Oleg Penkovsky sinh ngày 23/4/1919 tại thành phố Vladikavkaz, Nga và gia nhập Hồng quân vào năm 1937, thời điểm mà mối lo ngại chính của quân đội Liên Xô là đánh bại phát xít Đức. Trong Thế chiến II, Penkovsky hoạt động trong vai trò sĩ quan pháo binh.
Sau khi bị thương trong một trận chiến hồi năm 1944, Penkovsky rời quân đội, theo học tại Học viện Quân sự Frunze nổi tiếng và tốt nghiệp năm 1948. Ông tiếp tục học tại Học viện Ngoại giao Quân sự từ năm 1949 tới 1953, sau đó chính thức trở thành sĩ quan cho cơ quan tình báo của quân đội Liên Xô (GRU), làm việc tại Moskva.
GRU có nhiệm vụ đề phòng bất cứ mối đe dọa bên ngoài nào, với đội ngũ nhân viên sở hữu tài “ẩn thân”, biết cách lợi dụng những “con tốt” tiềm năng. So với Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB), cơ quan tập trung vào giải quyết vấn đề nội bộ, GRU có tác động địa chính trị nhiều hơn.
Bước chuyển hướng từ quân đội sang GRU đã định hình phần đời còn lại của Penkovsky. Tới năm 1960, ông trở thành đại tá tình báo, giữ chức phó giám đốc bộ phận nước ngoài thuộc Ủy ban Điều phối Nghiên cứu Khoa học của nhà nước trong vòng hai năm. Ở vị trí này, Penkovsky chịu trách nhiệm thu thập và đánh giá thông tin khoa học và kỹ thuật nội bộ của phương Tây, và được cho là ngày càng thất vọng về đất nước của mình.
Năm đó, Penkovsky đã gửi một thông điệp tới Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thông qua hai du khách Mỹ. “Hãy coi tôi là chiến binh của các vị. Từ nay trở đi, hàng ngũ lực lượng vũ trang của các vị đã tăng thêm một người”, thông điệp có đoạn.
Trong khi đó, Cục Tình báo Mật của Anh (MI6, lúc này có tên SIS) vốn đang nỗ lực xâm nhập vào Ủy ban Khoa học và Công nghệ Nhà nước Liên Xô thông qua Greville Wynne, một doanh nhân người Anh được tuyển để làm nhiệm vụ này.
Wynne từng thành lập một doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm kỹ thuật công nghiệp từ nhiều năm trước. Các chuyến đi nước ngoài liên quan tới hoạt động thương mại của ông giúp tạo ra vỏ bọc hoàn hảo cho mục tiêu gián điệp.
Tháng 4/1961, Wynne tới London, mang theo số lượng lớn tài liệu và đoạn phim do Penkovsky cung cấp để chuyển cho MI6. Ban đầu, MI6, cũng như những người Mỹ mà họ chuyển tài liệu tới, đều không tin. Sau khi Penkovsky nhờ Wynne sắp xếp cuộc gặp với những bên đang nghi ngờ ông, đại tá tình báo Liên Xô trở thành một gián điệp cho phương Tây với bí danh “Hero” (Người hùng).
Penkovsky cung cấp cho phương Tây những tài liệu tuyệt mật, kế hoạch chiến tranh, bí kíp quân sự, thậm chí cả thông tin về tên lửa hạt nhân trong hai năm tiếp theo. Chúng thường được tuồn thông qua những mắt xích liên lạc như Wynne, được CIA đặt tên bảo mật là “Ironbark”.
Penkovsky giấu các tài liệu trong gói thuốc lá và hộp kẹo, sau đó đặt tại những nơi công cộng được đồng thuận từ trước. Phương pháp này khiến ông giao các tài liệu cho phương Tây mà không thu hút sự chú ý. Ngoài Wynne, Penkovsky còn một “người trung gian” khác là Janet Chisholm, vợ của Ruari Chisholm, một sĩ quan MI6 giả dạng nhân viên cấp visa tại đại sứ quán Anh ở Moskva.
