Thu hút sự đóng góp của khu vực FDI vào phát triển bền vững ở Việt Nam là tâm điểm của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường kỳ 2019 diễn ra hôm nay (10/1) tại Hà Nội.
Theo bà Virginia Foote, Đồng chủ tịch, Liên minh VBF, Việt Nam đang ở vị thế tốt để nắm bắt các cơ hội tích cực trong dài hạn nhưng cần thiết lập các hệ thống chuẩn bị cho chuyển đổi và cách mạng công nghiệp 4.0, thu hút thêm FDI, và tăng cường liên kết chuỗi để đạt được nhiều lợi ích hơn từ những cơ hội này.
Theo bà, Việt Nam trước tiên là phải giảm tham nhũng, đơn giản hơn thủ tục hành chính. Ở khía cạnh này, nguồn vốn FDI có thể giúp Chính phủ và khu vực tư nhân xây dựng các hệ thống hiệu quả hơn, dành ít thời gian và tiền bạc hơn cho các thủ tục hành chính.
Chia sẻ điều này, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tham nhũng vặt là vấn đề được nhắc tới nhiều nhưng giờ chưa giải quyết triệt để. Khảo sát gần đây với 10.000 doanh nghiệp của VCCI cho thấy, chi phí lót tay trong thanh tra, kiểm tra thuế giảm, nhưng 30% doanh nghiệp cho biết phải trả khoản này cho cán bộ thanh tra.
“Muốn giảm tham nhũng vặt phải gắn trách nhiệm kiểm soát với công tác đánh giá cán bộ”, ông Lộc kiến nghị.
Điểm ưu tiên tiếp theo, đồng Chủ tịch VBF – bà Virginia Foote nêu, cơ sở hạ tầng – nền tảng vững chắc cho tăng trưởng và hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
Bà Foote nhấn mạnh việc giải quyết chất lượng không khí bị ô nhiễm và suy thoái môi trường do quản lý chất thải kém hiệu quả không chỉ cấp bách đối với sự bền vững mà còn là cơ hội to lớn với tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Ưu tiên tiếp theo, là vai trò của FDI với việc thiết lập nền hành chính và cơ sở hạ tầng cơ bản, tầm nhìn cho tăng trưởng kinh tế bền vững trong tương lai. Doanh nghiệp FDI và khu vực tư nhân có thể phối hợp và hiện đại hóa và bồi dưỡng nhân tài Việt Nam trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo… để phát huy thế mạnh về công nghệ thông tin, fintech…
Nhắc tới đổi mới sáng tạo, Đồng Chủ tịch VBF nói “là cơ hội tuyệt vời thu hút đầu tư vào Việt Nam”. Việc khuyến khích cả đầu tư tư nhân trong và ngoài nước vào nghiên cứu, phát triển đổi mới, ở cả các tổ chức học thuật và trong các công ty, dẫn tới yêu cầu phải kiểm tra chặt chẽ về quyền sở hữu trí tuệ, nhưng có thể giúp mở ra chương tiếp theo cho thành công của Việt Nam.
Chia sẻ điều này, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, môi trường kinh doanh của Việt Nam có bước tiến đáng kể trong năm 2019 nhưng chuyển biến này chưa đồng đều giữa các lĩnh vực khi vẫn còn khoảng cách khá lớn so với các nước đi trước trong khu vực. Không gian, dư địa cải cách vẫn rất lớn.
“Việc lắng nghe đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp là điểm sáng trong công tác điều hành của Chính phủ, nhưng giữa việc lắng nghe, tiếp thu với việc giải quyết vẫn còn khoảng cách, cho nên tôi rất hy vọng, năm 2020 chúng ta cần có bước chuyển thực chất hơn”, ông Lộc đề nghị.
Lưu ý về tính ổn định của chính sách, ông Lộc nhấn mạnh, nguyên tắc không hồi tố bất lợi cho doanh nghiệp và người dân phải được bảo đảm khi xây dựng các quy định pháp luật.
“Các bộ ngành địa phương cần tập trung vào việc nâng cao hiệu quả thực chất của các Cổng dịch vụ công, bảo đảm tỷ lệ nộp và xử lý dịch vụ trực tuyến tăng dần theo thời gian. Các cơ sở dữ liệu quốc gia cần sớm được chia sẻ, sử dụng chung để giảm chi phí và tạo sự thuận tiện khi làm thủ tục”, ông Lộc góp ý.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2019 gồm 3 phiên thảo luận chính, nhằm xác định những cơ hội và thách thức, kiến nghị giải pháp để phát triển nền kinh tế bền vững và thu hút đầu tư. Phiên 1 thảo luận về cơ chế điều tiết cho sự bền vững của các nhóm công tác như đầu tư – thương mại, du lịch, thuế và hải quan.
Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh của các nhóm công tác về nông nghiệp, điện và năng lượng sẽ được thảo luận ở phiên thứ 2.
Phiên 3 thảo luận về hạ tầng cơ sở cho sự đổi mới với sự tham gia của các nhóm công tác về thị trường vốn và ngân hàng, cơ sở hạ tầng, nguồn lực và giáo dục – đào tạo.
Anh Minh – Vnexpress