Sở Cảnh sát đặc khu Columbia (thủ đô Washington D.C) trước đó đã công bố hình ảnh những người tham gia vụ bạo loạn và những cáo buộc tiềm năng chống lại họ, bao gồm tội danh “nổi loạn”. Hiện danh sách này đã bị gỡ khỏi trang web của cảnh sát và vẫn chưa rõ lý do cho động thái này.
Tuy nhiên, theo Hãng tin Reuters, không quá khó khăn để các “thám tử tư” nghiệp dư xác định những kẻ bạo loạn. Họ so sánh các hình ảnh chụp ngày 6-1 tại Đồi Capitol – nơi đặt tòa nhà Quốc hội Mỹ – và một số cuộc biểu tình, sự kiện chính trị trước đó.
“Hãy điểm mặt và khiến chúng nhục nhã”, một người kêu gọi những người khác tham gia cuộc truy lùng trên mạng xã hội Twitter.
Ngoài ảnh chụp của các hãng thông tấn, không ít người tham gia bạo loạn đã “lạy ông tôi ở bụi này” khi đăng hình ảnh tự chụp lên mạng xã hội. Libby Andrews, một người môi giới bất động sản ở Chicago, là một trường hợp như vậy.
Bức ảnh đăng lên Instagram khiến bà này bị công ty sa thải và xóa tên khỏi trang web. Cư dân mạng cũng tìm ra một trang web chuyên đánh giá “cò” đất và để lại nhiều bình luận tiêu cực cho Andrews.
“Tôi 56 tuổi rồi. Tôi tới đó không phải để gây rắc rối. Tôi tới để thể hiện sự ủng hộ dành cho tổng thống của mình”, bà Andrews phân trần với Reuters và nhấn mạnh mình không làm gì sai, không xô đẩy với lực lượng an ninh và chỉ đứng trên các bậc thềm của tòa nhà Quốc hội hát quốc ca.
Một trường hợp khác là tiến sĩ Rick Saccone, giảng viên một trường cao đẳng ở Latrobe, bang Pennsylvania. Ông này đã nộp đơn từ chức sau khi nhà trường biết được việc ông có mặt trong sự việc.
Khi được Reuters liên hệ, Saccone nói ông đã đăng video lên Facebook và khẳng định không thấy có hành động bạo lực nào ở Đồi Capitol. Bản thân ông cũng chưa bao giờ bước qua những cánh cửa của tòa nhà Quốc hội.
Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã kêu gọi người dân giúp chính quyền xác định danh tính những người tham gia bạo loạn. Ít nhất 90 người đã bị bắt sau sự việc, theo Bộ Tư pháp Mỹ.
Một cuộc tranh cãi đã bùng nổ và vẫn đang diễn ra trên mạng xung quanh câu hỏi ai đã gây ra tình trạng hỗn loạn ở Đồi Capitol. Phần lớn cư dân mạng đều cho rằng những người theo chủ nghĩa cực hữu ủng hộ ông Trump là thủ phạm.
Ở chiều ngược lại, phe trung thành với tổng thống khẳng định những kẻ chống ông đã trà trộn và kích động bạo lực.
Theo BẢO DUY – Tuổi Trẻ