Đảo nhân tạo hàng nghìn năm trước

Trong thời kỳ đồ đá mới ở Scotland, con người dùng cọc hoặc đá, dựng nhà ra giữa lòng hồ để tránh thú dữ và tìm ánh sáng tự nhiên.

Ở quần đảo Anh, người ta có thể tìm được vô số cự thạch cổ, pháo đài trên đồi cao, ngôi mộ hoành tráng, điểm tổ chức nghi lễ hay nhiều vết tích mà giới khảo cổ chưa biết gọi tên. Tại Ireland và một số nơi còn sót lại ở Scotland, những hòn đảo nhỏ là một cấu trúc khác lạ so với phần đông còn lại.

Chúng được gọi là crannog, xây dựng bằng cách đóng cọc gỗ xuống lòng hồ, phủ thêm bùn lên. Ở những nơi không có gỗ, người ta sử dụng đá để thay thế. 

Eilean Dòmhnuill, ở Bắc Uist, Scotland, được xem là hòn đảo đầu tiên xây dựng, từ 3200 đến 2800 TCN. Ảnh: F. Sturt.
Eilean Dòmhnuill, ở Bắc Uist, Scotland, được xem là hòn đảo đầu tiên xây dựng, từ 3200 đến 2800 TCN. Ảnh: F. Sturt.

Lý do người thời đồ đá mới đầu tư nhiều thời gian, công sức và nguồn lực để kéo những tảng đá có thể lên tới 250 kg để xây dựng các đảo nhỏ ở những mảnh đất không có sự sống hay không có đảo tự nhiên vẫn là một bí ẩn.

Nhiều giả thuyết cho rằng Ireland vào thời điểm đó có nhiều cây cối rậm rạp. Ngoài những vùng đất cao, hồ chính là nơi duy nhất lý tưởng cho người ta nhìn được bầu trời. Vì vậy, người xưa bắt đầu xây dựng nhà trên đảo nhân tạo. Ngoài ra, những căn nhà được bao bọc bởi nước, giúp xua đuổi những động vật hoang dã. Nhiều căn nhà trên các hòn đảo có dấu hiệu cư trú và trải qua thời gian dài, từ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt hay ngay cả thời trung cổ. 

Trong thời kỳ đồ sắt, những hòn đảo là trung tâm các trang trại thịnh vượng, nơi mọi người sống trong một khu vực dễ phòng thủ, bảo vệ mình và đàn gia súc. Khu định cư gồm một ngôi nhà nông trại, với gia súc và hoa màu được trồng trên những cánh đồng gần đó, đàn cừu trên đồi.

Scottish Crannog Center, cấu trúc nhà từ thời kỳ đồ Sắt ở Loch Tay. Ảnh: John Loach/Flickr.
Scottish Crannog Center, cấu trúc nhà từ thời kỳ đồ Sắt ở Loch Tay, Scotland. Ảnh: John Loach/Flickr.

Đảo nhân tạo khá phổ biến ở Ireland, với con số ước tính lên tới 1.200. Ở Scotland, 600 địa điểm đã được tìm thấy. Thực tế, con số có thể cao hơn bởi nhiều nơi đã bị nhấn chìm. Nhiều nơi cũng khó để phân biệt với đảo tự nhiên. Hàng thiên niên kỷ trôi qua, che phủ chúng bằng thảm thực vật và bây giờ có thể giống những đảo hoang nhỏ.

Trung tâm đảo nhân tạo The Scottish Crannog Centre mở cửa từ 10h đến 16h hàng ngày từ tháng 3/2020, đóng cửa vào mùa đông. Đến đây du khách sẽ được tham quan bảo tàng, mô hình crannog được xây dựng theo cách trên từ 5.000 năm trước, một khu vực lịch sử với những đồ thủ công và công nghệ cổ xưa. Vé vào cửa giá khoảng 13 USD cho người lớn, hơn 11 USD cho thanh thiếu niên và 9 USD đối với trẻ em và học sinh.

Vân Phạm (Theo Amusing Planet) – Vnexpress