Khi giúp chồng buộc cây thông mới mua từ siêu thị vào nóc ôtô hôm 15/12, Niki đã cảm giác bị ngứa tay. Đêm đó, sau khi trang trí cây thông, người cô bắt đầu mọc các nốt mụn nước.
“Lúc đi ngủ, tôi phát hiện từ đầu đến chân có các nốt sưng, phồng rộp đỏ ửng”, Niki kể. “Tôi lập tức tắm bằng nước lạnh, dưỡng ẩm da và uống thuốc kháng histamin nhưng các triệu chứng không giảm”.
Một lúc sau, cô chảy máu, khó thở, nhập viện, bác sĩ kê thuốc kháng histamin trị dị ứng và steroid. Sau khi uống thuốc, các vết sưng trên mặt, hai tay, vai, chân xẹp dần, song Niki vẫn có một số vết thương trên cơ thể. Vợ chồng Niki buộc phải bỏ cây thông mới mua ra khỏi nhà, dù cậu con trai 6 tuổi Ernie rất buồn.
Từ nhỏ, Niki đã mắc “hội chứng cây thông Noel”. Vì vậy nhà cô chỉ dùng cây thông giả mỗi dịp Giáng sinh. “Đây là cảm giác tồi tệ nhất tôi từng trải qua trong đời”, Niki nói. “Đã lâu lắm rồi gia đình tôi mới sắm một cây thông thật trong nhà, nhưng căn bệnh vẫn từ bé vẫn không hết”.
Bác sĩ da liễu Doris Day khuyên mọi người nên cảnh giác với nguy cơ dị ứng.
“Mỗi nơi bạn đi, bạn đều có nguy cơ bị mẫn cảm với thực vật lá kim, nấm mốc, hoặc một số cây có độc như thường xuân”, Doris nói.
Bác sĩ khuyên những người dễ dị ứng như Niki nên dùng thông giả trong nhà thay vì cây thật. Song vẫn cần cẩn thận bởi cây giả cũng có thể gây bụi và chứa nhiều chất hóa học, ảnh hưởng sức khỏe.
Lê Hằng (Theo New York Post) – Vnexpress