Đòn thù không tiếng súng Iran nhắm vào Mỹ

Việc quốc hội Iraq thông qua nghị quyết yêu cầu Mỹ rút quân có thể giúp Tehran hủy hoại lợi ích của Washington mà không cần dùng vũ lực.

Quốc hội Iraq hôm 5/1 phê chuẩn nghị quyết đề nghị chính phủ ngừng yêu cầu hỗ trợ từ liên quân do Mỹ dẫn đầu, đồng thời chấm dứt mọi sự hiện diện của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ Iraq. Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi trước đó cũng kêu gọi có biện pháp khẩn cấp để sớm chấm dứt hiện diện của các binh sĩ nước ngoài.

Nếu động thái được chính phủ Iraq thông qua, đó sẽ là thắng lợi đầu tiên của Iran để “báo thù” vụ Mỹ không kích giết chết tướng Qassem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hôm 3/1, giới quan sát đánh giá.

Lính Mỹ triển khai bảo vệ đại sứ quán tại Baghdad hôm 2/1. Ảnh: USMC.
Lính Mỹ triển khai bảo vệ đại sứ quán tại Baghdad hôm 2/1. Ảnh: USMC.

“Tehran dường như đã có đòn đáp trả mạnh mẽ với Washington mà không cần tốn một viên đạn”, Ben Connable, chuyên gia về Trung Đông thuộc Viện nghiên cứu RAND của Mỹ, nhận xét.

Iran thực hiện động thái báo thù này không phải bằng các cuộc tấn công bằng bom đạn, tên lửa, mà sử dụng chính ảnh hưởng của họ với các nghị sĩ thân Tehran trong quốc hội Iraq và thông qua một cuộc bỏ phiếu hợp pháp trong chính thể do Mỹ xây dựng.

Nghị quyết của quốc hội Iraq không có tính ràng buộc đối với chính phủ, nhưng vẫn phản ánh quan điểm chung của người dân Iraq, đồng thời có thể trở thành luật nếu được Thủ tướng Mahdi ký phê duyệt.

Mỹ đang triển khai 5.000 binh sĩ tại Iraq làm nhiệm vụ cố vấn và huấn luyện. Lực lượng này hiện diện theo Thỏa thuận khung Chiến lược được hai bên ký năm 2014 sau khi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm đóng một phần ba lãnh thổ Iraq. “Sự hiện diện tạm thời của lính Mỹ ở Iraq xuất phát từ yêu cầu và lời mời của chính phủ Iraq có chủ quyền, hoàn toàn tôn trọng chủ quyền của Iraq”, thỏa thuận có đoạn viết.

Baghdad cho rằng Washington đã vi phạm chủ quyền của họ khi triển khai máy bay không người lái tập kích thiếu tướng Soleimani. Điều này có thể trở thành cái cớ để Iraq yêu cầu Mỹ rút quân, dẫn đến những tác động sâu rộng và hủy hoại lợi ích chiến lược của Washington.

Chiến dịch chống IS do Mỹ dẫn đầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi Washington mất khả năng do thám và tấn công mục tiêu tại Iraq nếu không có binh sĩ và khí tài trên thực địa. Bộ chỉ huy liên quân chống IS cũng có nguy cơ phải chuyển sang nước khác.

Các hoạt động quân sự của Mỹ ở Syria dựa chủ yếu vào sự hỗ trợ từ Iraq cũng sẽ bị suy yếu nếu lính Mỹ phải rời khỏi nước này. Các căn cứ liên quân tại Iraq sẽ phải đóng cửa, khiến đồng minh châu Âu và nhà thầu quốc phòng Mỹ không có lựa chọn khác ngoài rút khỏi Iraq.

“Iraq gần như không phản đối sự hiện diện của Iran và Washington sẽ phải chấp nhận thực tế rằng họ đã để mất vùng ảnh hưởng quan trọng vào tay Tehran. Điều này cũng cho phép Iran hoàn thiện chiến lược mở rộng vùng ảnh hưởng tại Trung Đông”, Connable nói thêm.

Binh sĩ Iraq được Mỹ huấn luyện trong một cuộc diễn tập hồi tháng 11. Ảnh: US Army.
Binh sĩ Iraq được Mỹ huấn luyện trong một cuộc diễn tập hồi tháng 11. Ảnh: US Army.

Lực lượng an ninh Iraq cũng mất đồng minh hữu ích và mạnh mẽ nhất nếu Mỹ rút quân. Họ có thể gặp rắc rối nghiêm trọng khi không còn được Washington huấn luyện, cũng như bảo đảm hậu cần và y tế. Lực lượng Chống khủng bố Iraq (CTS) vốn phụ thuộc vào sự yểm trợ của Mỹ cũng sẽ phải tự bảo vệ mình trong những chiến dịch tương lai.

Ngân sách cho trang bị và huấn luyện chống IS trị giá hàng tỷ USD sẽ bị cắt khi Mỹ rút đi, trong khi viện trợ cho dân thường cũng dần cạn.

Mỹ hiện tại đứng trước hai lựa chọn với lực lượng đóng quân ở Iraq. Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể coi quyết định rút quân là cơ hội giảm can dự của Washington vào các cuộc xung đột ở nước ngoài theo cam kết tranh cử và chấp nhận để Iran mở rộng ảnh hưởng.

Phương án còn lại là nhanh chóng tái đàm phán duy trì lực lượng Mỹ ở Iraq. Washington có thể giữ lại sở chỉ huy liên quân chống IS và tiếp tục hỗ trợ lực lượng an ninh Iraq. Baghdad có lợi ích trong giải pháp này và có thể chấp nhận tái đàm phán.

“Bảo đảm quan hệ Mỹ – Iraq và tái đàm phán Thỏa thuận khung Chiến lược là việc làm cấp thiết trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Nếu các nhà ngoại giao và lập pháp Mỹ có thể xây dựng chiến lược dài hạn với Iraq, một thỏa thuận mang lại lợi ích cho cả hai bên có thể được thông qua và góp phần đẩy lùi ảnh hưởng của Iran”, chuyên gia Connable  nhận định.

  Duy Sơn (Theo LA Times) – Vnexpress