‘Di sản’ thời Liên Xô kích hoạt phản ứng sớm với nCoV

Trên vùng núi hẻo lánh ở Kyrgyzstan hồi năm 2013, một cậu bé mê sảng được cha mẹ đưa tới bệnh viện, sau đó qua đời vì bệnh dịch hạch.

5 ngày trước khi được đưa tới bệnh viện ở làng Ichke-Zhergez, thuộc vùng Issyk-Kul, phía đông Kyrgyzstan, thiếu niên 15 tuổi này đã giết và lột da một con sóc đất. Bệnh dịch hạch, “bóng ma” từ quá khứ, đôi khi vẫn xuất hiện tại các vùng hẻo lánh thuộc lãnh thổ Liên Xô cũ, lây nhiễm từ các loài gặm nhấm hoang dã.

Nhờ nỗ lực nâng cao vệ sinh cộng đồng suốt nhiều thế kỷ, mức độ nguy hiểm của bệnh dịch hạch không còn quá nghiêm trọng, có thể điều trị bằng kháng sinh nếu được xử lý kịp thời. Tuy nhiên, đến tận những năm 1920, dịch hạch vẫn là mối đe dọa chết người với Liên Xô, thúc đẩy họ thành lập hệ thống trung tâm chống dịch hạch nhằm theo dõi và ngăn chặn căn bệnh.

Các cơ quan kế thừa hệ thống trên vẫn tồn tại ở Nga và nhiều quốc gia từng thuộc Liên Xô khác. Với những kế hoạch chống dịch có sẵn và đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, các cơ quan này đã trở thành trụ cột trong cuộc chiến chống Covid-19 tại khu vực.  

Các nhà khoa học tại một trung tâm chống dịch hạch của Liên Xô cuối những năm 1950. Ảnh: NY Times.
Các nhà khoa học tại một trung tâm chống dịch hạch của Liên Xô cuối những năm 1950. Ảnh: NY Times.

“Đương nhiên chúng đã giúp ích từ rất sớm”, Ravshan Maimulov, giám đốc một cơ quan chống dịch hạch địa phương ở Kyrgyzstan, cho hay. Người đàn ông 57 tuổi này được đào tạo tại Microbe, viện nghiên cứu chống dịch hạch của Nga.

Maimulov phụ trách lên kế hoạch những chiến dịch phun thuốc diệt côn trùng vào hang của các loài gặm nhấm, nhằm diệt bọ và làm chậm quá trình lây lan ở động vật. Ông giải thích rằng dịch hạch không thể bị dập tắt hoàn toàn bởi động vật gặm nhấm sinh sản rất nhanh, tiêu diệt chúng cũng không ăn thua.

Maimulov là người tiếp nhận thiếu niên 15 tuổi nhiễm dịch hạch hồi năm 2013 khi cậu được đưa tới bệnh viện ở làng Ichke-Zhergez. “Lúc nhập viện, cơ thể cậu bé vẫn ướt đẫm mồ hôi, xuất hiện vết sưng dưới nách và cằm”, Maimulov kể lại, nói thêm rằng trường hợp này đã quá muộn để cứu sống. Cậu bé tử vong vài giờ sau khi nhập viện.

Sau cái chết, Maimulov được trao quyền áp đặt kế hoạch phong tỏa ngay lập tức, dù bệnh tình của cậu bé chưa được xác định hoàn toàn. Ông thông báo cho thống đốc vùng Issyk-Kul bằng mật mã nhằm ngăn tin tức rò rỉ, tránh để cư dân trong làng chạy trốn trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực. Sáng hôm sau, các trạm kiểm soát đã được thiết lập, làng Ichke-Zhergez nằm trong vòng phong tỏa.

Lệnh phong tỏa sau đó được ban hành tại 32 ngôi làng trong khu vực, với khoảng 700 y tá đến từng nhà tìm kiếm người nhiễm dịch hạch. Da sóc cũng được thu thập để tiêu hủy. Loạt động thái nhanh chóng này giúp chặn đứng căn bệnh và thiếu niên 15 tuổi là trường hợp duy nhất.

Theo khuyến cáo của Maimulov, chính quyền vùng Issyk-Kul hồi tháng 3 áp dụng biện pháp phong tỏa tương tự nhằm ngăn nCoV lây lan. “Chúng tôi thực hiện theo kế hoạch hành động dành cho bệnh dịch hạch”, Maimulov cho hay, nói thêm rằng vùng Issyk-Kul, nơi có khoảng 500.000 người sinh sống, chỉ ghi nhận ba ca nhiễm nCoV. Kyrgyzstan báo cáo chưa đầy 500 ca nhiễm và 5 người chết.  

Nga vẫn duy trì 13 trung tâm chống dịch hạch, được bố trí từ vùng Viễn Đông đến dãy Caucasus, cùng 5 viện nghiên cứu dịch bệnh và nhiều trạm thực địa. Viện Microbe ban đầu chỉ nghiên cứu về dịch hạch, nhưng sau đó mở rộng sang các bệnh truyền nhiễm khác như dịch tả, sốt vàng, sốt thỏ và bệnh than.

Giới chức Nga hồi tháng 3 chuyển thiết bị mới vào trung tâm dịch hạch ở Moskva nhằm mở rộng khả năng xét nghiệm nCoV. Ngay từ tháng một, giám đốc các trung tâm chống dịch hạch tại những nước thuộc Liên minh Kinh tế Á Âu, bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan, cũng đã tiến hành những cuộc gọi hội đàm về Covid-19. Một viện nghiên cứu dịch hạch của Ukraine cũng tham gia.  

Theo bình luận viên Andrew Kramer của NY Times, hệ thống mà các nước kế thừa từ thời Liên Xô là một trong những lý do khiến nCoV lây lan chậm hơn ở Nga, Ukraine và những nước hậu Liên Xô khác so với Mỹ và Tây Âu.  

Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Carnegie tại Moskva, cũng đánh giá “di sản chung” về y tế của Liên Xô, tập trung vào việc ngăn chặn các dịch bệnh, đã phát huy hiệu quả trong công tác chống Covid-19.  

Tuy nhiên, tương tự phần còn lại của thế giới, số ca nhiễm nCoV tại các nước hậu Liên Xô cũng đang gia tăng. Nga ghi nhận gần 28.000 ca nhiễm, hơn 230 người chết và hơn 2.300 trường hợp bình phục.  

Theo một số nhà phân tích, di sản từ thời Liên Xô sẽ không có tác dụng về lâu dài. Yevgeny Gontmakher, giáo sư ngành y tế của Nga, đánh giá khả năng chống dịch bệnh của các nước hậu Liên Xô dần giảm sút, trong khi không có nhiều tiến bộ về điều trị bệnh nhân.

“Các bác sĩ chữa dịch hạch là người ưu tú của 100 năm trước, không phải hiện nay”, Gontmakher nói.

Ánh Ngọc (Theo NY Times) – Vnexpress