Thế giới ghi nhận 109.655.812 ca nhiễm nCoV, trong đó 2.417.768 ca tử vong và 84.177.106 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 15/2 phê duyệt sử dụng khẩn cấp hai phiên bản vaccine Covid-19 do AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford phát triển, “bật đèn xanh cho việc triển khai trên toàn thế giới các loại vaccine này” thông qua Chương trình Tiếp cận Vaccine Covid-19 Toàn cầu (COVAX).
Hai phiên bản vaccine Covid-19 của AstraZeneca là sản phẩm của Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) và Hàn Quốc. Các cơ sở tại hai quốc gia này sản xuất gần như toàn bộ lô vaccine AstraZeneca đầu tiên cho chương trình COVAX.
“Các quốc gia không có khả năng tiếp cận với vaccine tới nay có thể bắt đầu tiêm chủng cho nhân viên y tế và các nhóm dân số nguy cơ mắc bệnh, góp phần vào mục tiêu phân phối vaccine công bằng của chương trình COVAX”, tiến sĩ Mariangela Simao, trợ lý Tổng giám đốc WHO phụ trách dược phẩm, cho biết.
“Chúng ta phải duy trì tình trạng khẩn trương để đáp ứng nhu cầu của các nhóm thuộc diện ưu tiên ở mọi nơi và tạo điều kiện tiếp cận vaccine toàn cầu. Để làm được mục tiêu này, chúng ta cần mở rộng quy mô và năng lực sản xuất, đồng thời các bên phát triển cần sớm gửi vaccine của mình cho WHO xem xét”, tiến sĩ Simao nói thêm.
Quy trình lập danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO bao gồm đánh giá chất lượng, độ an toàn và hiệu của vaccine Covid-19. Đây là điều kiện tiên quyết trong việc đưa một loại vaccine Covid-19 vào chương trình COVAX.
WHO chấp thuận sử dụng khẩn một loại vaccine Covid-19 cho phép các quốc gia xúc tiến việc này theo quy định riêng để nhập khẩu và phân phối. Vaccine Covid-19 do Pfizer-BioNTech phát triển là loại đầu tiên được WHO chấp thuận sử dụng khẩn cấp.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 47.159 ca nhiễm và 897 ca tử vong, đưa tổng số lên lần lượt là 28.312.077 và 498.146.
Số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Mỹ giảm xuất dưới 100.000 sau hôm 12/2, mức thấp nhất từ ngày 4/1. Thống kê của đại học Johns Hopkins cho biết hồi tháng 12/2020, trung bình mỗi ngày thêm 200.000 người Mỹ nhiễm nCoV.
Tổng thống Joe Biden ngày 11/2 cho biết Mỹ ký thỏa thuận đặt mua thêm 200 triệu liều vaccine Covid-19 và có thể cung cấp đủ vaccine cho 300 triệu người Mỹ vào cuối tháng 7/2021 và đạt m ục tiêu tiêm chủng cho phần lớn dân số. Mỹ đã tiêm vaccine cho 50,6 triệu người.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 12/2 kêu gọi các trường học mở cửa lại một cách an toàn và càng sớm càng tốt, đồng thời đưa ra kế hoạch chi tiết để hạn chế nCoV lây lan. Chiến lược mới của CDC Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang, rửa tay và khử trùng, cũng như truy vết tiếp xúc, nhưng không nhắc nhiều đến vấn đề thông gió lớp học.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 9.036 ca nhiễm và 72 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV lên lần lượt 10.925.208 và 155.836.
Ấn Độ đã tiêm vaccine cho khoảng 3 triệu nhân viên y tế trong hai tuần đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng, nhưng cần phải tăng tốc để đạt mục tiêu trong mùa hè. Chính phủ Ấn Độ yêu cầu các bang lên lịch tiêm chủng cho tất cả nhân viên y tế trước ngày 20/2 và tất cả nhân viên tuyến đầu trước ngày 6/3.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 479người chết, nâng tổng số ca tử vong lên 239.773. Số ca nhiễm nCoV tăng 32.197trong 24 giờ qua, lên 9.866.710.
