Thế giới ghi nhận 115.729.804 ca nhiễm nCoV, trong đó 2.570.177 người đã chết, tăng lần lượt 488.093 và 12.399 , trong khi 91.440.337 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
2/3 các quốc gia phần lớn vẫn đóng cửa thuộc khu vực Mỹ Latinh và Caribe, ảnh hưởng đến gần 98 triệu người. Trong số đó, Panama đóng cửa trường học lâu nhất, tiếp theo là El Salvador, Bangladesh và Bolivia.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 1/3 cho biết số ca nhiễm nCoV mới trên toàn cầu đã tăng trở lại lần đầu tiên trong vòng 7 tuần. Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, đây là điều “đáng thất vọng nhưng không bất ngờ”, đồng thời kêu gọi các nước không nới lỏng những biện pháp kiểm soát dịch bệnh và còn quá sớm để dựa hoàn toàn vào vaccine.
Công ty dược phẩm Ấn Độ Bharat Biotech ngày 3/3 thông báo dữ liệu thử nghiệm giai đoạn cuối lâm thời cho thấy vaccine Covaxin được phát triển trong nước của họ có hiệu quả 80,6%. Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine này hồi tháng một, trước khi thử nghiệm giai đoạn ba.
“Covaxin không chỉ có hiệu quả lâm sàng cao đối với Covid-19 mà còn có khả năng sinh miễn dịch đáng kể chống lại các biến thể mới”, chủ tịch Bharat Biotech Krishna Ella cho biết trong một tuyên bố và nói thêm rằng vaccine có ít tác dụng phụ.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 29.446.385 ca nhiễm và 531.414 ca tử vong, tăng lần lượt 57.778 và 2.092 trong 24 giờ qua.
Tổng thống Joe Biden hôm 2/3 tuyên bố Mỹ “đang đi đúng hướng để có đủ nguồn cung vaccine cho toàn bộ người trưởng thành tại Mỹ vào cuối tháng 5”, sớm hơn hai tháng so với dự đoán trước đó của Washington.
Hai bang Mỹ Texas và Mississippi đã gỡ lệnh bắt buộc người dân đeo khẩu trang. Biden gọi quyết định này là “sai lầm lớn”. “Điều chúng tôi không cần là lối suy nghĩ của người tối cổ rằng mọi thứ đều đang ổn, hãy tháo khẩu trang ra, quên nó đi. Khẩu trang vẫn rất quan trọng”, Biden nói ngày 3/3.
Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cũng nhấn mạnh “giờ không phải là lúc để nới lỏng tất cả các hạn chế”. “Một hoặc hai tháng tới thực sự có ý nghĩa quan trọng đến diễn biến của đại dịch này”.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 17.425 ca nhiễm và 86 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV lên lần lượt 11.156.748 và 157.471.
Số ca nhiễm tại nước này liên tục giảm kể từ giữa tháng 9/2020, trước khi tăng trở lại hồi đầu tháng trước. 8/10 số ca ghi nhận gần đây được báo cáo tại 5 bang, chủ yếu là Maharashtra và Kerala.
Chính phủ liên bang hôm qua tuyên bố họ “đủ nguồn dự trữ và sẽ cung cấp số liều vaccine cần thiết” cho mọi địa phương, đồng thời kêu gọi các bang không nên tích trữ vaccine Covid-19. Ấn Độ sản xuất 60% mọi loại vaccine trên thế giới và đã tặng, hoặc bán, vaccine Covid-19 cho vài quốc gia.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 1.840 ca tử vong, nâng tổng số lên 259.402. Số ca nhiễm nCoV tăng 74.376 trong 24 giờ qua, lên 10.722.221. Kể từ 3/3, ca tử vong hàng ngày ở Brazil liên tục ở mức cao kỷ lục.
