Chiều 16/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các địa phương thực hiện nhiệm vụ trên.
Hiện tiến độ giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc Nam chậm so với tiến độ yêu cầu (đạt 70%). Hầu hết địa phương chưa hoàn thành bồi thường đất nông nghiệp; bồi thường đất đang ở giai đoạn lập phương án, chưa phê duyệt. Nhiều địa phương chưa xây dựng khu tái định cư như Nam Định, Ninh Bình, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang.
Các công trình hạ tầng kỹ thuật lớn mới đang ở bước khảo sát, lập phương án đền bù, di dời. “Nếu các địa phương, chủ sở hữu, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật không tập trung quyết liệt thực hiện, sẽ không thể hoàn thành giải phóng mặt bằng trong quý II/2020 như đã cam kết”, công điện của Thủ tướng nêu.
Thủ tướng yêu cầu bí thư, chủ tịch UBND cấp tỉnh phải coi đây là nhiệm vụ cấp bách; xây dựng tiến độ chi tiết, hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao trong quý II. Các địa phương có dự án đi qua khẩn trương hoàn thành thủ tục xây dựng và triển khai 114 khu tái định cư; thống nhất phương án đền bù công trình hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng; bổ sung kịp thời kinh phí nếu tăng thêm.
Bộ Giao thông Vận tải được giao rà soát kinh phí giải phóng mặt bằng, nếu vượt tổng mức đầu tư thì khẩn trương xử lý, đảm bảo đủ kinh phí.
Tổng kinh phí giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc Nam phía đông khoảng 12.400 tỷ đồng; diện tích thu hồi 4.835 ha; tái định cư 3.690 hộ dân. Số lượng công trình di dời gồm 1.245 vị trí giao cắt đường điện; gần 25.500 m đường ống cấp nước; hơn 46.000 m cáp viễn thông.
Dự án cao tốc Bắc Nam là công trình quan trọng quốc gia ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2017-2020, đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và được bố trí vốn với 11 dự án thành phần. Ngoài 3 dự án đầu tư công, 8 dự án BOT.
Ngày 25/3, Chính phủ cho biết sẽ đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép chuyển hình thức đầu tư của 8 dự án cao tốc Bắc Nam từ hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công.
Viết Tuân – Vnexpress