Sáng 10/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, trong dự thảo Luật trên, Chính phủ đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa ở 10 lĩnh vực. Trong đó các vi phạm hành chính ở lĩnh vực cơ yếu, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, giáo dục sẽ tăng mức phạt từ 50 lên 75 triệu đồng; điện lực từ 50 lên 100 triệu đồng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ 100 lên 200 triệu đồng; quản lý công trình thủy lợi (sửa đổi thành lĩnh vực thủy lợi), báo chí từ 100 lên 250 triệu đồng; kinh doanh bất động sản từ 150 lên 500 triệu đồng.
Tuy nhiên, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Uỷ ban nhận thấy các tài liệu trong hồ sơ dự thảo Luật chưa làm rõ sự cần thiết phải tăng mức phạt tiền tối đa với các lĩnh vực trên. Trong khi đó, một số lĩnh vực khác đang có mức phạt tiền thấp, chưa tương xứng với tính chất, mức độ của vi phạm như quấy rối tình dục (vụ sàm sỡ, ép hôn cô gái trong thang máy xảy ra ở Thanh Xuân, Hà Nội), tấn công tình dục… chỉ bị xử phạt hành chính 200.000 đồng.
“Đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn việc tăng mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực; chỉ tăng mức phạt tiền tối đa với trường hợp thực sự cần thiết, có cơ sở và phải đánh giá tác động cụ thể, bảo đảm tương xứng với mức độ nguy hiểm của từng nhóm hành vi”, ông Tùng nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, vấn đề quấy rối tình dục, dâm ô, môi trường… hiện mức xử phạt rất thấp, không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.
“Một trong số các biện pháp Trung Quốc sử dụng để phòng chống dịch viêm phổi do chủng mới của virus corona gây ra là tăng mức xử phạt hành chính. Ví dụ, việc tăng giá khẩu trang bị xử phạt lên 1.300 lần so với trước đây, nghĩa lfa có thể xử phạt từ một tỷ đến 10 tỷ đồng tiền Việt Nam”, ông dẫn chứng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, luật hiện hành đang đưa ra mức xử phạt vi phạm hành chính đứng trên quan điểm thu nhập của người dân, nhưng vừa qua, quy định xử phạt vi phạm uống rượu bia khi lái xe lên đến 40 triệu đồng đã phát huy được tác dụng.
“Nếu người dân không muốn ảnh hưởng đến thu nhập thì đừng vi phạm pháp luật”, bà nói và đồng tình phải tăng tiền phạt trong một số lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tránh những vụ như sàm sỡ trong thang máy chỉ bị phạt 200.000 đồng.
“Hành vi xúc phạm nhân phẩm phụ nữ, quyền trẻ em… phải nâng mức xử phạt; chưa đến mức xử lý hình sự thì cần xử lý hành chính thật mạnh”, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng góp ý.
Thứ trưởng Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng, đi kèm theo luật là nghị định phải nêu rõ hành vi, chế tài, thẩm quyền xử lý. “Chúng tôi đang đề xuất sửa đổi nghị định 167 xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực an ninh trật tự, trong đó sẽ điều chỉnh mức phạt với hành vi dâm ô, không chỉ phạt 200.000 đồng mà có thể phạt 3-5 triệu đồng hoặc cao hơn”, ông Vương nói.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ được trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp giữa năm 2020.