Tuần qua, 4 nhà băng có vốn nhà nước hay còn được biết đến là “Big 4” với quy mô tài sản, huy động và cho vay lớn nhất, đồng loạt công bố kết quả kinh doanh 2019.
Mặc dù là ngân hàng có quy mô tài sản và cho vay thấp nhất, lợi nhuận của riêng Vietcombank tiếp tục dẫn đầu và gấp đôi so với ba cái tên còn lại. Từ chỗ xếp sau BIDV và VietinBank về lợi nhuận năm 2015, Vietcombank không ngừng tăng trưởng, đưa tỷ trọng lợi nhuận của Vietcombank so với cả nhóm “Big 4” từ hơn 25% lên mức 40% trong vòng 5 năm.
Những con số về nợ xấu, “room” tín dụng hay thu nhập ngoài lãi cũng cho thấy Vietcombank có nhiều lợi thế để tăng trưởng tốt hơn trong năm tới.
Năm 2019, Vietcombank lãi riêng lẻ trên 22.700 tỷ, giúp lãi hợp nhất vượt tỷ USD, thuộc top 200 tập đoàn tài chính trên toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân 4 năm từ 35-40% (một phần nhờ lợi nhuận đột biến từ các khoản thoái vốn trong năm 2018).
Với VietinBank, sau một năm 2018 giảm tốc vì thực hiện đề án tái cơ cấu, nhà băng này đã vượt BIDV với lãi riêng lẻ 11.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2020 VietinBank đặt mục tiêu khá dè dặt với mức tăng trưởng chỉ khoảng 10%.
Hai nhà băng còn lại chưa công bố chi tiết lãi riêng lẻ. Tính đến cuối 2019, BIDV lãi hợp nhất gần 10.800 tỷ, tăng 14% so với năm trước và mục tiêu tăng 17% trong 2020. Nhìn lại 4 năm gần đây, BIDV có phần đuối khi lợi nhuận tăng bình quân chỉ khoảng 10% mỗi năm, là mức tăng thấp nhất trong nhóm “Big 4”. Trong khi đó, tăng trưởng bình quân lợi nhuận hàng năm của Agribank lên tới gần 40%, đưa lợi nhuận nhà băng này từ mức bằng một nửa BIDV năm 2014 nay đã có thể đuổi kịp vào năm 2019.
Chất lượng tín dụng là một vấn đề mấu chốt khiến có sự chênh lệch lớn về kết quả kinh doanh giữa 4 nhà băng vốn nhà nước. Danh mục cho vay sạch giúp Vietcombank kiểm soát chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ở mức thấp, góp phần nâng lãi trước thuế. Ngoài việc giảm dần tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức rất thấp, chỉ 0,77% trong năm 2019, Vietcombank cũng là ngân hàng đầu tiên xoá sạch nợ xấu bán cho VAMC từ cuối 2016.
Ngoài Vietcombank, nhóm “Big 4” có thêm một trường hợp vừa tất toánnợ xấu cho VAMC trong năm 2019 là Agribank. Còn lại hai nhà băng và BIDV và VietinBank chưa hoàn tất và sẽ phải tiếp tục trích lập số trái phiếu đặc biệt, phần nào ảnh hưởng tới tăng trưởng lợi nhuận.
Trong khi mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của Vietcombank chỉ tương đương 25% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh thì ở các “Big 4” còn lại, chi phí này thường ăn mòn hơn 50% lợi nhuận thuần, đặc biệt là ở BIDV có lúc lên tới 70-80%.
Bên cạnh đó, do đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 sớm và tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) thấp ( chỉ 72%-thấp hơn mức quy định là 85%), Vietcombank cũng được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt mức tăng trưởng tín dụng gần 16% trong năm 2019, cao nhất trong nhóm “Big 4” và cao hơn mức trung bình ngành. Vietcombank cũng dự kiến mức tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2020 và đề xuất Ngân hàng Nhà nước cấp thêm “room” tín dụng cao hơn so với trung bình ngành.
