Đồng Tâm 10 ngày sau biến cố

Bức tường bao quanh sân bay Miếu Môn đã xây xong, dân làng Hoành bắt đầu mua sắm đón Tết, muộn hơn mọi năm.

“Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật”, tấm băng rôn căng nổi bật trước cổng trụ sở UBND xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Chủ Nhật (19/1) ngày nghỉ nhưng cổng trụ sở vẫn mở, khu nhà của công an xã có người trực.

Mười ngày sau biến cố ở thôn Hoành khiến ba cảnh sát hy sinh, một người chống đối tử vong, cuộc sống bình thường dần trở lại. Người dân cho biết ba ngày trước, công an bắt đầu rút quân, thu dọn barie chắn các lối vào làng.

Ngoài khu vực đồng Sênh giáp tỉnh lộ 429, tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn đã xây xong, trát vữa, chăng dây thép bên trên và đóng biển đỏ “Khu vực cấm” bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh.

Người dân dọn dẹp đường làng đón Tết. Ảnh: Phong Vân.
Người dân đang cải tạo một đoạn đường làng đón Tết. Ảnh: Phong Vân.

Người lạ đi vào thôn Hoành vẫn bắt gặp ánh mắt dò xét của cư dân, nhưng những cuộc trò chuyện đã cởi mở hơn. Ven cổng ủy ban xã là một chợ đào, quất nhỏ. Phía đối diện, các cửa hàng thời trang, tạp hóa rộng cửa đón khách. Các quán gội đầu cũng kín người đi nhuộm tóc, làm đẹp ngày cuối năm.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Chủ tịch Hội cựu chiến binh cho biết, chờ bớt mưa rét, nắng lên, các đoàn thể sẽ dọn dẹp đường làng ngõ xóm, trang trí cờ hoa. Theo kế hoạch đón Tết ban đầu, xã sẽ tổ chức trò chơi dân gian, thi kéo co, văn nghệ, giải bóng đá của 14 đội thuộc các cụm dân cư. “Nhưng với chuyện vừa xảy ra thì đành hủy bỏ”, ông Hưởng nói.

Những ngày qua cán bộ Đảng ủy, UBND xã Đồng Tâm có mặt suốt ngày ở trụ sở, chỉ về nhà ăn cơm rồi lại ra trực. Nơi đây sáng đèn suốt đêm, các phòng ban mở cửa cho lực lượng an ninh túc trực.

Đồng Tâm 10 ngày sau biến cố
Cuộc sống ở Đồng Tâm mười ngày sau biến cố 9/1. Video: Phong Vân.

Ông Phạm Hồng Sỹ, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết, ngày 9/1, đài phát thanh xã thông báo việc “các cơ quan chức năng khi thực thi nhiệm vụ đã gặp hành động chống trả, những người chống đối đã bị bắt, đề nghị người dân không nghe thông tin xuyên tạc, nói xấu, lôi kéo trên mạng xã hội”.

Chiều cùng ngày, Ban chấp hành Đảng ủy xã có cuộc họp mở rộng để triển khai các biện pháp ổn định tình hình địa phương.

Theo ông Sỹ, lực lượng công an về đảm bảo an ninh cho người dân và việc lập các chốt an ninh trong và xung quanh làng những ngày qua không ảnh hưởng đến đi lại của người dân địa phương. Người ngoài xã Đồng Tâm, nếu xuất trình đầy đủ giấy tờ cá nhân cũng được đi lại bình thường qua các chốt. Hai ngày trước, công an đã rút sau một tuần lập chốt.

Ông Sỹ cũng cho hay, khi có kết luận thanh tra của các cơ quan chức năng về đất sân bay Miếu Môn, ủy ban đã thông tin nội dung đến toàn thể nhân dân trong xã.

Lãnh đạo xã trực tiếp gặp, trao đổi, giải thích với ông Lê Đình Kình và một số người liên quan khi họ có kiến nghị về kết luận thanh tra, “tuy nhiên, một số người không tin tưởng, vẫn có những hành động thiếu chuẩn mực. Cá nhân tôi và nhiều lãnh đạo xã khác đã nhiều lần bị quấy rối, đe doạ tại một số cuộc họp cũng như qua các video phát trên mạng xã hội”, ông Sỹ nói.

