Tại lễ tổng kết sáng 9/1, ông Lê Hoàng, giám đốc Đường Sách, cho biết doanh thu và mức tăng trưởng hàng năm phản ánh phần nào thành công về hoạt động kinh doanh của các đơn vị xuất bản. Ông nói: “Nhưng mục tiêu của Đường Sách không chỉ về mặt thương mại. Người dân có không gian đáp ứng văn hóa đọc, được tạo cảm giác về nơi đáng sống, mới là nguyện vọng chúng tôi theo đuổi lâu dài”.
Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP HCM, cho biết: “Đường Sách là niềm tự hào của thành phố khi phát huy tinh thần hiếu học của mọi người. Ở tương lai gần, với tâm huyết của những người góp phần khai sinh, nơi này còn giới thiệu đến khách trong nước và quốc tế về một thành phố hiếu đọc”. Ông đề nghị các cơ quan hữu quan phối hợp tạo điều kiện thuận lợi để địa điểm phát triển với mục tiêu phục vụ tối đa văn hóa đọc.
Dịp kỷ niệm, Đường Sách mở triển lãm ảnh về chặng đường phát triển 5 năm qua, thu hút hàng trăm khán giả tham quan. Sáng 9/1, chen chân trong dòng người, ôngTrần Vũ Phi Bằng, giáo viên THCS Phước Bình, quận 9, cho biết trường của ông nhiều lần kết hợp với Đường Sách tạo sự kiện đưa sách đến gần với học sinh, khuyến khích các em tìm đọc những ấn phẩm mang tính giáo dục cao.
Ngọc Bích, sinh viên năm hai Đại học Sư phạm TP HCM nói Đường Sách luôn là điểm hẹn của cô và bạn bè dịp cuối tuần. Với cô, giữa trung tâm thành phố sầm uất, đây là nốt trầm giúp tâm hồn độc giả tĩnh lặng, thư thái. Cô thường nhẩn nha ngồi trên bục gỗ bên đường sách, đọc tiểu thuyết hay tạp chí. Cây bút Tống Phước Bảo cho biết nhiều tác giả xem Đường Sách là nơi hội họp, giao lưu của giới văn chương, giúp định hình văn hoá đọc, tạo điều kiện cho những người viết có cơ hội phát triển khả năng, tiếp cận độc giả.
Bên cạnh sự phát triển, Đường Sách cũng chịu thử thách khi duy trì hoạt động thời dịch. Tại tọa đàm về chặng đường 5 năm, diễn ra ngày 5/1, ông Lê Hoàng cho biết năm 2020, số tên sách mới giảm 37%, lượt khách cũng giảm gần phân nửa so với 2019. Dịch bệnh khiến hội sách lần thứ 11 bị hủy, nhiều hoạt động ra mắt tác phẩm, giao lưu tác giả bị dời lại.
Dù chịu nhiều ảnh hưởng của đợt giãn cách xã hội, năm ngoái, Đường Sách vẫn cố gắng tổ chức hoạt động giao lưu tác giả, tọa đàm về tác phẩm, các buổi đọc sách cho thiếu nhi, giới thiệu văn hóa từ nhiều quốc gia. Thiếu nhi tham dự Du hành vui cùng sách, Mừng sinh nhật cùng sách, còn người lớn xem triển lãm Tranh khắc gỗ Việt Nam trong các tác phẩm văn chương, Ảnh Sài Gòn và Covid-19… Năm qua, nhiều tác giả được giới thiệu với lối sống đẹp như dịch giả cao tuổi Đinh Khắc Phách, tác giả 98 tuổi Nguyễn Đình Tư, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, nhóm tác giả trẻ yêu văn hóa Lục Tỉnh Cầm Ca…
Ông Lê Hoàng nhận định Đường Sách làm tốt vai trò khuyến đọc với mô hình xe bus đọc sách miễn phí. Tuy nhiên, bãi giữ xe cần mở rộng, nhà vệ sinh nên cải tạo để tạo không gian thoáng mát, văn minh. Với phương châm phục vụ độc giả dịp lễ, hội, ông Nguyễn Hữu Hoạt – tổng giám đốc công ty Phương Nam, kiến nghị Đường Sách nên có thêm nhiều hoạt động đa dạng vào Tết Nguyên đán, mở cửa thường xuyên hơn khi tình hình dịch được kiểm soát.
Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt – một trong những thành viên xây dựng đề án Đườ ng Sách từ những ngày đầu – cho biết bà mong trong tương lai, địa điểm này phản ánh nét văn hóa đẹp của TP HCM với một không gia lưu giữ ký ức về văn hóa, lịch sử thành phố, giới thiệu cho bạn đọc, người nước ngoài về lịch sử ngành xuất bản Việt Nam.
Kỷ niệm 5 năm thành lập, Đường Sách còn nhiều hoạt động như: NXB Văn hóa – Văn nghệ phát hành kỷ yếu Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh – Nhìn lại chặng đường 5 năm, giới thiệu tác phẩm Lang thang phố thị của Nguyễn Ngọc Dũng, Trăng mật với bản thân của Lý Thành Cơ…
Quỳnh Nhật – Vnexpress