Với BIDV, tăng được vốn nhờ phát hành cổ phiếu cho KEB Hana Bank giúp nhà băng có điều kiện để tăng trưởng tín dụng, cơ hội để cải thiện lợi nhuận hơn nữa.
Trong khi đó, không tăng được vốn điều lệ khiến VietinBank và Agribank còn lại bị hạn chế tăng trưởng tín dụng. Agribank chưa công bố chi tiết mức tăng trưởng năm 2019 và mục tiêu 2020. Đối với nhà băng 100% vốn nhà nước này, tiến độ cổ phần hoá cũng khó có thể nhanh chóng do danh mục tài sản cồng kềnh và việc đánh giá phức tạp.
Còn với VietinBank, dư nợ tín dụng năm 2019 chỉ tăng trưởng một chữ số, bằng một nửa so với bình quân toàn ngành là gần 14%. Năm 2020, ngân hàng cũng chỉ đặt mục tiêu tín dụng tăng 8-10% kể cả sau khi được giữ lại lợi nhuận hai năm, kéo theo mục tiêu lợi nhuận tăng khiêm tốn 10%. Nhìn chung, lợi nhuận của VietinBank sẽ phụ thuộc bởi quyết định tăng vốn và bị hạn chế bởi nợ xấu VAMC chưa tất toán hết.
Trong bối cảnh hạn chế tín dụng, VietinBank tìm kiếm sự tăng trưởng thông qua việc gia tăng thu nhập từ các hoạt động bán chéo để thu phí dịch vụ. Trong năm 2019, với tốc độ tăng thu thuần dịch vụ tới 43%, VietinBank nằm trong nhóm ngân hàng có tăng trưởng thu nhập dịch vụ nhanh nhất theo báo cáo của Công ty chứng khoán Rồng Việt. Có thể thấy, xu hướng chuyển mình từ ngân hàng bán buôn sang phục vụ khách bán lẻ, tăng thu phí và bán chéo sản phẩm là điều mà các nhà băng đang hướng tới.
Lãnh đạo của Vietcombank cũng cho biết ngân hàng đã chuyển từ tín dụng sang thu phí, mua buôn bán lẻ. Tỷ lệ cho vay bán lẻ của nhà băng này trong năm 2019 đã vượt qua tín dụng bán buôn, chiếm gần 52% tổng dư nợ. Ngoài hoạt động tín dụng, ngân hàng tăng thu ngoài lãi lên mức 39% tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh.
Trong 5 năm tới, lợi nhuận của Vietcombank cũng sẽ được cải thiện một phần nhờ phí hợp tác độc quyền và hoa hồng bán bảo hiểm cho FWD. Trong khi một số nhà băng từng trông chờ vào khoản phí này để hạch toán một lần và giúp lợi nhuận tăng vọt, Vietcombank sẽ phân bổ mức phí này trong 5 năm, bắt đầu hạch toán từ quý II hoặc quý III/2020, theo lộ trình và căn cứ vào kết quả bán bảo hiểm.
Trao đổi với VnExpress, đại diện Vietcombank cho biết khoản thu nhập 9.000 tỷ đồng từ FWD được phân bổ trong 5 năm “không ăn thua so với lợi nhuận cao hiện tại của Vietcombank”. Tuy nhiên, mức lợi nhuận mỗi năm gần 2.000 tỷ như vậy, cũng đáng mong ước với nhiều nhà băng.
Nhìn chung, với một danh mục cho vay được kiểm soát tốt, có nền tảng tài chính và dư địa để tăng trưởng tín dụng và nguồn thu từ bancassurance, Vietcombank sẽ tiếp tục dẫn dắt cuộc đua lợi nhuận. Còn BIDV, nhu cầu về vốn đã phần nào được giải quyết, tảng đá cản đường lớn nhất vẫn là nợ xấu và nợ bán cho VAMC. Với hai nhà băng còn lại, câu chuyện tăng vốn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới.
Quỳnh Trang – Vnexpress