Phó chủ tịch xã Đồng Tâm nói, xã được Quân chủng Phòng không Không quân (Bộ Quốc Phòng) thông báo bắt đầu xây tường bao sân bay Miếu Môn từ ngày 23/12/2019. Sau đó, xã cập nhật chủ trương này cho người dân, đề nghị mọi người tạo điều kiện cho quân đội hoàn thành nhiệm vụ. Đến ngày 14/1, việc xây dựng tường bao đã hoàn thành.

Lãnh đạo xã Đồng Tâm thông tin thêm, toàn xã có 9.400 nhân khẩu, sự việc vừa qua chỉ liên quan đến một nhóm nhỏ, do vậy “dư luận không nên và không thể đánh đồng toàn bộ người dân trong xã với một bộ phận có hành vi chống đối”.

“Mọi người hãy đến Đồng Tâm và trực tiếp nhìn thấy đại đa số người dân đang sản xuất, lao động bình thường và chuẩn bị đón tết Nguyên đán”, ông Sỹ nói.

Anh Nguyễn Văn Sự mang hoa ra trung tâm xã để bán. Ảnh: Phong Vân.
Anh Nguyễn Văn Sự mang hoa ra trung tâm xã để bán. Ảnh: Phong Vân.

Sau khi chốt cảnh sát rút, anh Nguyễn Văn Sự mang 300 chậu hoa cảnh, thược dược, mẫu đơn ra trung tâm xã bày bán. Những năm trước, qua rằm tháng Chạp là tiểu thương đã rục rịch đánh cây ra khu vực này để “xí” chỗ. Khi ấy Đồng Tâm còn ăn Tết to, con đường từ cổng thôn Hoành qua trụ sở ủy ban ngợp đào quất, kéo dài hàng cây số. Năm nay có biến, chỉ còn bốn nhà buôn cây, hoa cảnh. Từ sáng đến trưa bán được vài chục chậu.

Mười ngày trôi qua cũng là ngần ấy thời gian ông Bùi Văn Giang nghỉ công việc hàn xì. Ông quyết định nghỉ luôn để chuẩn bị gói bánh chưng. Tết này, người đàn ông 58 tuổi không chơi đào quất, phần vì thu nhập giảm, phần vì “không khí chung của xóm làng nó thế, mình trưng diện lại ngại với bà con, mai mốt nhỡ ốm đau người ta chẳng thèm đến”. 

Gần tháng trước, “xóm ủy ban” gồm 22 nhà, trong đó có nhà ông Giang, ngay trung tâm xã ăn tân niên chào năm mới. Họ góp mỗi nhà ba trăm nghìn đồng, dự định mua đèn lồng, đèn nhấp nháy, cờ ngũ sắc về chăng gần một km đường cho hoành tráng. Đó là thông lệ hàng năm. Nhưng giờ việc trang trí lẫn liên hoan đành gác lại, số tiền xung vào quỹ chờ dịp khác.

Nhớ lại biến cố rạng sáng 9/1, ông Giang kể đang ngủ thì bị dựng dậy bởi tiếng đùng đoàng. Ông chạy lên trần ngó xuống đường thấy lực lượng an ninh dàn hàng kín mít. Sợ quá, ông rụt vào trong nhà không dám mở cửa.

Những ngày sau, ông Giang cảm thấy hơi gò bó trong chính ngôi làng của mình. Khi mở cửa nhà ra là thấy bóng dáng công an. Không ai dám giơ điện thoại chụp hình, không túm tụm nói chuyện. Thôn Hoành gần như bị cô lập. 

Chợ không họp, nhà ai mổ lợn thì bán tại nhà. Vợ chồng ông Giang có gì ăn nấy. Trang trại đầy rau, cá cách nhà một cánh đồng cũng không đi hái được. Điện thoại không vào được mạng, ông không biết tin tức gì, cũng không xem tivi. “Giờ thì yên tâm rồi”, ông Giang nói.

Đường làng thôn Hoành chiều 19/1. Ảnh: Phong Vân.
Đường làng thôn Hoành chiều 25 Tết. Ảnh: Phong Vân.

Đêm ấy, bà Nguyễn Thị Chuyển, cư dân xóm 2 cũng không ngủ được, nằm nghe tiếng lộp cộp ngoài đường, tiếng đì đoàng từ 3h sáng đến khoảng 4h30 (ngày 9/1) mới yên. Nhà bà cách tâm điểm sự việc hơn 700 mét. Trước đó, bà Chuyển chỉ nghe dân truyền tai nhau “có kẻng thì lên giữ đất đồng Sênh”. Bà nghĩ nếu có căng thẳng thì ở trên đồng, chứ không nghĩ lại xảy ra trong làng.

