Điều cần làm khi trượt học bổng

Đại học danh tiếng có tỷ lệ chấp nhận sinh viên quốc tế rất thấp, việc trượt học bổng là bình thường. Telegraph đưa lời khuyên nếu bạn bị trượt.

Dành thời gian để suy ngẫm

Bị từ chối học bổng không có nghĩa toàn bộ trải nghiệm bạn có trong quá trình chuẩn bị hồ sơ đều vô nghĩa. Bạn có thể dành thời gian để nghĩ về những điều tích cực đã làm, những bài học rút ra. Có kết quả học tập tốt và nộp vào những đại học top đầu là nỗ lực đáng ghi nhận của bạn.

Đề nghị trường phản hồi

Bạn có thể viết email đề nghị trường phản hồi, giải thích tại sao hồ sơ của bạn chưa đạt yêu cầu hoặc những điều thiếu sót so với ứng viên khác. Ví dụ, bạn có thể hỏi điểm của bài kiểm tra đầu vào của mình và của người cao nhất, từ đó có sự so sánh. Quy trình của việc này bạn có thể tham khảo trên website hoặc email hỏi đơn vị phụ trách tuyển sinh của trường.

Xem xét các cơ hội khác

Đối với các đại học top đầu của Anh, Mỹ hoặc của thế giới, thành tích của bạn chỉ nằm ở mức tốt, chưa đủ giúp giành được học bổng của trường. Tuy nhiên, ở những trường có thứ hạng thấp hơn, rất có thể hồ sơ của bạn ở mức xuất sắc và bạn có thể giành được một suất học bổng giá trị cao.

Bạn nên cân nhắc cơ hội này vì không phải lúc nào học trường top đầu mới là tốt. Khả năng của bạn sẽ phát huy tối đa khi ở trong môi trường phù hợp và thu nhập sau khi tốt nghiệp phụ thuộc vào những gì bạn có chứ không phải bạn học trường nào.

Ảnh: Shutterstock
Ảnh: Shutterstock

Xây dựng thương hiệu cá nhân

3-4 năm đại học là khoảng thời gian lý tưởng để xây dựng thương hiệu cá nhân. Việc tốt nghiệp từ trường đại học danh tiếng có thể giúp ích cho CV cá nhân của bạn khi xin việc nhưng đó không phải là tất cả. Trong quá trình học tập tại ngôi trường có thứ hạng thấp hơn, bạn có thể tham gia hoạt động cộng đồng, các cuộc thi và thậm chí khởi nghiệp. Chủ động tạo ra cơ hội cho bản thân mới là nhân tố quyết định giúp bạn thành công sau tốt nghiệp.

Xây dựng mối quan hệ

Ngay cả có quyết định học trường khác hoặc đợi năm sau để nộp lại hồ sợ, bạn vẫn cần xây dựng mối quan hệ trong và ngoài trường. Việc này giúp bạn biết được chất lượng giảng dạy, hiểu hơn về các tiêu chuẩn của trường, tìm kiếm sự hỗ trợ trong quá trình học tập.

Gửi lại hồ sơ

Nếu cảm thấy lần đầu mình làm chưa tốt, không muốn học trường khác và thử thách bản thân một lần nữa, bạn có thể gửi hồ sơ lần thứ hai. Đôi khi việc nộp đơn trở lại vào các đại học danh tiếng vào năm sau lại là điểm cộng, chứng minh bạn là người kiên trì theo đuổi mục tiêu. Tuy nhiên, để làm được điều này, bạn cần chắc chắn thành tích ở lần nộp sau tốt hơn lần đầu về mọi khía cạnh.

Cân nhắc học sau đại học

Nếu trượt học bổng bậc cử nhân, bạn hoàn toàn có thể gửi hồ sơ xin học bổng bậc thạc sĩ hoặc tiến sĩ tại ngôi trường đã lỡ cơ hội trước đó. Cách này giúp bạn tiết kiệm thời gian, không cần nghỉ một năm như lựa chọn phía trên mà vẫn có cơ hội trải nghiệm môi trường giáo dục tại một ngôi trường khác.

Thanh Hằng (Theo Telegraph) – Vnexpress