“USS Tennessee bắt đầu tuần tra Đại Tây Dương từ cuối năm 2019, mang theo một hoặc hai đầu đạn loại mới có tên W76-2. Nó vẫn đang hoạt động trên biển và dự kiến về cảng trong tháng 2”, Hans Kristensen, giám đốc dự án thông tin hạt nhân thuộc Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ (FAS) cho biết hôm 29/1.
Lầu Năm Góc từ chối bình luận về thông tin này, trong khi nhiều chuyên gia cảnh báo đây là bước đi nguy hiểm, tăng nguy cơ vũ khí hạt nhân được sử dụng và dẫn tới chiến tranh toàn cầu.
W76-2 được chế tạo theo yêu cầu của chính quyền Tổng thống Donald Trump sau khi Lầu Năm Góc công bố Đánh giá chung về tình trạng hạt nhân (NPR) hồi tháng 2/2018, trong đó cho thấy Mỹ không chỉ muốn hiện đại hóa lực lượng hạt nhân đang già cỗi mà còn nghiên cứu nhiều vũ khí mới để đối phó Nga, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.
Báo cáo NPR khẳng định Mỹ có thể dùng vũ khí hạt nhân đáp trả “các cuộc tấn công phi hạt nhân chiến lược”, bao gồm những cuộc tập kích nhằm vào cơ sở hạ tầng và người dân Mỹ, cũng như các quốc gia đồng minh và đối tác.
Đầu đạn W76-2 có sức nổ tương đương 5.000-7.000 tấn thuốc nổ TNT, nhỏ hơn nhiều so với mức 100.000 tấn của mẫu W76-1 hoặc 455.000 tấn của W88 trang bị cho tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident D5. Điều này khiến nó sở hữu uy lực của vũ khí hạt nhân chiến thuật, nhưng có thể phóng tới bất kỳ mục tiêu nào trên Trái Đất trong thời gian ngắn.
Những người ủng hộ dự án W76-2 cho rằng Mỹ trước đây không sở hữu phương án răn đe hiệu quả với vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga, khiến Moskva chiếm lợi thế trên chiến trường khi Washington không thể sử dụng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) để tránh nguy cơ xung đột khu vực leo thang thành chiến tranh hủy diệt toàn cầu.
Phe phản đối lại cảnh báo W76-2 có thể dẫn tới xu hướng coi vũ khí hạt nhân là giải pháp giành chiến thắng, thay vì đóng vai trò răn đe ngăn ngừa xung đột như hiện nay. “Sự xuất hiện của vũ khí này có thể mang tới giải pháp mới để lãnh đạo Mỹ đối phó các đối thủ ngoài Nga, cũng như hạ thấp ngưỡng cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân”, Kristensen nhận xét.
“Chiến lược sử dụng W76-2 ẩn chứa nhiều hiểm họa. Đầu tiên, đối thủ của Mỹ sẽ không thể phân biệt vụ phóng mang đầu đạn cỡ nhỏ như W76-2 với các đầu đạn hạng nặng như W76-1 và W88. Họ có thể nhầm lẫn và tung đòn đáp trả hạt nhân toàn diện”, Katarzyna Zysk, nhà nghiên cứu tại Viện Quốc phòng Na Uy, cảnh báo.
Nguy cơ lớn hơn là các đòn đánh bằng khí tài hạt nhân cỡ nhỏ có thể dẫn tới chiến tranh hủy diệt, sử dụng những đầu đạn lớn nhất trong kho vũ khí của Nga và Mỹ. “Với chỉ vài phút để phản ứng, các đối thủ sẽ coi đây là cuộc tấn công đánh phủ đầu từ Washington và tung đòn tương xứng để bảo đảm khả năng đáp trả”, chuyên gia quân sự Tyler Rogoway đánh giá.
Vũ Anh (Theo Guardian) – Vnexpress