Brazil hôm 6/2 nhận 88 lít hoạt chất đầu tiên để sản xuất vaccine Covid-19 của AstraZeneca, cho phép trung tâm y sinh Fiocruz có thể xuất xưởng 2,8 triệu liều vaccine. Trung tâm này dự kiến nhận thêm nhiều lô hoạt chất khác trong tháng 2 để sản xuất khoảng 15 triệu liều vaccine.
Hiện chỉ vaccine do AstraZeneca và Sinovac của Trung Quốc phát triển được chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp ở Brazil. Quốc gia Nam Mỹ này đã tiêm chủng cho 5,13 triệu người.
Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 4.376 ca nhiễm và 412 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.469.539 và 82.226.
Các nhà lập pháp nước này ngày 9/2 thông qua luật gia hạn tình trạng khẩn cấp y tế quốc gia tới ngày 1/6 khi số ca tử vong vì Covid-19 vượt 80.000. Luật này cho phép chính phủ ban hành nhiều hạn chế, bao gồm cả phong tỏa, nhằm ngăn nCoV lây lan. Tình trạng khẩn cấp hiện tại sẽ hết hiệu lực vào ngày 16/2.
Bộ Y tế Pháp yêu cầu cơ quan y tế khu vực và các bệnh viện “kích hoạt chế độ khủng hoảng” để chuẩn bị cho đợt gia tăng ca nhiễm do biến chủng virus dễ lây lan hơn từ ngày 18/2. Chế độ này đòi hỏi tăng số giường bệnh hiện có, trì hoãn phẫu thuật không khẩn cấp và huy động mọi nhân sự y tế.
Israel, nước dẫn đầu thế giới về tiêm vaccine, ghi nhận 727.485 ca nhiễm và 5.403 ca tử vong, tăng lần lượt 3.105 và 15. Hơn 41% người Israel đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Pfizer. Israel cho biết họ sẽ mở cửa một phần các khách sạn và phòng gym từ ngày 23/2 cho những người đã tiêm hai mũi vaccine hoặc được coi là miễn dịch nhờ hồi phục sau khi nhiễm nCoV.
Nachman Ash, điều phối viên ứng phó với đại dịch quốc gia, cho biết việc mở cửa trở lại các phòng ăn của khách sạn, nhà hàng và quán cà phê sẽ diễn ra “vào ngày 9/3”.
Israel đang trên đà thực hiện mục tiêu tiêm hai mũi cho 30% dân số 9 triệu người vào tháng này. Họ hy vọng sẽ tiêm hai mũi cho 50% dân và mở cửa trở lại rộng rãi hơn vào tháng tới. Nhà cung cấp dịch vụ y tế lớn nhất Israel Clalit Health Services ngày 14/2 cho biết kết quả nghiên cứu trên 600.000 người được tiêm hai mũi vaccine Pfizer cho thấy vaccine hiệu quả 94%.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.223.930 ca nhiễm, tăng 6.462, trong đó 33.367 người chết, tăng 184. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định số ca nhiễm trên thực tế tại Indonesia có thể cao gấp 3 lần.
Indonesia triển khai chương trình xét nghiệm nCoV qua hơi thở tại các ga tàu trong bối cảnh tình hình dịch ở nước này ngày càng phức tạp. Người làm xét nghiệm sẽ được yêu cầu thổi vào túi và nhận kết quả ngay sau hai phút.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 550.860 ca nhiễm và 11.517 ca tử vong, tăng lần lượt 1.685 và hai ca. Tình hình Covid-19 tại Philippines càng gây lo ngại khi những lô vaccine Covid-19 đầu tiên dự kiến phải đến nửa cuối năm nay mới tới nước này.
Do sự xuất hiện của biến chủng nCoV dễ lây lan hơn từ Anh tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte cuối tháng 1 quyết định tái áp đặt lệnh cấm trẻ em 10-14 tuổi rời nhà, bất chấp lo ngại việc này sẽ khiến nền kinh tế ngày càng lún sâu vào khủng hoảng.
Nguyễn Tiến (Theo AFP) – Vnexpress