Sáng 9/1, bà đóng cửa hàng tạp hóa, nghỉ buôn bán. Buổi chiều và những ngày sau đó, tiệm vẫn mở nhưng lác đác người mua. Bà lại đóng cửa sớm lúc 19h thay vì 22h như mọi khi. Những ngày chợ không họp, nhà bốn người lớn ăn cơm với muối lạc, trứng gà. Còn đứa cháu nội ăn cháo, uống sữa.

Hôm 18/1, bà vẫn trông thấy vài người bên an ninh đi xe vào đây lấy đồ. Sáng 19/1, người làng đã không thấy bóng cảnh phục. “Dân các nơi sợ chả biết có đến không, chứ dân đây đi lại bình thường rồi”, bà Chuyển miệng nói, tay bày mấy nải chuối xanh làm mâm ngũ quả ra sàn xi măng.

Chiều qua, xe của đại lý đã vào thôn Hoành giao bánh kẹo, nước ngọt. Bà không dám nhập mứt dừa vì thấy sức mua giảm, sợ để ra giêng không bán được. Lượng hàng Tết nhập vào chỉ bằng nửa mọi năm.

Sáng 13/1, bà Chuyển đóng cửa hàng từ 8h sáng, đội nón ra đồng hòa vào dòng người đi đưa tang ông Lê Đình Kình. Bà bảo không họ hàng thân thích, đôi lúc thấy ông Kình đi qua thì chào. Nhưng tục lệ ở quê, người già qua đời thì làng xóm đi đưa ma là chuyện thường, “nghĩa tử là nghĩa tận”. Đoạn đường từ nhà ông Kình ra nghĩa trang khoảng 2 km. Hôm ấy trời mù, đoàn người mũ, nón sùm sụp lặng lẽ đi trong tiếng khóc than của người nhà ông Kình.

Người dân thôn Hoành che chắn cho mạ mới gieo để ra Tết cấy vụ chiêm xuân. Ảnh: Phong Vân.
Người dân thôn Hoành che chắn cho mạ mới gieo để ra Tết cấy vụ chiêm xuân. Ảnh: Phong Vân.

Tết không xuất hiện trong nhà ông Lê Đình Kình, ngôi nhà nằm cách cổng thôn Hoành hơn trăm mét. Một chậu than to đặt giữa sân cho người già sưởi ấm và xua tan khí lạnh chiều đông. Bà Dư Thị Thành đầu chít khăn tang, ngồi hơ tay bên chậu lửa. Bà mới làm lễ cúng mười ngày cho chồng,

Bà Thành nhớ Tết năm ngoái, ông Kình còn vui khi thấy con cháu tề tựu đông đủ. Ông phải ngồi xe lăn sau biến cố Đồng Tâm năm 2017. Ông Kình có 8 người con, hai trai, sáu gái. Trong đám tang chỉ có các con gái lo hậu sự cho cha. Hai con trai Lê Đình Công, Lê Đình Chức và hai cháu nội Lê Đình Doanh, Lê Đình Uy vắng mặt. Mười ngày qua, bà không xem tin tức trên tivi, không đọc báo, không theo dõi thông tin trên mạng. Ngần ấy ngày gia đình “không có liên lạc gì” của bốn người đàn ông trong nhà. Công, Chức, Doanh, Uy đều nằm trong danh sách 20 người bị điều tra hành vi Giết người mà Bộ Công an công bố hôm 13/1.

Ngày 31/12/2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng xây tường bảo vệ sân bay Miếu Môn trên địa bàn các xã: Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ) và Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức). Theo Bộ Công an, nhóm khoảng 30 người ở Đồng Tâm đã có hành vi chống đối, chuẩn bị vũ khí, kích động nhằm ngăn cản việc thực thi pháp luật.

Sáng 9/1, lực lượng cảnh sát gồm nhiều đơn vị có trang bị vũ khí tiến vào làng Hoành để “kịp thời bảo vệ người dân” trước lời đe dọa của nhóm chống đối. Bộ Công an cho hay, tại khu vực nhà ông Kình, một nhóm người đã “sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công” khiến 3 công an hy sinh. Người chống đối là ông Lê Đình Kình tử vong.

Ngay trong ngày, Cảnh sát điều tra (Công an Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố, điều tra vụ việc tại Đồng Tâm về ba tội Giết người, Tàng trữ sử dụng vũ khí trái phép và Chống người thi hành công vụ.

Nhóm phóng viên – Vnexpress