Công viên địa chất Đắk Nông (CVĐC) nằm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, với ranh giới trải dài trên 5 huyện và 1 thị xã gồm huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk GLong và thị xã Gia Nghĩa.
Nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất, văn hóa và đa dạng sinh học
Là một phần của cao nguyên M’Nông nên thơ, hùng vĩ, Công viên địa chất Đắk Nông là nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất địa mạo, văn hóa và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực. Điểm đặc biệt nhất nơi này là hệ thống hang động trong đá bazan, phân bố ở khu vực Đray Sáp – Chư R’Luh, được phát hiện từ năm 2007. Hệ thống hang động núi lửa này đã được Hiệp Hội Hang động Núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài và tính độc đáo.
Trong các hang động còn ẩn chứa nhiều điều bí mật về cơ chế thành tạo, các tổ hợp khoáng vật, đa dạng sinh học và di chỉ khảo cổ… đang rất cần được các nhà khoa học nghiên cứu khám phá. Đặc biệt hơn là các phát hiện về di chỉ khảo cổ người tiền sử sinh sống trong khu vực hang động núi lửa, thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước.
Để vừa bảo tồn và khai thác được tiềm năng của CVĐC Đắk Nông, tỉnh đang gấp rút chuẩn bị hồ sơ đệ trình UNESCO xét duyệt danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu. Trong chuyến khảo sát thực địa của Đoàn chuyên gia UNESCO từ ngày 7 – 11/10 vừa qua, TS. Guy Martini – Chủ tịch Hội đồng thẩm định mạng lưới CVĐC toàn cầu đã nhận định, CVĐC Đắk Nông rất đặc biệt, khác với nhiều CVĐC khác nhưng lại hội tụ tất cả các giá trị tiêu biểu cả về địa chất, địa mạo, văn hóa cũng như đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực. Ngoài ra, khu vực này còn có bề dày văn hóa lịch sử với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như cồng chiêng Tây Nguyên, Ót N’drong, cùng hệ thống các di tích, danh thắng cấp quốc gia, cấp tỉnh… Đây là những điều kiện rất thuận lợi để được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Đặc biệt là các nhạc vụ dân tộc độc đáo, do vậy CVĐC Đắk Nông được vinh danh là xứ sở của những âm thanh.
Mới đây nhất, vào chiều 20/11, Ban Chỉ đạo xây dựng CVĐC Đắk Nông đã họp để nghe báo cáo công tác hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO và kế hoạch triển khai các nội dung phục vụ Đoàn thẩm định chính thức của UNESCO. Tại đây ông Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định việc xây dựng thành công danh hiệu CVĐC toàn cầu sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đồng thời cải thiện đời sống của nhân dân nhờ phát triển du lịch. Vì vậy ông yêu cầu các sở ngành phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý CVĐC Đắk Nông để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Riêng các huyện, thị xã cần tập trung thực hiện tốt các phần việc liên quan đến địa phương theo đúng trình tự, quy định của UNESCO. Ngày 28/11/2018 tỉnh Đắk Nông đã đề nghị Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam lên tổ chức UNESCO đề nghị xem xét hồ sơ công nhận CVĐC Đắk Nông là Công viên địa chất toàn cầu.
Hình thành 3 tuyến du lịch
Với sự tư vấn của các chuyên gia UNESCO tỉnh Đắk Nông đã xây dựng được 3 tuyến du lịch CVĐC. Cụ thể, Tuyến 1 có chủ đề “Trường ca của nước và lửa (Rhapsody of fire and water), được bắt đầu từ thị xã Gia Nghĩa – Quảng Sơn – Krông Nô gồm có 14 điểm du lịch: Trung tâm thông tin CVĐC – Trang trại dê hữu cơ Duy Hùng – Làng nghề đan lát của người M’nông – Mỏ cao lanh – Mỏ nguyên liệu nhôm – Căn cứ địa Nâm Nung – Tuyến đi bộ rừng tự nhiên – Núi lửa Nâm Kar – Cánh đồng dung nham – Cảnh quan đồng lúa dưới chân núi lửa – Trung tâm thông tin Đray Sáp – Thác nước Đray Sáp – Hang động núi lửa – Thác Gia Long.
Tuyến số 2 có chủ đề “Bản giao hưởng của sự đổi thay (Wind of change concerto)”. Tuyến này bắt đầu từ cầu Sêrêpốk của huyện Cư Jút đến thị xã Gia Nghĩa gồm 16 điểm du lịch: Núi lửa Ea T’ling – Thác Trinh Nữ – Cầu Sêrêpốk – Làng người Ê đê – Vườn xoài Đắk Mil – Các pha phun trào – Rừng cao su – Điểm tiếp xúc dung nham và cát kết – Đồi chiến thắng 722 Đắk Sắk – Nhà ngục Đắk Mil – Hồ Tây Đắk Mil – Núi lửa Thuận An – Di tích lịch sử đường Trường Sơn và điểm khai thông liên lạc đường Bắc Nam – Trang trại nông nghiệp organic Thu Thủy – Mỏ đá Saphia Trường Xuân.
Tuyến 3 có chủ đề “Âm vang từ Trái đất (Sounds of the Earth)”. Tuyến này từ thị xã Gia Nghĩa đi Tà Đùng (Đắk Glong) gồm 14 điểm du lịch: Triển lãm các loại cà phê – Bảo tàng văn hóa Đắk Nông – Chùa Pháp Hoa – Điểm gỗ hóa thạch – Nhà trưng bày đàn đá – Nhà trưng bày cồng chiêng của người Mạ – Thác đá cột Liêng Nung – Cây thần linh – Trạm thủy điện – Điểm cảnh quan hồ Tà Đùng – Quán cà phê ngắm cảnh – Miếu thần đá – Cảnh quan thác nước granite – Vườn sầu riêng.
Ba tuyến du lịch với 44 điểm như trên là cơ sở bước đầu để CVĐC Đắk Nông tổ chức các hoạt động du lịch và phục vụ thẩm định chính thức của UNESCO. Bên cạnh đó, CVĐC Đắk Nông còn phát huy các nguồn tài nguyên du lịch khác dọc theo ba tuyến nêu trên.
Theo Baomoi.com