Trong khi phần lớn thế giới đang áp dụng các biện pháp hạn chế hoặc thúc đẩy tiêm vaccine Covid-19, nhiều người tại Brazil vẫn tiệc tùng và phớt lờ đại dịch, bất chấp việc nước này là nơi phát sinh một biến chủng nCoV lây lan nhanh hơn và được cho là nguy hiểm hơn.
Giới chức Brazil cảnh báo hệ thống y tế tại nước này đang bên bờ vực sụp đổ. “Với tình hình này, nếu không hành động, đến tháng 3 mọi người sẽ tranh giành nhau cả giường bệnh lẫn mộ trong nghĩa trang. Chúng tôi sẽ cần mở nghĩa trang mới để chôn cất các thi thể”, Domingos Alves, chuyên gia tại Đại học Sao Paulo, nhận định.
Anh, vùng dịch lớn thứ 5 thế giới, báo cáo 4.194.785 ca nhiễm và 123.783 ca tử vong, tăng lần lượt 6.385 và 315 trường hợp.
Chính phủ Anh hôm 2/3 cho biết họ sẽ nhận được 10 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất, trong số 100 triệu liều đặt hàng từ hãng dược phẩm Anh – Thụy Điển. Tuy nhiên, Anh đang khiến nhiều bên lo ngại vì mua quá nhiều vaccine.
Anh đang tiến hành một trong những chiến dịch tiêm chủng Covid-19 thành công nhất thế giới, với gần 20,5 triệu cư dân đã được tiêm liều đầu tiên.
Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 26.788 ca nhiễm và 322 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.810.316 và 87.542.
Phát ngôn viên chính phủ Pháp Gabriel Attal hôm 2/3 cho hay họ chưa loại trừ phương án kiềm chế Covid-19 nào, bao gồm khả năng ban lệnh phong tỏa toàn quốc mới và các lệnh phong tỏa địa phương vào cuối tuần.
Đức, vùng dịch lớn thứ mười thế giới, ghi nhận 2.472.896 ca nhiễm và 71.711 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 10.835 và 386 ca so với một ngày trước đó.
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 3/3 công bố kế hoạch dần nới lỏng hạn chế phòng dịch, khi các lãnh đạo khu vực và công chúng đang ngày càng mất kiên nhẫn và các doanh nghiệp chật vật tồn tại sau nhiều tháng đóng cửa
Tuyên bố về một “giai đoạn mới”, Merkel cho biết các hộ gia đình sẽ được tương tác nhiều hơn kể từ 8/2. Các cửa hàng sách, cửa hàng hoa cũng sẽ mở cửa trở lại trên toàn quốc. Việc mở cửa trở lại sẽ được quyết định phù hợp với tỷ lệ lây nhiễm tại địa phương.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.353.834 ca nhiễm, tăng 6.808, trong đó 36.721 người chết, tăng 203.
Thứ trưởng Y tế Indonesia Dante Saksono Harbuwono hôm 2/3 cho biết nước này đã phát hiện hai trường hợp nhiễm biến chủng nCoV từ Anh, đặt ra thách thức mới giữa lúc Indonesia cố gắng kiềm chế đại dịch.
Wiku Adisasmito, phát ngôn viên nhóm chuyên trách Covid-19 của Indonesia, cho hay việc giám sát tại các cửa ngõ của đất nước sẽ được siết chặt, nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến chủng có tốc độ truyền nhiễm nhanh hơn này.
Mục tiêu của Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, là tiêm phòng Covid-19 cho hơn 181 triệu người để đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng. Chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn khởi động hồi tháng 1 bắt đầu từ nhóm các nhân viên y tế, công chức và người cao tuổi.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 582.223 ca nhiễm và 12.389 ca tử vong, tăng lần lượt 1.783 và 20 ca.
Philippines đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp các vaccine Covid-19 của Pfizer, AstraZeneca và Sinovac. Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) hôm qua trở thành nhà sản xuất thứ 6 nộp đơn xin cấp phép tại nước này.
Phương Vũ (Theo AFP/Reuters) – Vnexpress