Đường tránh quốc lộ xây chồng lên di tích quốc gia

Khu vực Bãi Trận thuộc di tích quốc gia dinh Chúa Nguyễn bị đường tránh quốc lộ 1A xây chồng lấn lên phần lớn diện tích.

Ngày 25/2, đại diện UBND huyện Triệu Phong cho hay huyện phát hiện sự việc trên hồi đầu tháng. 

“Bãi Trận nằm ở thôn Phú Mỹ Kiên (xã Triệu Giang) có diện tích 500 m2, là nơi chúa Nguyễn từng thao luyện binh lính, rèn vũ khí… Di tích này bị đường tránh phía đông Đông Hà xây dựng chồng lên gần 440 m2”, ông Trần Văn Thi, Phó phòng Văn hoá Thông tin huyện Triệu Phong nói.

Theo quan sát, phần diện tích bị lấn vào hiện đã xây dựng đường giao thông, vỉa hè. Vị trí di tích nằm về phía bắc của điểm giao giữa đường tránh và quốc lộ 1A.

Di tích lịch sử quốc gia Bãi Trận bị đường tránh xây dựng chồng lên phần lớn diện tích. Ảnh: Hoàng Táo
Di tích lịch sử quốc gia Bãi Trận bị đường tránh xây dựng chồng lên phần lớn diện tích. Ảnh: Hoàng Táo

Quần thể di tích dinh Chúa Nguyễn, bao gồm khu vực Bãi Trận, được Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch công nhận là di tích quốc gia vào tháng 6/2018. Lúc này, ngành giao thông tỉnh Quảng Trị đang triển khai việc đền bù, giải phóng mặt bằng để xây dựng tuyến tránh quốc lộ 1A qua xã Triệu Giang; đến tháng 12/2019, tuyến đường hoàn thành. 

Theo ông Lê Vĩnh Phú, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Trị, hạng mục giải phóng mặt bằng của dự án đường tránh do huyện Triệu Phong đảm nhiệm. “Chúng tôi chỉ phụ trách thi công nên không biết có đất di tích quốc gia trong dự án”, ông Phú nói.

Trước sự việc trên, ông Phan Văn Linh, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho hay “đang khẩn trương họp các ngành để rà soát lại quá trình triển khai dự án, tìm giải pháp cho việc đất di tích bị xây dựng chồng lấn”.

“Liền kề điểm di tích này có lô đất gần 1.300 m2 chưa sử dụng, do UBND xã Triệu Giang quản lý. Chúng tôi đang tham vấn ý kiến nhiều đơn vị để đề nghị điều chỉnh quy hoạch di tích, đưa lô đất này vào đất khoanh vùng bảo vệ di tích Bãi Trận, thay thế cho phần đất đã bị xâm lấn”, ông Linh nói. 

Quần thể di tích quốc gia Chúa Nguyễn gồm 10 điểm di tích thành phần, nằm ở các xã Triệu Giang, Triệu Ái, và thị trấn Ái Tử của huyện Triệu Phong. Năm 1558, Nguyễn Hoàng được vua Lê cử vào trấn thủ xứ Thuận Hoá. Ông đã chọn vùng đất này làm doanh trại, là dinh phủ đầu tiên của chúa Nguyễn.