazil cho biết nước này đã đặt hàng 100 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech và 38 triệu liều của Johnson & Johnson, nhằm tìm cách đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng đang bị tụt hậu.

Hiện khoảng 4,6% dân số Brazil đã nhận được ít nhất một liều vaccine. Hai loại vaccine đang được sử dụng ở Brazil là AstraZeneca của Anh và CoronaVac của Trung Quốc.

Covid-19 đã và đang đẩy các bệnh viện đến gần mức quá tải trên khắp đất nước 212 triệu dân. Chính phủ của Tổng thống Jair Bolsonaro phải đối mặt với chỉ trích vì không đảm bảo đủ liều vaccine, buộc quan chức địa phương phải đình chỉ tiêm chủng ở một số khu vực. Bolsonaro hôm 15/3 thông báo sẽ bổ nhiệm bác sĩ tim mạch Marcelo Queiroga làm bộ trưởng y tế, người thứ tư giữ chức vụ này trong đại dịch.

Ấn Độ báo cáo thêm 24.366 ca nhiễm và 130 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV toàn quốc lên lần lượt 11.409.524 và 158.892. Chính phủ đã yêu cầu các chính quyền địa phương ưu tiêm tiêm vaccine Covid-19 cho một số khu vực đã ghi nhận ca nhiễm nCoV tăng đột biến trong những tuần gần đây, trong đó có cả thủ đô New Delhi.

Ấn Độ khởi động quá trình tiêm chủng vaccine cho người dân từ giữa tháng 1 và ít nhất 12 triệu nhân viên y tế cùng các nhân viên tuyến đầu nước này đã được tiêm vaccine. Ấn Độ đặt mục tiêu tiêm chủng cho 300 triệu người trong tổng số 1,35 tỷ dân vào giữa tháng 8.

Anh, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, báo cáo 4.263.527 người nhiễm và 125.580 người chết, tăng lần lượt 5.089 và 64 trường hợp. Mức tăng ca nhiễm mới đang có xu hướng giảm.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết những dữ liệu này là dấu hiệu tích cực, nhưng người dân vẫn phải cẩn trọng với nguy cơ ca nhiễm bùng phát trở lại. “Hãy nhớ chúng ta ở đâu hồi mùa hè năm ngoái. Chúng ta kiểm soát được bệnh dịch ở mức thấp hơn hiện nay rất nhiều và sau đó đợt bùng phát xảy ra”, ông nói.

Anh là nước đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm chủng đại trà vaccine Covid-19, bắt đầu từ tháng 12, phần lớn sử dụng vaccine của AstraZeneca và Pfizer.

Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 6.471 ca nhiễm và 333 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và tử vong lên lần lượt 4.078.133 và 90.762.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng chính phủ sẽ ra quyết định mới trong vài ngày tới để kiểm soát Covid-19 lây lan sau khi ca nhiễm và ca nhập viện tăng nhanh. Bệnh viện ở khu vực Paris đã gần hết công suất và nhiều bệnh nhân được chuyển đến các vùng khác của Pháp, trong khi các điểm nóng lây nhiễm khác xuất hiện ở nhiều địa phương.

Macron hồi tháng 1 quyết định không áp lệnh phong tòa toàn quốc lần thứ ba, thay vào đó là chính sách giới nghiêm toàn quốc từ 18h và đóng cửa một phần các quán bar, nhà hàng, các địa điểm vui chơi, giải trí.

Pháp cũng đã dừng sử dụng vaccine của AstraZeneca như “biện pháp phòng ngừa”. Quyết định này đảo ngược hướng dẫn trước đó của các cơ quan y tế Pháp về tiếp tục tiêm và được đưa ra chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Pháp Jean Castex bảo vệ loại vaccine này.

Đức, vùng dịch lớn thứ mười thế giới, ghi nhận 2.585.369 ca nhiễm và 74.115 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 6.534 và 63 ca so với một ngày trước đó.

Chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 tại Đức có khởi đầu chậm chạp do thiếu nguồn cung và tình trạng quan liêu. Mới chỉ có 6,9% trong 83 triệu người dân Đức được tiêm ít nhất một liều vaccine, khiến người đứng đầu Ủy ban Đạo đức Đức phải kêu gọi chính phủ cho các phòng khám triển khai tiêm chủng các sớm càng tốt.

Quan chức y tế chính phủ và các bang của Đức thống nhất rằng bác sĩ gia đình có thể tiêm vaccine từ giữa tháng 4, nhưng cho rằng các trung tâm tiêm chủng lớn vẫn cần nhận được tối thiểu 2,25 triệu liều vaccine mỗi tuần.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.425.044 ca nhiễm, tăng 5.589, trong đó 38.573 người chết, tăng 147. Nước này bắt đầu tiêm chủng cho nhân viên y tế, công chức và nhân viên các ngành thiết yếu hồi tháng 1. Khoảng 2,28 triệu người dân Indonesia đã được tiêm vaccine Sinovac Biotech của Trung Quốc.

Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 626.893 ca nhiễm và 12.837 ca tử vong, tăng lần lượt 5.404 và 8 ca.

Moderna hôm 6/3 thông báo đã đồng ý cung cấp cho chính phủ Philippines 13 triệu liều vaccine Covid-19, có thể bắt đầu giao hàng từ giữa năm nay. Moderna cho biết họ cũng dự kiến đạt được một thỏa thuận riêng với chính phủ Philippines và khu vực tư nhân để cung cấp thêm 7 triệu liều vaccine.

Huyền Lê (Theo AFP, Worldometer) – Vnexpress