Đức Tuấn hát tưởng nhớ cố nhạc sĩ Lam Phương

Đức Tuấn trình diễn “Thành phố buồn” trong đêm khai mạc VnExpress Marathon Huế để tưởng nhớ nhạc sĩ Lam Phương, tối 26/12.

“Có rất nhiều người muốn tôi hát lại ca khúc của cố nhạc sĩ Lam Phương, tại đây, tôi muốn tưởng nhớ ông với Thành phố buồn, nhạc phẩm do ông sáng tác”, Đức Tuấn nói trên sân khấu khai mạc tại Phu Văn Lâu (đường Lê Duẩn) – công trình nổi bật của triều Nguyễn. Trước đó bốn ngày, Lam Phương qua đời ở tuổi 83, tối 22/12 sau thời gian chữa tai biến mạch máu não tại Fountain Valley, California (Mỹ).

Đức Tuấn - Thành phố buồn
Đức Tuấn hát “Thành phố buồn”.
   

Khi giai điệu của Thành phố buồn vang lên, không khí Phu Văn Lâu trầm lắng. Nhiều người hát nhẩm theo lời bài hát của Lam Phương. Ca khúc ra đời năm 1970, lúc nhạc sĩ theo đoàn văn công Hoa Tình Thương lên Đà Lạt trình diễn. Giữa khung cảnh thành phố bảng lảng khói sương, ông tức cảnh sinh tình sáng tác. Cố nhạc sĩ lồng ghép câu chuyện về một đôi tình nhân không đến được với nhau, khiến nhiều người từng lầm tưởng đó là chuyện tình thật của ông.

Đức Tuấn yêu nhạc Lam Phương từ bé với bài Khúc ca ngày mùa. Lớn lên, anh càng thấm thía những tác phẩm của nhạc sĩ, biết thế nào là những tháng năm “tuổi ngọc”, hiểu được cảm giác “chờ người” trong một cuộc “tình bơ vơ”, nếm trải những tháng ngày “một mình” ở “thành phố buồn’ nào đó”.

Hồi đầu năm, anh từng làm album Trọn một kiếp yêu gồm 10 bài, hầu hết gắn bó với nhiều giọng ca tên tuổi, đi vào lòng các thế hệ khán giả như Thành phố buồn, Một mình, Tình bơ vơ, Khúc ca ngày mùa, Cho em quên tuổi ngọc…

Đức Tuấn hát tưởng nhớ cố nhạc sĩ Lam Phương - 1
Đức Tuấn diện áo dài hát trong đêm khai mạc.

Trong chương trình, Đức Tuấn cũng nhận nhiều lời khen khi trình diễn Ta sẽ hồi sinh – nhạc Italy lời Việt về niềm tin cuộc sống hồi sinh sau Covid-19. Phần lời do nhà báo Hà Quang Minh dịch lại với nội dung bám sát ca từ gốc. Bài hát kêu gọi mọi người giữ niềm tin nhân loại “vượt qua nguy khốn”, vì “con tim luôn mang sức sống căng đầy”. Nhạc sĩ Ngô Minh Hoàng đảm nhận phần phối khí, mang âm hưởng hào hùng.

Ở phần thứ ba, Đức Tuấn hát Nối vòng tay lớn của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhằm kết nối tinh thần đoàn kết của mọi người, nhất là cộng đồng runner – những người sẽ tham gia giải chạy vào sáng 27/12.

Đức Tuấn - Nối vòng tay lớn
Đức Tuấn trình diễn “Nối vòng tay lớn”.
   

Đa số khán giả khen Đức Tuấn bắt trend nhanh khi diện áo dài ngũ thân đặc trưng Huế biểu diễn. Trước đó vào ngày 9/9, lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế khuyến khích cán bộ, công chức của Sở mặc áo dài truyền thống khi đi làm; trong đó nam công chức mặc áo dài ngũ thân. Quy định áp dụng vào ngày thứ Hai đầu mỗi tháng, đây là ngày tổ chức lễ chào cờ tập trung toàn cơ quan.

Đức Tuấn cho biết sáng 27/12, anh sẽ diện áo dài chinh phục đường chạy 21 km tại Marathon Huế. Trước đó nhiều tháng, anh dành nhiều thời gian tập luyện, rèn sức để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Điểm nhấn của đêm nhạc còn là tiết mục chầu văn Âm sắc Hương Bình do nghệ sĩ Mai Lê và nhóm múa Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế trình diễn. Lời bản chầu văn ca ngợi vẻ đẹp non nước Ngự Bình, đồi Thiên An, Bến Ngự, Thành nội, lầu Ngũ Phụng, Ngọ Môn… Ngoài ra, nhiều thắng cảnh, nét văn hóa Huế được nhắc đến như: đền đài, thành quách, đêm trăng Vỹ Dạ, Gia Hội, Đông Ba, cầu Trường Tiền, dòng Hương xanh lững lờ, mái chèo khua, giọng hò, nón bài thơ… Đa số khán giả đánh giá cao điệu múa cung đình, múa chén và giọng ca lúc trầm bổng, khi gấp gáp, thể hiện sự chuyên nghiệp trong từng điệu luyến láy của ca sĩ.

Chầu Văn: Âm Sắc Hương Bình
Nghệ sĩ Mai Lê và nhóm múa hát chầu văn “Âm sắc Hương Bình”.
   

Khép lại đêm khai mạc là ba tiết mục của Phạm Đình Thái Ngân. Anh lần lượt thể hiện bản mashup Từ đó Có chàng trai viết lên cây – do Phan Mạnh Quỳnh sáng tác, là nhạc phim Mắt biếc. Khi hát Đưa em đi khắp thế gian, anh xuống tận khán đài giao lưu khán giả, đưa fan hát những đoạn điệp khúc.

Phạm Đình Thái Ngân - Từ Đó
Phần biểu diễn của Phạm Đình Thái Ngân.
   

Thi Quân (ảnh, video: Marathon) – Vnexpress