Dân Vũ Hán chật vật tìm mua thực phẩm

Không thể ra ngoài vì lệnh phong tỏa, Quách Tĩnh sống ở thành phố Vũ Hán phải dựa vào nguồn thực phẩm tìm mua theo nhóm trên mạng.

Khu phố của Quách Tĩnh (Guo Jing), 29 tuổi, bất ngờ có lệnh phong tỏa, khiến cô không thể ra ngoài và sống phụ thuộc vào đồ đặt trên mạng. “Sống như vậy thêm ít nhất một tháng nữa không phải là vấn đề”, cô cho biết đã tự làm rau củ muối và trứng muối để dùng dần.

Nhưng điều khiến cô sợ nhất đó là tình trạng mất kiểm soát: đầu tiên cả thành phố bị phong tỏa hoàn toàn, sau đó người dân có thể ra ngoài ba ngày một lần và giờ thậm chí điều này cũng không được phép.

Quách là một trong 11 triệu dân ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, bị áp lệnh phong tỏa từ ngày 23/1 để kiểm soát dịch Covid-19. Kể từ đó, cuộc sống hàng ngày của cư dân thành phố phải chịu một số biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt  khi số người chết vì nCoV tại Trung Quốc đại lục tăng đến hơn 2.500 người.

Hai nhân viên tổ dân phố ở thành phố Vũ Hán chuẩn bị thực phẩm giao cho cư dân. Ảnh: AFP.
Hai nhân viên tổ dân phố ở thành phố Vũ Hán chuẩn bị thực phẩm giao cho cư dân. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, quy định cấm cư dân rời khu phố mới đưa ra tháng này là điều khiến nhiều người cảm thấy bức bách nhất. Thậm chí với một số người, nó đe dọa trực tiếp tới cuộc sống của họ.

“Tôi vẫn không biết phải mua thêm đồ ở đâu khi chúng tôi ăn hết số thực phẩm dự trữ ở nhà”, Phan Hồng Sinh (Pan Honsheng), sống cùng vợ và hai còn ở Vũ Hán, cho biết.

Một số khu phố ở Vũ Hán đã mở dịch vụ mua hàng theo nhóm, trong đó họ đặt hàng ở siêu thị với số lượng lớn. Nhưng ở khu phố của Phan, không ai quan tâm tới điều đó.

“Đứa con 3 tuổi của tôi thậm chí không còn sữa bột để uống. Tôi cảm thấy mình như người tị nạn”, anh Phan nói và thêm rằng anh không thể gửi thuốc cho bố mẹ vợ, hiện ngoài 80 tuổi, vì họ sống ở khu phố khác.

“Việc đóng cửa từng khu phố chắc chắn mang tới nhiều bất lợi cho người dân”, Tiền Nguyên Khôn (Qian Yuankun), Phó bí thư Tỉnh ủy Hồ Bắc nói trong cuộc họp báo tuần trước.

Giới chức hôm nay tuyên bố cho phép người khỏe mạnh không phải cư dân Vũ Hán có thể rời thành phố nếu chưa từng tiếp xúc với người bệnh, nhưng tuyên bố này sau đó bị rút lại.

Sau khi ban hành quy định mới, nhu cầu của dịch vụ mua thực phẩm theo nhóm tăng vọt. Các siêu thị và tổ dân phố tranh chạy đua để đáp ứng đơn đặt hàng. Hầu hết dịch vụ mua hàng theo nhóm hoạt động thông qua mạng WeChat, trong đó có nhóm chuyên về thịt, rau và sữa, thậm chí là “mì khô nóng”, đặc sản của Vũ Hán.

Nhiều cửa hàng và khu chung cư còn thiết lập các ứng dụng nhỏ trong WeChat để người dân có thể dễ dàng chọn các gói hàng có sẵn giá và khối lượng, trước khi đơn đặt hàng được được gửi tới các cửa hàng tạp hóa.

Trong khu phố của Quách, một set rau củ 5 loại nặng 6,5 kg, trong đó có khoai tây và cải bắp, có giá khoảng 50 nhân dân tệ (hơn 7 USD). “Bạn không thể chọn thứ bạn thích ăn. Giờ không còn là lúc bạn có thể mua theo sở thích cá nhân nữa”, cô nói.

Mô hình mua theo nhóm này khó có thể được áp dụng ở những cộng đồng ít cư dân, bởi các siêu thị có quy định về đơn đặt hàng tối thiểu.

“Thật sự chúng tôi không thể làm được gì hơn. Chúng tôi chỉ có 4 chiếc xe chở hàng”, Dương Nam, quản lý siêu thị Lao Cun Zhang, giải thích. Siêu thị này yêu cầu có ít nhất 30 đơn đặt hàng và cho biết không có đủ nhân viên để xử lý những đơn hàng nhỏ hơn.

Một siêu thị khác cho hay giới hạn đặt hàng của họ lên tới 1.000 đơn mỗi ngày. “Việc thuê thêm nhân viên rất khó khăn”, Vương Vi Bác (Wang Xiuwen), nhân viên bộ phận hậu cần của siêu thị, nói và thêm rằng họ thận trọng trong việc thuê người vì sợ lây nhiễm nCoV.

Hai nhân viên y tế phun thuốc khử trùng cho một chung cư ở Vũ Hán hôm 22/2. Ảnh: Reuters.
Hai nhân viên y tế phun thuốc khử trùng cho một chung cư ở Vũ Hán hôm 22/2. Ảnh: Reuters.

Việc phong tỏa từng cộng đồng đã khiến thành phố bị chia nhỏ thành từng khu vực với các biện pháp kiểm soát khác nhau. Ở một số khu phố, cư dân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn thực phẩm hơn dù có ít lựa chọn hơn bình thường. Một người phụ nữ cho biết gia đình bà đã thuê tài xế giao hàng phụ việc mua sắm đồ tạp hóa. Người phụ nữ 24 tuổi giấu tên cho biết khu phố nơi cô ở không bị phong tỏa, nhưng mỗi lần chỉ cho phép một người trong gia đình được rời khỏi nhà.

Một vài quận khác cũng ban hàng các quy định riêng, như cấm siêu thị bán đồ cho cá nhân và buộc các tổ dân phố phải lựa chọn đặt hàng với số lượng lớn hoặc không được mua hàng.

“Trong khu phố nơi tôi sống, tình cảnh hiện giờ rất tệ”, David Dai, 49 tuổi, sống ở ngoại ô Vũ Hán, cho biết. Dù chung cư của anh tổ chức mua hàng theo nhóm nhưng David cho biết cư dân không hài lòng về giá và chất lượng sản phẩm.

“Rất nhiều cà chua và hành đã bị thối”, anh ước tính phải vứt đi khoảng 1/3 số thực phẩm mua về. David chia sẻ gia đình anh hiện “hoàn toàn phụ thuộc” vào chính mình. Họ phải tận dụng vỏ củ cải và sấy khô để tích trữ làm thức ăn trong thời gian tới.

Trong khi một người đàn ông độc thân 30 tuổi khác cho biết điều khiến anh thấy bực bội là không biết khi nào các lệnh kiểm soát mới được dỡ bỏ. “Tôi không có cách nào biết được tôi cần phải mua bao nhiêu đồ ăn mới đủ”, anh nói. 

Thanh Tâm (Theo AFP) – Vnexpress