Doanh nghiệp thêm khó khi nCoV lan rộng ngoài Trung Quốc

Nhựa Duy Tân nghĩ chỉ ảnh hưởng nhẹ khi dịch bùng phát ở Trung Quốc, nhưng nay họ phải nghĩ khác bởi Hàn Quốc – nguồn nhập nguyên liệu chính cũng đang khó.

“Mấy ngày nay, Hàn Quốc lại bùng phát Covid-19 nên công ty phải đưa ra các kịch bản ứng phó rồi”, bà Trịnh Thị Mai Hạnh, Đại diện của Nhựa Duy Tân nói ngày 28/2, khi số ca nhiễm tại Hàn Quốc đã lên 2000.

Chưa kể, theo bà Hạnh, dù có không ảnh hưởng trực tiếp từ nguồn cung thì doanh nghiệp cũng quan ngại về đầu ra. Dịch Covid-19 đã đến giai đoạn ảnh hưởng đến nhu cầu, khi đồ nhựa không phải là mặt hàng thiếu yếu và người tiêu dùng sẵn sàng cắt giảm chi tiêu. “Năm rồi là trào lưu ‘anti plastic’, năm nay thì Covid-19”, bà Hạnh than thở.

Cửa nào cũng ‘dính’ Covid-19

Ba đối tác lớn hàng đầu của Việt Nam là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…, theo TS Lê Đăng Doanh “đều đang lãnh đủ” nên doanh nghiệp càng khó khăn.

Trong cuộc họp báo hôm 26/2, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nói dệt may, da giày, điện tử nằm trong số các lĩnh vực chịu tác động trực diện từ dịch bệnh. Với ngành sản xuất, lắp ráp, sản xuất ôtô tải phụ thuộc hơn 70% linh phụ kiện từ Trung Quốc, dự kiến đến cuối quý I có thể các doanh nghiệp lĩnh vực này sẽ chịu ảnh hưởng từ thiếu hụt nguồn linh phụ kiện phục vụ sản xuất.

Khó khăn của những ngành này được thừa nhận rộng rãi ngay từ đầu, khi nhà cung cấp Trung Quốc bị đình trệ sản xuất và vận tải. Tuy nhiên, đến nay, dịch bệnh lan rộng làm ảnh hưởng tiếp đến các bạn hàng, đối tác kinh doanh khác của Việt Nam. Những người vốn không quá lo như Nhựa Duy Tân giờ cũng “chịu trận”.

Xe container tại cửa khẩu đường bộ số II KIm Thành, Lào Cai ngày 16/2. Ảnh: Giang Huy
Xe container tại cửa khẩu đường bộ số II KIm Thành, Lào Cai ngày 16/2. Ảnh: Giang Huy

Chị Thủy, đại diện Công ty Thái Bình, chuyên về xuất khẩu và có nhà máy tã lót – băng vệ sinh tại Cuba nói công ty không trực tiếp dùng nguyên liệu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, chị thừa nhận cũng bị ảnh hưởng vì một vài nhà cung cấp có nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc. Sản xuất tại Cuba cũng đang có tác động. Các sự kiện xúc tiến thương mại trong ngành cũng dừng.

“Công ty chúng tôi định tham dự 2 hội chợ quốc tế vào tháng 3 và tháng 4  nhưng sự kiện đều bị hoãn do các nhà triển lãm không tham gia được”, chị nói.

Thậm chí, với các sự kiện vừa diễn ra, doanh nghiệp cũng không đạt kỳ vọng. Thuê dịch vụ nước ngoài thiết kế cho 2 gian hàng quy mô tại một hội chợ ở Frankfurt (Đức) gần đây, Minh Long vẫn tuột mất cơ hội “phất lên”. Ông Lý Huy Sáng, Phó tổng giám đốc Minh Long I ước tính hội chợ lần này giảm 60% lượt khách. Trong đó, 700 nhà triển lãm từ Trung Quốc không đến được. Mọi năm, nhiều đơn hàng lớn của công ty đến từ sự kiện này.

“Nghiêm trọng” là từ ông Lý Huy Sáng bình luận với bà Vũ Kim Hạnh  – Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, trong buổi tổ chức này đến thăm công ty gần đây.

“Anh Sáng nói với tôi rằng, lượt khách đến showroom công ty giảm 30%. Ngành sứ thì tưởng không ảnh hưởng gì nhưng thật ra, nhà hàng, khách sạn vắng khách vì dịch bệnh thì họ đâu mua sắm, nâng cấp thêm”, bà Hạnh nói.

Trong lúc mức độ lan tỏa tác động của Covid-19 với các ngành kinh tế vẫn rộng ra thì những ngành chịu tác động trực tiếp vẫn chưa nhìn thấy cửa sáng. “Ngành dệt may theo tôi là một trong những ngành đang trả giá rất đắt. Nếu không có diễn biến mới thì cuối tháng 3 sẽ hết vật tư và nhiều doanh nghiệp sẽ khó khăn”, ông Lê Đăng Doanh nhận định.

