Mở điện thoại vào các trang báo Italy để theo dõi tình hình Covid-19 ngày 3/3, Thu chia sẻ cảm giác chán nản khi vùng Veneto, nơi cô đang học tập ghi nhận 307 ca nhiễm nCoV, trong đó hai người tử vong. Rất muốn ra đường chạy bộ sau hai tuần “chôn chân trong nhà”, Thu đành hủy vì lo nhiễm bệnh.
Thu và ba bạn cùng phòng tham gia Venice Carnival, lễ hội hóa trang lớn nhất Italy tổ chức từ ngày 10/2 đến 23/2 tại Veneto (lễ hội kết thúc sớm hai ngày do dịch bệnh). Trở về phòng vào tối 19/2, cô mới biết Italy phát hiện 16 ca nhiễm nCoV, trong đó hai trường hợp ở Veneto. Nhớ lại những ngày qua đã tiếp xúc với nhiều người lạ, cô bắt đầu sợ hãi.
Tham khảo tư vấn khắp nơi, Thu và ba bạn quyết định tự cách ly, theo dõi sức khỏe tại căn phòng thuê của một hộ dân. Sáng 20/2, cả nhóm đi siêu thị mua gạo, mì Ý, trứng, thịt…, chuẩn bị đủ cho 14 ngày. Hàng trong siêu thị còn nhiều, mọi người vẫn chào nhau bằng cách hôn má nên Thu thấy “đỡ lo phần nào”.
Trong thời gian cách ly, nhóm du học sinh Việt Nam chỉ loanh quanh trong phòng gần 40 m2, gộp bữa sáng với bữa trưa cho tiết kiệm, hủy chạy bộ, hủy lên thư viện đọc sách. Mỗi sáng, Thu mở cửa sổ 30 phút cho thoáng khí, tự kiểm tra thân nhiệt và lên mạng cập nhật số ca nhiễm mới tại vùng Veneto. Cô cũng thường xuyên gọi video về nhà, động viên tinh thần bố mẹ.
Để phòng dịch, Đại học Ca’Foscari liên tục phun khử trùng, cho sinh viên nghỉ học từ ngày 24/2 đến khi có thông báo mới và tổ chức học trực tuyến. Chương trình học tại Đại học Ca’Foscari chia làm bốn học kỳ, đang là học kỳ thứ ba, dự kiến thi hết học kỳ vào cuối tháng 3. Trường không tổ chức thi tập trung, thay vào đó giáo sư từng môn sẽ lựa chọn hình thức thi như làm tiểu luận.
“Trường học đóng cửa nên mình không bị lỡ buổi học nào trong thời gian tự cách ly”, Thu kể, cho biết sẽ dành thời gian để tập trung làm bài tập hết môn.
Em gái đang du học ở Nhật Bản, dự định giữa tháng 3 sẽ về Việt Nam khiến Thu cũng háo hức muốn về. Tuy nhiên, sau khi bàn bạc với các bạn cùng phòng, cô quyết định ở lại. Du học theo chương trình học bổng trao đổi sinh viên Erasmus giữa Đại học Hà Nội và Đại học Ca’Foscari, Thu cho biết sinh viên sẽ không được bảo lưu, chỉ về nước khi trường cho nghỉ học.
“Người dân ở đây rất lạc quan nên mình không quá lo, tất cả làm theo khuyến cáo của Bộ Y tế, chủ động tích trữ lương thực và hạn chế ra đường. Nếu có ra đường mình sẽ dùng khẩu trang vải, mang từ Việt Nam sang”, Thu kể.
Giống như Thu, nhiều du học sinh Việt Nam tại Italy cũng đang lo đối phó với Covid-19. Vũ Thu Hương, 22 tuổi, vừa hoàn thành chương trình học bổng trao đổi tại Đại học Ca’Foscari, liên tục cập nhật tin tức về dịch. Ngày 23/2, Italy ghi nhận hơn 20 trường hợp, sau đó số ca nhiễm tăng nhanh chóng khiến Hương thấp thỏm lo âu, quyết định đặt vé máy bay về nước.
Chương trình trao đổi sinh viên của Hương kéo dài 8 tháng, từ tháng 9/2019 đến tháng 4/2020. Vì tình hình Covid-19, nhà trường tạo điều kiện cho sinh viên hoàn thành chương trình học và thực tập trước thời hạn có thể về nước sớm hơn dự kiến. “Đang thực tập tại một công ty ở Cavareze, vùng Veneto, mình xin tăng ca để hoàn thành đủ số giờ thực tập trong thời gian ngắn nhất”, Hương nói, cho hay chứng nhận của chương trình sẽ được gửi online cho sinh viên.
Để phòng chống dịch, thay vì ăn trưa tại công ty, Hương thường mang thức ăn về nhà để hạn chế tiếp xúc đông người. Cô mua đồ hộp, thịt, trứng, gạo tích trữ trong ba tuần, hạn chế ra đường, thường xuyên sử dụng gel rửa tay khử trùng, đeo khẩu trang bất chấp ánh nhìn dò xét của người đi đường.
Tham gia các hội nhóm, thấy du học sinh Việt Nam rủ nhau về nước, Nguyễn Hoài An, học viên cao học tại Đại học Parma, thành phố Parma, vùng Emilia Romagna, cũng phân vân. Khóa học thạc sĩ của An kéo dài từ năm 2018 đến 2020 nhưng sinh viên có thể gia hạn đến năm 2021. Vì vậy, thời điểm này An có thể dừng việc học tạm thời mà không cần bảo lưu. Nếu về Việt Nam quá thời gian của học kỳ này, cô vẫn có thể đi học hoặc đi thi lại nếu muốn.
Sau nhiều ngày cân nhắc, An cùng một vài người bạn đã sắp xếp việc học, chuẩn bị giấy tờ để về nước, nhưng cuối cùng lại thay đổi quyết định vào phút chót. “Chuyến bay từ Italy về Việt Nam rất dài, tôi không biết có nhiễm virus hay không nên không muốn liên luỵ đến người thân và cộng đồng”, An giải thích.
An kể phần nào yên tâm khi thành phố Parma vẫn chưa xảy ra tình trạng tích trữ thực phẩm, người dân sinh hoạt bình thường. Khẩu trang đã trở nên khan hiếm vì trước khi bùng phát dịch, đây là mặt hàng không phổ biến, giá cao. Tuy nhiên, khi đi ngoài đường, rất ít người đeo khẩu trang, họ chủ yếu mua về tích trữ và chỉ sử dụng khi có dấu hiệu ho, cảm cúm hoặc sốt.
Các trường học như Đại học Parma đã đóng cửa để phun khử trùng, dừng các hoạt động ngoại khóa nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Trường cung cấp chương trình giáo dục trực tuyến, lên lịch học bù phòng trừ nghỉ kéo dài.
Đến hôm nay, Italy ghi nhận thêm 27 người chết vì nCoV trong một ngày, nâng số ca tử vong lên 79, cao hơn Iran và chỉ sau Trung Quốc đại lục. Số ca nhiễm nCoV cũng tăng từ 2.036 lên 2.502, cao thứ ba thế giới sau Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc. 90% ca nhiễm thuộc khu vực phía bắc Italy, gồm các vùng Lombardy, Veneto và Emilia Romagna.
Tú Anh – Vnexpress