Một tối cuối tuần, tại Trúc Mai House – ngôi nhà âm nhạc của Nghệ sĩ Ưu tú Tuyết Mai, Đinh Nhật Minh mặc áo dài khăn đóng, chơi lần lượt bảy – tám nhạc cụ dân tộc, từ sáo trúc, đàn tranh, T’rưng đến K’lông pút, sáo mèo… trước một nhóm khán giả, trong đó có nhiều người nước ngoài. Không chỉ trình diễn dân ca các vùng miền, anh còn chen những giai điệu tươi trẻ như Despacito, Attention, khiến người nghe thích thú, vỗ tay tán thưởng.
Đinh Nhật Minh có vẻ ngoài năng động, phong cách ăn mặc hip hop, nhưng khi trò chuyện về âm nhạc dân tộc, chàng trai 9x toát lên nét đĩnh đạc, trầm tư, được nhận xét nhiều nét giống ông nội – Nghệ sĩ Ưu tú Đinh Thìn và cha – Nghệ sĩ ưu tú Đinh Linh. Ở tuổi 23, anh có 14 năm theo đuổi sáo trúc, gặt hái hơn 10 giải thưởng trong và ngoài nước, cũng như đoạt quán quân các game show nhờ tài chơi nhạc.
Năm chín tuổi, Đinh Nhật Minh lần đầu tiên được cha trao cho chiếc sáo nhằm khiến cậu con xao lãng việc chơi game. Anh nói nhớ mãi cảm giác chạm vào thân sáo, háo hức muốn được giống cha, tạo ra những giai điệu du dương. Từ sự tò mò ban đầu, niềm đam mê lớn dần giúp cậu bé ham chơi dần trở nên nghiêm túc trong việc rèn luyện mỗi ngày. 11 tuổi, Nhật Minh theo học chuyên ngành Sáo trúc hệ sơ – trung cấp tại Nhạc viện TP HCM. Năm 12 tuổi, Nhật Minh xa gia đình sang Trung Quốc du học diện học bổng tài năng trẻ do Nhà nước hỗ trợ.
Sáu năm ở Học viện Nghệ thuật Quảng Tây, Nhật Minh tận dụng tối đa thời gian học hỏi và luyện tập. “Liên tục nhiều năm, không gian sinh hoạt của tôi hầu như chỉ là phòng ký túc xá và phòng tập, lớp học”, anh cho biết. Những lúc thầy dạy môn sáo trúc đổ bệnh hoặc bận việc, Nhật Minh không nghỉ ngơi mà theo các anh, chị lớp trên để học hỏi. Nhờ vậy, anh đoạt được vài giải thưởng tại đất khách, như giải nhất Độc tấu Sáo trúc (ASEAN – Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) và giải nhì Độc tấu Sáo trúc (nhóm Dạy nghề) của giải Trống Đồng Đỏ 2012 – cuộc thi tuyển chọn trong khu vực Quảng Tây nhằm giới thiệu về thành quả giáo dục nghệ thuật Trung Quốc – ASEAN.
Về chuỗi ngày tập luyện cho cuộc thi, Nhật Minh kể: “Khi đó, trường gửi danh sách học sinh thi rồi mới báo tôi phải biểu diễn bốn tác phẩm. Nhà trường cũng cho rằng đây là nhiệm vụ khó có thể làm được nhưng vẫn khuyến khích tôi gắng hết sức”.
Để có 32 phút tỏa sáng trên sân khấu, Nhật Minh khổ luyện trong hai tháng. Phòng luyện nhạc dành cho sinh viên thường đóng cửa sau giờ học. Vì muốn tập trung, nhiều lần, anh lẻn ở lại phòng tập từ chiều đến một, hai giờ sáng hôm sau. “Nếu về ký túc xá, tôi sẽ khó luyện thổi sáo vì ảnh hưởng đến bạn cùng phòng. Được ở lại phòng nhạc, tôi chìm đắm hoàn toàn vào tác phẩm. Đến khi ngẩng mặt dậy, mới nhận ra xung quanh im phắc, chỉ có hun hút những dãy phòng. Lần nào từ phòng tập về ký túc xá, tôi cũng mò mẫm bước giữa những dãy hành lang, leo ra cửa sổ rời khỏi tòa nhà…”, anh nhớ lại.
Năm 2014, tốt nghiệp tấm bằng xuất sắc chuyên ngành sáo trúc, Nhật Minh về nước, tiếp tục theo đuổi bộ môn này tại Nhạc viện TP HCM hệ cử nhân, đồng thời, nung nấu ước mơ góp phần quảng bá âm nhạc dân tộc. Thầy Trần Thanh Trung, giảng viên môn Sáo trúc, Nhạc viện TP HCM, cho biết thấy vui và hạnh phúc khi Đinh Nhật Minh luôn đi theo con đường âm nhạc đã chọn từ nhỏ.
Không muốn dựa dẫm cha mẹ, hai năm đầu về nước, Nhật Minh trình diễn ở các nhà hàng, khách sạn vào mỗi buổi tối với giá cát-xê 100.000 đồng cho buổi diễn kéo dài hai giờ đồng hồ. Để cải thiện thu nhập, anh dạy thêm, để dành tiền thực hiện những video cover các bản hit bằng sáo trúc rồi đăng youtube, xem như cách giới thiệu nhạc cụ dân tộc này đến mọi người. Anh miệt mài tham gia các game show âm nhạc, tìm kiếm tài năng. “Với tôi, việc góp mặt ở game show là một trong những cách đưa nhạc cụ dân tộc đến gần khán giả hơn, nhất là người trẻ”, anh cho biết.
Đến nay, các video của Nhật Minh trên youtube như trình diễn The Lazy Song bằng 13 nhạc cụ dân tộc, remix ca khúc Despacito phiên bản dạo quanh Sài Gòn… gây chú ý với người nghe bằng cách pha trộn tiếng sáo trúc và nhạc điện tử EDM.
Nhật Minh nói yêu sáo trúc như hơi thở của mình. Nhiều lần do mải mê tập, anh choáng váng, ngất vì hụt hơi. Nhưng khi lấy lại sức, chàng trai lao vào tập luyện. Một trong những nguồn cảm hứng để Nhật Minh luôn giữ “lửa” nghề là truyền thống gia đình, tình cảm của cha mẹ. Anh kể một lần khi trình diễn tác phẩm Hoa Nắng do cha sáng tác tại Nhà hát ca múa nhạc Bông Sen, từ trên sân khấu, anh nhìn thấy mẹ đứng phía dưới lặng lẽ khóc khi xem tiết mục của con. “Lần đó, tiết mục giúp tôi đoạt huy chương vàng Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012. Nhưng ký ức sâu đậm nhất là ánh mắt, dáng hình của mẹ như sự kỳ vọng và lời nhắc tôi gắn bó với nghề dù còn nhiều khó khăn”, Đinh Nhật Minh nói.
Kha Miên – Vnexpress