Thiếu vốn, kinh nghiệm hạn chế, nhưng doanh nghiệp trong nước đang phải cạnh tranh trực diện với nhà đầu tư nước ngoài khi dự thầu cao tốc Bắc Nam.
Vòng sơ tuyển 8 dự án xây dựng cao tốc Bắc Nam theo phương thức đối tác công – tư (PPP) đã nhận 60 hồ sơ của các nhà đầu tư. Trong đó, hơn 30 doanh nghiệp trong nước tham gia đứng độc lập hoặc liên danh với nhau và liên danh với nhà đầu tư nước ngoài. Việc doanh nghiệp nội phải liên kết với 3-4 doanh nghiệp khác, hoặc liên danh với nước ngoài là chuyện đã được dự báo.
Cụ thể, tiêu chí vốn chủ sở hữu để tham gia cao tốc Bắc Nam phải chiếm 20% tổng vốn đầu tư dự án đòi hỏi doanh nghiệp phải có vốn chủ sở hữu ít nhất 1.000 tỷ đồng cho dự án từ 5.000 tỷ đến 10.000 tỷ đồng.
“Hầu hết doanh nghiệp trong nước không thỏa mãn tiêu chí về vốn chủ sở hữu”, ông Trần Văn Thế – Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả (doanh nghiệp nộp hồ sơ 3 trong 8 dự án) nói.
Ngay cả khi liên danh, đơn vị trong nước cũng chỉ chen chân được vào các phân đoạn vốn thấp như cao tốc Nha Trang – Cam Lâm, suất huy động 2.557 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư 7.615 tỷ. Cũng chính vì vốn đầu tư thấp, Cam Lâm – Nha Trang lại có tính cạnh tranh cao với 8 hồ sơ dự thầu (4 liên danh hoàn toàn trong nước, hai liên danh trong nước với nước ngoài, hai liên danh Trung Quốc).
Ngược lại, đoạn Nghi Sơn – quốc lộ 45, yêu cầu doanh nghiệp góp 4.330 trên tổng 6.333 tỷ vốn đầu tư, thì không nhà đầu tư nội nào tham gia. Toàn bộ hồ sơ là 5 nhà đầu tư nước ngoài.
Đại diện đơn vị quản lý cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, ông Vũ Đức Nhận – Phó tổng giám đốc Công ty Phương Thành cho hay, công ty ông muốn tham gia dự án cao tốc Bắc Nam song không thể đứng độc lập vì thiếu vốn chủ sở hữu nên phải liên danh với hai doanh nghiệp nước ngoài để sơ tuyển dự án Nha Trang – Cam Lâm.
“Chúng tôi hy vọng nhận được một vài gói thầu xây lắp, lợi nhuận có thể ít theo tỷ lệ góp vốn liên danh, song quan trọng là người lao động có việc làm”, ông Nhận chia sẻ.
Tiếp đó, tiêu chí nhà đầu tư phải từng tham gia dự án có tổng mức đầu tư bằng 50% tổng mức dự án đang xét buộc doanh nghiệp phải từng tham gia các dự án 4.000-5.000 tỷ đồng. “Hiếm nhà đầu tư trong nước nào có kinh nghiệm tham gia dự án lớn như vậy, Bộ Giao thông phải hạ tiêu chí thì nhà đầu tư trong nước mới có cơ hội”, ông Trần Văn Thế nói.
Trước thực tế mỗi dự án có ít nhất 5 hồ sơ, nhiều nhất là 11, các nhà đầu tư nội phải “thi đấu” với nhiều nhà đầu tư lớn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp ngay từ vòng sơ tuyển. “Cạnh tranh sẽ rất khốc liệt”, “cơ hội cho nhà đầu tư trong nước rất thấp” là nhận xét của Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả.
Khó khăn khác theo Phó tổng giám đốc Công ty Phương Thành là các ngân hàng đang siết chặt cho vay với các dự án BOT. “Lãi suất ngân hàng trên 11%, trong khi lãi suất tạm tính trong hồ sơ dự án thầu chỉ là 7,8 %, chưa kể rất nhiều dự án BOT đang bị hụt thu (so với phương án tài chính) đã khiến nhà đầu tư nao núng”, ông Nhận nói.
Chia sẻ với lo lắng của các doanh nghiệp nội, song ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Đối tác công – tư (PPP, Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, lợi thế của nhà đầu tư trong nước là thông thuộc địa hình, điều kiện tự nhiên kinh tế – xã hội và luật pháp ở Việt Nam. Trường hợp nào gặp khó khăn về vốn, tín dụng thì có thể liên danh với nhà đầu tư trong nước hoặc ngoài nước. “Tôi đánh giá nhiều nhà đầu tư trong nước đủ năng lực, họ hoàn toàn có cơ hội tham gia vào cao tốc Bắc Nam”, ông Huy lạc quan.
Theo ông Huy, các năm tới, nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông là rất lớn, trong khi nguồn lực đầu tư công là không thể, các tổ chức tín dụng trong nước cũng khó đáp ứng nguồn vốn dài hạn. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải hoan nghênh tất cả nhà đầu tư trong nước và các quốc gia nếu họ có đủ nguồn lực và tuân thủ luật chơi của Việt Nam.
“Sơ tuyển mới chỉ là bước đầu đánh giá chung, hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng mới là bộ lọc cuối cùng và quan trọng để lựa chọn những nhà đầu tư đủ năng lực cả về vốn và kinh nghiệm”, ông Huy thông tin thêm.
Trong thông báo mời sơ tuyển, Bộ Giao thông Vận tải xây dựng mức điểm năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 60% tổng số điểm (tương ứng với 60 điểm); kinh nghiệm chiếm tỷ trọng 30% tổng điểm và phương pháp triển khai dự án chiếm 10% tổng điểm.
Năng lực tài chính của nhà đầu tư liên danh là tổng năng lực của các thành viên liên danh, đồng thời từng thành viên trong liên danh phải đáp ứng năng lực tương ứng với phần vốn góp chủ sở hữu theo thỏa thuận liên danh. Kinh nghiệm của nhà đầu tư liên danh thể hiện qua số dự án tương tự và bằng tổng số dự án của các thành viên trong liên danh đã thực hiện.
Đoàn Loan – Vnexpress