Hàng loạt hiến kế quan trọng từ khu vực tư nhân trên nhiều lĩnh vực kinh tế sẽ được trình bày trước Thủ tướng tại phiên toàn thể chiều ngày 2/5. Với sự tham gia của gần 50 Uỷ viên Trung ương Đảng và các đại biểu, diễn đàn được kỳ vọng mang tới nhiều hiến kế quan trọng.
Sáng nay, tại Hà Nội, đại diện Chính phủ và hơn 2.500 doanh nghiệp, cùng hàng trăm chuyên gia, nhà quản lý có mặt tại Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019. 6 phiên họp bàn về các nội dung kinh tế chuyên biệt sẽ diễn ra đồng thời vào sáng 2/5.
6 chuyên đề chính được đem ra bàn thảo tại diễn đàn sáng ngày 2/5, gồm Du lịch, Kinh tế số, CPTPP, Vốn – Tài chính, Nông nghiệp, Khởi nghiệp. Nội dung tại từng phiên sẽ được livestream trực tiếp trên VnExpress – đơn vị phối hợp tổ chức, Fanpage VnExpress.
Tại đây, các vấn đề kinh tế vĩ mô sẽ được mổ xẻ, cùng đối thoại chính sách công – tư cởi mở giữa đại diện Chính phủ và khối tư nhân. Nhiều hiến kế từ cộng đồng doanh nghiệp cũng sẽ được thảo luận, phân tích, là cơ sở quan trọng để hoàn thiện khung chính sách thúc đẩy sự phát triển của khu vực này sắp tới.
Tại phiên Du lịch, các vấn đề nóng của ngành những năm qua, như chính sách thị thực, phát triển hàng không… sẽ được các bên thảo luận và tìm ra chiến lược nhằm thu hút khách, nâng hạng xếp hạng du lịch của Việt Nam tới năm 2021.
Sự kiện Việt Nam mới gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP vào tháng 1/2019 thu hút mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp. Những cơ hội, thách thức và giải pháp cho doanh nghiệp Việt tận dụng và bứt phá sẽ được nêu cụ thể tại Phiên chuyên đề riêng dành cho CPTPP.
Những giải pháp hình thành và chuẩn hóa các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản sẽ có tại phiên Hiến kế chuyên đề Nông nghiệp tại sáng ngày 2/5.
Phát triển kinh tế số là một trong những mục tiêu trọng tâm của Chính phủ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là nội dung được quan tâm tại Diễn đàn sắp tới. Vấn đề thể chế, vốn được coi là rào cản lớn nhất của các doanh nghiệp và mô hình công nghệ, sẽ được phân tích tại diễn đàn, cùng định hướng phát triển cụ thể, đặc biệt với các lĩnh vực nổi cộm là thanh toán điện tử, dữ liệu mở.
Diễn đàn cũng có riêng phiên thảo luận về Vốn – tài chính, một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp Việt. Phiên sẽ ghi nhận những hiến kế quan trọng để khơi thông dòng vốn tín dụng trung – dài hạn, cũng như thúc đẩy các thị trường trái phiếu, mô hình quỹ tại Việt Nam.
Khởi nghiệp Việt với nhiều dấu mốc ấn tượng những năm qua cũng là chủ đề lớn tại Diễn đàn năm nay. Các câu hỏi xoay quanh việc tháo gỡ nút thắt cho những mô hình khởi nghiệp mới sẽ được nhiều doanh nghiệp chia sẻ tại phiên thảo luận.
Phiên đặc biệt dành cho các Nữ doanh nhân
Ngoài 6 Hội thảo chuyên đề, Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 dành một phiên đặc biệt dành cho các Nữ doanh nhân. Đây là nơi các nữ lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận với chủ đề “Vì một Việt Nam thịnh vượng”. Buổi tọa đàm được kỳ vọng là nơi truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nhân nữ Việt Nam.
6 phiên Hiến kế sẽ ghi nhận những thực trạng và các ý kiến đóng góp để tổng hợp vào Phiên toàn thể, diễn ra chiều cùng ngày.
Phiên toàn thể có sự tham gia của ông Nguyễn Xuân Phúc – Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Văn Bình – Uỷ viên Bộ Chính trị – Trưởng ban Kinh tế Trung ương; ông Trương Hòa Bình – Uỷ viên Bộ Chính trị – Phó thủ tướng thường trực; Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; gần 50 ủy viên trung ương Đảng, gồm Bộ trưởng, Thứ trưởng và lãnh đạo các tỉnh. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư TP HCM và ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Hà Nội tham dự với tư cách khách mời.
Tiếp đó, ngày 3/5 sẽ diễn ra hoạt động kết nối kinh doanh, kết nối đầu tư cho các doanh nghiệp, cùng triển lãm thành tựu kinh tế, dự kiến thu hút 3.000 người.
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì. Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Báo điện tử VnExpress và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức.
Chương trình có sự đồng hành của Hãng hàng không Vietjet Air, thương hiệu tôn Colorbond từ Bluescope, Ngân hàng Agribank, Ngân hàng BIDV, Ngân hàng Vietcombank, Tập đoàn TH, VinFast, Grab, Tập đoàn T&T, Ngân hàng TPBank, Ngân hàng Quân đội (MB),Ngân hàng Bắc Á Bank, Tân Hiệp Phát, THACO, BIM Group, MXP, Habeco, Logivan, Binance, CMC, VNPT, Hiệp Phước, Tomochain, Netnam, Dược Hà Nội, Dược CVI, TTC group.
(Theo Phạm Vân, VnExpress)