Bộ sách nhằm lưu giữ các nét văn hóa đặc trưng tại 15 tỉnh, thành: Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Đà Nẵng, Hội An.
Khởi nguồn từ ý tưởng thông qua nghệ thuật để thúc đẩy du lịch, dự án bắt đầu từ tháng 6/2018. Gần 90 họa sĩ trẻ, phần lớn sinh ra và lớn lên ở miền Trung hoặc đã có thời gian sinh sống, gắn bó với vùng đất này, thực hiện.
Qua tranh, Miền Trung – Thực minh họa sống động những món ăn đặc trưng, không chỉ là các món “nổi tiếng” mà còn các món lạ ở địa phương, đang có nguy cơ dần biến mất. Những món ngon nổi bật trong tập sách này gồm: Bánh Canh Chả Cá, Cốm Hộc ở Bình Thuận, Mật Nho Ninh Thuận, Mì Mắm Tuy Hòa, Chả Ram Tôm Đất Bình Định, Mì Quảng, Cơm Gà Tam Kỳ, Mắt Cá Ngừ Đại Dương của Phú Yên, Cơm Hến, Bánh Canh Nam Phổ của Huế, Ram Đẻn ở Quảng Bình, Cháo Lươn Nghệ An, Nem Chua Thanh Hóa…
Họa sĩ Vinh Vương – Trưởng nhóm tác giả – chia sẻ: “Miền Trung bắt nguồn từ dự án theo chân xe lửa đi khắp cả nước vẽ biển hiệu của tôi. Mỗi khi ga tàu dừng, tôi tìm đến những quán vỉa hè bán các món ăn đặc trưng để xin vẽ biển hiệu cho họ. Sức lực có hạn nên tôi chỉ chọn thực hiện một đến hai biển hiệu ở mỗi vùng đất có nhà ga. Tôi nghĩ thật phí nếu tìm hiểu về các món ẩm thực rồi cất đi. Vì vậy, tôi xây dựng bộ sách miền Trung, bắt đầu từ Thực, để mọi người cùng được biết những món lạ”.
Miền Trung – Kiến giới thiệu các danh lam thắng cảnh thông qua đôi nhân vật dẫn chuyện là một du khách người nước ngoài và một người Việt. Trong đó, một nhân vật là người khuyết tật. Dự án hy vọng các đơn vị du lịch, chủ đầu tư các công trình chú ý hơn về thiết kế để thuận tiện cho người khuyết tật.
Tập sách dẫn bạn đọc đến thăm Chùa Núi Tà Cú với bức tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn dài 49 mét ở Bình Thuận, Trùng Sơn Cổ Tự xây từ năm 1973 trên núi Đá Chồng ở Ninh Thuận, Nhà thờ Đá trên núi Bông giữa lòng thành phố ở Khánh Hòa, Nhà thờ Mằng Lăng ở Phú Yên – nơi cất giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên của linh mục Alexandre de Rhodes, Chùa Thiên Mụ ở Huế, Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ ở Thanh Hóa… và cả những “kiến trúc động” như không gian nghệ thuật diễn xướng dân gian Bài Chòi ở Hội An.
Miền Trung – Tích kể lại một cách tóm lược những tích cổ gắn với từng vùng đất văn hóa, lý giải nguồn gốc các vị thần, sự tích các địa danh, gửi gắm bài học dân gian, như: sự tích Vua thần Pô Klong Garai ở Ninh Thuận, Đảo Tiên Nữ ở Khánh Hòa, Đèo Cù Mông ở Phú Yên, truyền thuyết Chàng Lía ở Bình Định, Danh y Hải Thượng Lãn Ông ở Hà Tĩnh, truyền thuyết Thần Độc Cước và câu chuyện trị thủy ở vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hóa….
Họa sĩ Vinh Vương và các cộng sự đang triển khai các dự án sách miền Bắc, miền Tây, tạo thành bộ cẩm nang du lịch, khám phá vẻ đẹp các vùng văn hóa Việt Nam.
Kha Miên