Đề xuất giảm giá BOT cho xe xuất hàng qua biên giới Trung Quốc

Giảm giá BOT nằm trong loạt giải pháp giảm chi phí vận tải của Bộ Công Thương để gỡ khó cho xuất nhập khẩu thương mại biên giới với Trung Quốc. 

Trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải ngày 24/2, Bộ Công Thương đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cùng Bộ Tài chính rà soát các loại thuế, phí; giảm giá BOT, phí cầu đường, bến bãi, phí lưu giữ phương tiện, thuế với nhiên liệu bay… Bộ Giao thông Vận tải cũng được đề nghị làm việc với các hãng vận tải, hãng tàu giảm giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa, phí dịch vụ tại cảng cho các doanh nghiệp sản xuất, logistic.

Riêng các tỉnh biên giới phía Bắc, Bộ Công Thương cũng đề xuất bố trí lực lượng phân luồng, phân tuyến tại đường bộ, tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản lưu thông, điều tiết tiến độ vận chuyển, giao hàng tại khu vực biên giới.

Xe hàng qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh: Anh Tú
Xe hàng qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh: Anh Tú

Đề xuất này của Bộ Công Thương đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tác động toàn diện tới các lĩnh vực du lịch, thương mại, giao thông… Ngoài ảnh hưởng trực diện thương mại với Trung Quốc, thương mại biên giới, nội địa, sản xuất công nghiệp, quản lý chuỗi cung ứng của Việt Nam cũng bị tác động. 

Trước đó, cập nhật tình hình thông quan xuất nhập khẩu qua biên giới của Bộ này cũng cho thấy, lượng hàng hóa tồn tại các cửa khẩu vẫn tăng nhanh. Ngày 24/2, có 390 xe chở hàng được thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, trong khi số nhập là 374 xe và 18 toa tàu. Tuy nhiên, lượng hàng đang nằm chờ thông quan gần 700 xe, và 11 toa tàu. 

Các cửa khẩu tại Lạng Sơn ghi nhận số hàng ùn, chờ thông quan nhiều nhất, 495 xe và 11 toa tàu, phần lớn là hàng nông sản như thanh long, dưa hấu. Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) mở cửa lại từ ngày 20/2 nhưng tốc độ thông quan rất chậm và hiện hơn 110 xe hàng đang nằm chờ ở cửa khẩu này, chưa được thông quan. 

Theo Bộ Công Thương nguyên nhân chủ yếu do phía Trung Quốc thiếu nhân lực bốc vác hàng. Hơn nữa, tại cửa khẩu này hiện vẫn chưa khôi phục hình thức trao đổi cư dân biên giới (hình thức được hưởng chính sách ưu đãi 8.000 CNY mỗi người một ngày của phía Trung Quốc), chỉ được thông quan các lô hàng có hợp đồng mua bán, có truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn mã số vùng trồng… Vì thế, để tránh cảnh ách tắc phát sinh, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp, cơ quan chức năng tại cửa khẩu chủ động điều tiết nhịp độ đưa hàng lên biên giới.

 Anh Minh – Vnexpress