Báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 tuần qua, Chính phủ đánh giá, ngoài những khó khăn do đại dịch, vẫn có những thời cơ mới mở ra khi làn sóng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc đã bắt đầu.
Nikkei cho biết, hãng công nghệ Mỹ cũng tăng sản xuất 3-4 triệu chiếc Airpod hoặc khoảng 30% mẫu tai nghe không dây tại Việt Nam trong quý II. Việc sản xuất hàng loạt AirPods tại Việt Nam đã bắt đầu từ tháng 3. Đây là lần đầu tiên hàng triệu tai nghe AirPods được sản xuất ở Việt Nam. Apple gần đây liên tục tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam với các vị trí từ kỹ sư, quản lý vận hành.
Một báo cáo do Công ty Chứng khoán VNDirect công bố cuối tháng 4 cũng đề cập việc, Google và Microsoft đang chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, Thái Lan. Hai tập đoàn này dự kiến bán điện thoại Pixel4A, Pixel5 và máy tính Surface, tại Việt Nam trong quý II.
Chưa kể, làn sóng chuyển dịch đầu tư có thể không chỉ đến từ Trung Quốc. Tuần qua, Nikkei đưa tin, Panasonic sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất đồ gia dụng ở Bangkok mùa thu này để hợp nhất vào một cơ sở lớn hơn tại Việt Nam.
Báo cáo của SSI cách đây ít ngày cũng cho biết, một số doanh nghiệp lớn như Pegatron, Amazon và Home Depot bắt đầu tuyển dụng, tìm kiếm chuỗi cung ứng, và Việt Nam là một trong những điểm đến bên cạnh các quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Thái Lan hay Malaysia.
Theo TS. Sử Văn Khương – Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, việc chuyển một phần cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc như một phương pháp các công ty đa quốc gia bảo hiểm rủi ro.
Nếu so với Indonesia, Việt Nam có lợi thế gần Trung Quốc nên khoảng cách vận chuyển thuận lợi. Điều này giúp các nhà đầu tư dễ dàng bổ sung cơ sở sản xuất – nhưng vẫn không cần từ bỏ Trung Quốc – thị trường 1,4 tỷ dân.
Dữ liệu của Collier International so sánh tỷ lệ lấp đầy và giá thuê các khu công nghiệp ở các nước Đông Nam Á trong quý I cho biết, Việt Nam khá hấp dẫn với mức giá thuê trung bình thấp hơn 45-50% so với các nước Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Theo báo cáo của Jetro năm 2019, chi phí lao động của Việt Nam cũng thấp hơn so với Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho rằng, yếu tố khống chế thành công Covid-19 cũng là điểm cộng. “Thứ nhất là sự an toàn, nhà đầu tư nhìn thấy không chỉ người Việt mà cả người nước ngoài đều được hưởng dịch vụ chữa bệnh tốt nhất trong điều kiện có thể. Thứ hai, họ nhìn thấy ‘cơ hội vàng’ nhờ kinh tế phát triển liên tục các năm qua”, ông Thắng nói tại tọa đàm mới đây do Saigon Times tổ chức.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít thách thức nếu Việt Nam muốn đón “sóng” thành công. Đầu tiên là các “thỏi nam châm” khác ngoài Việt Nam. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đây là cơ hội nhưng cũng cần tỉnh táo thấy rằng, nó không dành riêng cho Việt Nam.
Như Ấn Độ, cũng kề cận Trung Quốc và đang là ứng cử viên sáng giá để hút dòng chuyển dịch sản xuất. Mới đây, Bloomberg trích lời một quan chức Ấn Độ cho biết trong tháng 4, chính phủ nước này đã tiếp cận hơn 1.000 công ty Mỹ và đưa ra ưu đãi với các doanh nghiệp đang cân nhắc chuyển khỏi Trung Quốc. Họ ưu tiên mời gọi các hãng cung cấp thiết bị y tế, chế biến thực phẩm, dệt may, da và phụ tùng xe hơi.
Ấn Độ thuyết phục các doanh nghiệp rằng dù tổng chi phí cao hơn Trung Quốc, nhưng vẫn rẻ hơn Mỹ hay Nhật Bản nếu xét về đất đai và lao động lành nghề. Họ cam kết sẽ cân nhắc các yêu cầu cụ thể về thay đổi luật lao động, cân nhắc đề xuất hoãn áp thuế giao dịch trực tuyến của các hãng thương mại điện tử.
“Các nước dành ưu tiên và mục tiêu rõ ràng, còn Việt Nam vẫn đang đi theo chiến lược có nhiều mũi nhọn, đây cũng là nguyên nhân Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội”, bà Phạm Chi Lan bình luận.
Xem thêm: Các nền kinh tế đua lôi kéo doanh nghiệp rời Trung Quốc
Ông Phan Hữu Thắng cho biết, tổng vốn đầu tư nước ngoài đang suy giảm từ 1.300 tỷ USD xuống còn gần 1.000 tỷ USD. Sự cạnh tranh từ các nước trong khu vực ngày càng tăng. “Cần vạch ra các kế hoạch cụ thể, từ chủ trương đến thực tế, tổ chức thực hiện hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách”, ông nói.
Điểm thứ hai nằm ở năng lực sẵn sàng của chuỗi cung ứng tại chỗ. Ngành công nghệ hỗ trợ còn chậm phát triển cũng có khả năng là một lực cản cho thu hút FDI. “Nếu thu hút đầu tư FDI mà nhà đầu tư phải mang hết các thứ vào Việt Nam từ Trung Quốc thì Việt Nam cũng chưa được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn”, bà Phạm Chi Lan nói.
Kế đến, chất lượng dòng vốn cũng là điều đáng quan tâm. TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cơ hội thu hút dóng vốn đầu tư đi kèm với thách thức là những ngành sản xuất quan trọng bị thâu tóm, chất lượng đầu tư kém.
Bà Trang cho rằng, sự chuyển dịch sản xuất cần đi kèm với quyết tâm thoát khỏi hình ảnh quốc gia gia công đơn thuần. “Cần lưu ý rằng việc tăng thu hút đầu tư nước ngoài thì áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp nội địa tăng lên, đó là những điều mà Việt Nam phải tính đến”, vị này cho biết thêm.
Ngoài ra, còn một số điểm nghẽn khác, cũng được nhiều chuyên gia lẫn Chính phủ thừa nhận, như vấn đề quỹ đất sạch hay nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để thu hút vốn đầu tư, đón sóng dịch chuyển sau đại dịch, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 22/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với đề xuất lập Tổ công tác đặc biệt và lập đề án thu hút FDI. “Chúng ta phải nghĩ xem nhà đầu tư cần gì để bàn bạc, hợp tác, đáp ứng đúng điều họ cần để phát triển thành công, mang lại lợi ích cho cả 2 phía”, Thủ tướng nói.
Viễn Thông – Vnexpress