‘Trong nguy có cơ’

Hiệp hội mà bà Vũ Kim Hạnh đứng đầu vừa có chuyến thăm đến 6 doanh nghiệp lớn để nắm tình hình. Bà nói điểm tích cực là nhiều doanh nghiệp đã tự chủ động đưa ra các kịch bản khác nhau cho bản thân. Bà cho rằng dẫu sao trong mùa dịch vẫn có “cơ hội”, dù “cay đắng”

“Tôi thấy có một suy nghĩ rất hay là ‘giật mình, lùi lại, nghĩ sâu’. Nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là thời gian rất quan trọng. Mình bị đẩy tới chân tường, và phải bật ra để tiếp tục sống. Khi đó, phải nghĩ lại về bộ máy nhân sự, thị trường, hoạt động thu chi…”, bà Hạnh nhận xét.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng thấy, từ dịp này, doanh nghiệp cần đa dạng hoá, đa phương hoá, không bỏ trứng vào cùng một thị trường. Với ngành dệt may, theo ông cần cân nhắc nhập thêm đầu vào từ Đài Loan, Hàn Quốc, dù giá có cao hơn nhưng tránh lệ thuộc hẳn một nguồn. 

Ông nhìn nhận. rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang phụ thuộc vào nguồn cung ứng Trung Quốc. Bởi lẽ, các doanh nghiệp Trung Quốc rất nhanh nhạy, dễ tính, linh hoạt trong việc hợp tác.

“Không đối tác nào có thể đáp ứng nhu cầu dễ dàng, thuận lợi mà không đòi thêm tiền như Trung Quốc”, ông Doanh nói. Nhưng dịch Covid-19 vẫn là thời điểm nghĩ thêm về “thoát bớt sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc” để đa dạng hóa thị trường. Trong đó, châu Âu, với EVFTA là đáng cân nhắc.

Với hàng không, theo ông Doanh nên giảm giá vé hơn nữa hoặc tiếp cận lại khách du lịch Nga. Ở một số nơi của Nga đang lạnh đến âm 50 độ, nên có thể tiếp cận để đón khách qua Việt Nam nghỉ dưỡng, mở các đường bay mới.

Bản thân Minh Long cũng nhìn ra một số cơ hội khác cho mình. Khi phân khúc  nhà hàng, khách sạn có nguy cơ chậm lại thì các mặt hàng gốm sứ phục vụ thiết yếu là điểm sáng. Công ty cho biết một số mẫu ly tách để đựng nước theo phong trào thay thế chai nhựa đang đắt hàng. Các mẫu nồi dưỡng sinh cũng được nghiên cứu phát triển thêm để đáp ứng nhu cầu gia tăng.

“Tôi nghĩ dịch Covid-19 này sẽ buộc doanh nghiệp cơ cấu lại để cải thiện năng suất. Nó sẽ là bài học đắt giá mà họ phải làm. Nếu dịch kéo dài lâu thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn cầu chứ không chỉ là nguồn cung”, ông Nguyễn Hữu Trung, Chuyên gia cố vấn tài chính, Quản lý đối tác của IDG Việt Nam nhận định.

Cần Chính Phủ ra tay

Nhiều đề xuất hỗ trợ cũng đã được đưa ra gần đây. Ông Trương Thanh Hoài – Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cũng cho rằng các ngân hàng nên cơ cấu lại các khoản vay, giãn thời gian trả nợ vay; ngành tài chính xem xét miễn, giãn, giảm thuế và hoàn thuế VAT… cho các doanh nghiệp ở giai đoạn khó khăn về tài chính.

Vài ý kiến còn kỳ vọng một gói giải cứu. “Chúng tôi mong nhiều ý kiến sẽ đóng góp để chính phủ sớm có gói giải cứu. Chứ chờ lâu đến ngày giải cứu thì chắc nhiều doanh nghiệp đã không tồn tại nổi”, đại diện Nhựa Duy Tân nói.

Bên trong một trung tâm thương mại tại Hà Nội vào đầu tháng 2/2020. Ảnh: Ngọc Thành
Bên trong một trung tâm thương mại tại Hà Nội vào đầu tháng 2/2020. Ảnh: Ngọc Thành

Chuyên gia Lê Đăng Doanh nhận định, với diễn biến hiện tại, chỉ tiêu tăng trưởng là không hiện thực và nên có điều chỉnh. Nếu điều chỉnh sớm thì sẽ giảm được các chi tiêu không cần thiết. “Nên sớm có gói kích cầu, cấp vốn, đặc biệt là giúp đỡ các doanh nghiệp thiệt hại nhiều”, ông nói.

Tuy nhiên, hỗ trợ hay giải cứu cụ thể ra sao thì cũng phải cân nhắc và không thể quá kỳ vọng. Ông Nguyễn Hữu Trung nói điều ông lo ngại nhất là nhiều chương trình mới, với mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp, sẽ được tung ra nhưng lại không đi đến đâu.

Còn với góc nhìn của ông Lê Đăng Doanh, đầu tiên phải nghĩ đến ngân sách. “Chính phủ rất xông xáo nhưng vấn đề trước tiên là lấy tiền đâu ra. Chi thường xuyên của ngân sách còn quá lớn và còn phải chi trả nợ nước ngoài. Do đó, trước mắt, có thể tinh giản bớt bộ máy, để tiết kiệm chi phí”, ông nói.

Theo các chuyên gia, một số vấn đề vĩ mô khác cũng cần đẩy nhanh tốc độ trong thời điểm này như vận dụng công nghệ thông tin, phát triển kinh tế số, chính phủ điện tử. Trong khi đó, việc tìm đối tác mới, nguồn cung mới phải cần được xem là bài học có tính nguyên tắc chứ không phải việc gặp chuyện mới làm.

 Viễn Thông – Vnexpress