Do công việc của Penkovsky đòi hỏi phải di chuyển tới Anh, phía Nga ban đầu không nghi ngờ ông là gián điệp. Đại tá này thậm chí tham gia các phiên chất vấn với CIA và MI6, với tổng thời lượng lên tới 140 giờ, cung cấp những tài liệu giá trị và hơn 5.000 bức ảnh của Liên Xô.
Số tài liệu này được tổng hợp trong khoảng 1.200 trang nội dung mà CIA và MI6 giao cho 30 dịch giả và nhà phân tích xử lý. Dựa vào thông tin do Penkovsky cung cấp, tình báo Mỹ đánh giá năng lực hạt nhân của Liên Xô kém xa kho vũ khí của Mỹ. Nhận định này đã đóng vai trò “sống còn” trong Khủng hoảng Tên lửa Cuba.
Khủng hoảng Tên lửa Cuba bắt đầu vào ngày 14/10/1962, giữa lúc Chiến tranh Lạnh đang ở giai đoạn cao trào, khiến thế giới nơm nớp về nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Một máy bay do thám U-2 của Mỹ chụp được ảnh các căn cứ tên lửa ở Cuba, từ đó Mỹ cho rằng Liên Xô đang chuẩn bị kho vũ khí của riêng họ.
Trong hai tuần sau đó, Tổng thống Mỹ John Kennedy và Thủ tướng Liên Xô Nikita Khruschev đã tham gia các cuộc đàm phán căng thẳng, với “quân át chủ bài bí mật” trong tay người Mỹ. Đó là những tệp tài liệu của Penkovsky.
Theo tài liệu mà đại tá tình báo cung cấp, bên cạnh việc kho vũ khí của Liên Xô nhỏ và yếu hơn nhiều so với đánh giá trước đây của Mỹ, hệ thống dẫn đường và tiếp nhiên liệu cũng không thể hoạt động.
Thông tin của Penkovsky kết hợp với những bức ảnh của máy bay U2 giúp Mỹ biết chính xác vị trí các điểm phóng tên lửa của Liên Xô, quan trọng nhất là việc chúng không thể vươn quá xa. Bí mật này đã giúp Kennedy chiếm ưu thế trong đàm phán, ngăn Mỹ và Liên Xô rơi xuống bờ vực chiến tranh hạt nhân.
Sau 14 ngày đàm phán cân não, vào ngày 28/10/1962, Khruschev đồng ý rút vũ khí của Liên Xô khỏi Cuba, giúp thế giới thở phào nhẹ nhõm.
Tuy nhiên, Penkovsky lại không nhận được cái kết có hậu. Ông bị bắt 6 ngày trước khi Khủng hoảng Tên lửa Cuba được giải quyết thành công. Hiện vẫn chưa rõ chính xác Penkovsky bị phát hiện như thế nào. Một trong các giả thuyết được đưa ra là Liên Xô đã lần theo dấu vết từ Ruari Chisholm, chồng của “người trung gian” Janet Chisholm. Ruari từng làm việc với người đàn ông tên George Blake, một đặc vụ KGB ẩn thân.
Phiên tòa công khai xử Penkovsky diễn ra vào tháng 5/1963. Ngoài việc bất mãn với chính phủ, một trong những động cơ được cho là thúc đẩy ông “phản quốc” là không được thăng hàm lên làm tướng.
Tại Liên Xô, gián điệp là một trọng tội. Do đó, điệp viên “ba mang” phải nhận án tử hình. Alexander Zagvozdin, người đứng đầu bộ phận thẩm vấn của KGB, cho biết Penkovsky “có lẽ đã bị tra hỏi hàng trăm lần” trước khi bị bắn.
Trong khi đó, một điệp viên của GRU tên Vladimir Rezun nói rằng ông từng nhìn thấy cảnh quay Penkovsky bị trói vào cáng bên trong một lò hỏa táng và bị thiêu sống. Dù thế nào, người được cho là đã ngăn chiến tranh hạt nhân cũng đã chết vào ngày 16/5/1963.
Ánh Ngọc (Theo ATI) – Vnexpress