Đường sắt Cát Linh: Có chuyện tường, vách bị vỡ, nứt

Cảnh ngổn ngang ở một cầu thang cuốn lên xuống nhà ga, mái che chưa hoàn thiện. Ảnh: T.PHÚ

Hầu hết cầu thang các nhà ga đều chưa lắp mái che, lan can kính chưa hoàn thiện, tường vách nứt vỡ và ngập rác…

Dự kiến cuối tháng 4-2019, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sẽ được đưa vào khai thác nhưng đến thời điểm này nhiều hạng mục phụ vẫn ngổn ngang, đặc biệt là phần cầu thang các nhà ga, lan can kính vẫn chưa hoàn thiện xong, thậm chí bị hư hại… Với thực trạng này, người dân nghi ngại việc đưa các đoàn tàu chính thức vào hoạt động vào tháng tới sẽ khó khả thi.

Tường nứt, kính vỡ…

Cho đến thời điểm này, nhà thầu thi công tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn đang tiếp tục hoàn thiện các hạng mục phụ để kịp tiến độ đưa tuyến đường này vào khai thác thương mại từ cuối tháng 4-2019 theo yêu cầu của Bộ GTVT. Các hạng mục phụ này gồm công trình nhà ga, depot và một số hạng mục thiết bị…

Theo ghi nhận của PV Pháp Luật TP.HCM ngày 26-3, tại phần lớn hạng mục cầu thang lên xuống các nhà ga như Thanh Xuân, Phùng Khoang, Văn Quán (Hà Đông) đều có hiện tượng rạn nứt phần bê tông ở thành cầu thang cuốn. Ở phần cầu thang bộ của hàng loạt nhà ga cũng xuất hiện các vị trí chưa lắp đặt kính chắn, thiếu mái che kính, hầu hết mái che của cầu thang dẫn lên ga chưa được lắp đặt.

Các công nhân của nhà thầu thi công lắp đặt thiết bị tại các nhà ga cho hay đây là các hư hại do quá trình thi công gặp phải. “Những rạn nứt ở tường thành cầu thang cuốn là do thi công lắp đặt phần mái che, phải khoan lỗ bắt vít để lắp đặt cột chống mái che dẫn đến các vết nứt. Sau khi hoàn thành mái che cầu thang, chúng tôi sẽ cho trát và sơn lại” – người phụ trách của nhóm công nhân thi công cho hay.

Tương tự, phần kính chắn của các lối lên xuống cầu thang bộ, kính che mái vào nhà ga… tại một số vị trí chưa được lắp đặt xong. Theo các công nhân, nguyên nhân là do trong quá trình thi công các tấm kính bị va đập, nứt vỡ, phải tháo ra để chờ thay thế.

Dạo qua một số nhà ga, PV nhận thấy nhiều nơi ngập rác; nhiều điểm tập kết vật liệu còn phủ bạt, nhiều cột sắt của công trình có dấu hiệu hoen gỉ, xuống cấp…

Cảnh ngổn ngang ở một cầu thang cuốn lên xuống nhà ga, mái che chưa hoàn thiện. Ảnh: T.PHÚ
Cảnh ngổn ngang ở một cầu thang cuốn lên xuống nhà ga, mái che chưa hoàn thiện. Ảnh: T.PHÚ
Công nhân giải thích các tấm kính và tường nứt vỡ là do quá trình thi công. Ảnh: T.PHÚ
Công nhân giải thích các tấm kính và tường nứt vỡ là do quá trình thi công. Ảnh: T.PHÚ

Nhà thầu nói hư hỏng trong quá trình thi công

Trước đó hiện tượng nứt vỡ, hư hỏng này đã được một số người dân phản ánh trên mạng xã hội. Giải thích về thông tin “đường sắt Cát Linh – Hà Đông chưa chạy thử đã xuống cấp”, đại diện Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), chủ đầu tư dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, cho hay: “Ban quản lý dự án đường sắt đã được nhà thầu báo cáo. Đây là các hư hại trong quá trình thi công của nhà thầu. Các hư hại nhỏ trên nhà thầu sẽ phải khắc phục, xử lý hoàn thiện để nghiệm thu, bàn giao. Chúng tôi cũng đang đốc thúc nhà thầu thi công để sớm đưa tuyến đường vào khai thác theo đúng chỉ đạo của bộ trưởng Bộ GTVT”.

Ngày 15-3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã trực tiếp thị sát, kiểm tra và đốc thúc tiến độ hoàn thành của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Tại đây Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu phải khẩn trương hoàn thành các phần việc còn lại để kịp thời vận hành khai thác thương mại vào cuối tháng 4-2019

Theo ông Vũ Hồng Phương, Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án đường sắt, đến nay dự án đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, 1% còn lại gồm các hạng mục hoàn thiện công trình nhà ga, depot và một số hạng mục thiết bị, trong đó có hạng mục thẻ vé tự động AFC liên quan trực tiếp đến vận hành thử liên động dự án.

Nhiều lần lùi tiến độ

Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông là một trong những dự án giao thông công cộng trọng điểm tại Hà Nội với chiều dài 13 km, 12 ga. Dự án do chủ thầu Trung Quốc thực hiện. Ban đầu dự kiến triển khai dự án từ tháng 11-2008 đến tháng 11-2013 hoàn thành với tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD (trong đó gồm nguồn vốn chính phủ kết hợp với vốn vay ODA của Trung Quốc).

Tuy nhiên, với tiến độ chậm, đến tháng 10-2011 dự án mới chính thức được triển khai và điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỉ đồng). Ngày 20-9-2018, dự án vận hành thử toàn bộ hạng mục 13 đoàn tàu với tốc độ trung bình 35 km/giờ. Bộ GTVT yêu cầu dự án vận hành thương mại vào trước Tết nguyên đán 2019, tuy nhiên sau đó đã phải lùi lại đến tháng 4-2019 vì một số hạng mục phụ chậm so với kế hoạch.

TRỌNG PHÚ – PLO.vn

Để lại một bình luận