Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tuyển 7.000 chỉ tiêu

Năm 2021, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tuyển khoảng 7.000 chỉ tiêu bằng ba phương thức xét tuyển tương tự năm 2020.

Các phương thức gồm: xét tuyển tài năng, dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức. Trong đó, trường dự kiến tuyển 50-60% tổng chỉ tiêu bằng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Để tham gia phương thức xét tuyển này, thí sinh phải có điểm trung bình sáu học kỳ THPT ở mỗi môn học trong tổ hợp xét tuyển từ 7 điểm trở lên.

Điểm xét từng ngành, chương trình đào tạo được xác định theo tổng điểm ba môn thi của một trong các tổ hợp: A00, A01, A02, B00, D01, D07, D26, D28 và D29, (có tính hệ số môn chính và điểm cộng ưu tiên). Trong đó, các tổ hợp A02 (Toán, Lý, Sinh), D26 (Toán, Lý, Đức), D28 (Toán, Lý, Nhật) và D29 (Toán, Lý, Pháp) được sử dụng để xét tuyển vào một số ngành đặc thù của trường.

Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS (Academic) từ 5.0 trở lên hoặc tương đương có thể được quy đổi điểm tiếng Anh thay cho môn thi tiếng Anh để xét tuyển vào các ngành theo tổ hợp A01, D07, D01.

Một góc Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Thanh Thanh.
Một góc Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Thanh Thanh.

Ở phương thức xét tuyển tài năng, trường dự kiến lấy 10-20% tổng chỉ tiêu, trong đó số lượng tuyển thẳng mỗi ngành không quá 30% chỉ tiêu của ngành đó.

Với phương thức này, Đại học Bách khoa Hà Nội xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển thẳng căn cứ kết quả thi chứng chỉ ACT, SAT, A-Level và IELTS đối với thí sinh có điểm trung bình chung học tập từng năm lớp 10, 11 và 12 đạt 8 trở lên.

Ngoài ra, trường còn xét hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn dành cho thí sinh có điểm trung bình chung học tập từng năm THPT đạt 8 trở lên, đồng thời đáp ứng một trong các điều kiện là học sinh hệ chuyên Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin, Tiếng Anh của các trường THPT chuyên; là thí sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc đạt giải nhất, nhì, ba cấp tỉnh các môn trên; tham dự vòng thi tháng/quý/năm Đường lên đỉnh Olympia; có chứng chỉ IELTS 6.0 trở lên hoặc thí sinh không sử dụng quyền tuyển thẳng theo quy định của Bộ.

Phương thức xét tuyển cuối cùng được Đại học Bách khoa Hà Nội sử dụng là xét bằng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức, dự kiến lấy 30-40% chỉ tiêu. Kỳ thi này sẽ được tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 ở ba địa điểm của miền Bắc. Thí sinh sẽ làm bài thi tổ hợp trong 180 phút, gồm hai phần là bắt buộc và tự chọn.

Ở phần bắt buộc, các em phải làm bài Toán trắc nghiệm lẫn tự luận và Đọc hiểu dạng trắc nghiệm. Với phần tự chọn, thí sinh sẽ làm một trong ba phần gồm Lý – Hóa, Hóa – Sinh hoặc Tiếng Anh tùy từng nhóm ngành. Phần tự chọn này hoàn toàn mới so với bài kiểm tra tư duy năm ngoái của trường.

Để tham gia kỳ thi này, thí sinh phải vượt qua vòng sơ tuyển với hình thức xét theo điểm trung bình sáu học kỳ THPT của tổng điểm ba môn theo tổ hợp lựa chọn (Toán – Lý – Hóa; Toán – Hóa – Sinh; Toán – Văn – Anh). Theo đó, điểm trung bình sáu học kỳ của mỗi môn phải đạt 7 trở lên. Dự kiến, chỉ tiêu sơ tuyển là 8.000-10.000.

Như vậy, so với năm 2020, chỉ tiêu và phương thức xét tuyển của Đại học Bách khoa Hà Nội giữ ổn định. Trường chỉ thay đổi tỷ lệ chỉ tiêu ở từng phương thức với xu hướng tăng chỉ tiêu theo phương thức xét kết quả bài kiểm tra tư duy. Trường cũng bổ sung bài thi tự chọn ở phương thức này.

Năm ngoái, điểm trúng tuyển vào trường cao nhất là 29,04, ngành Khoa học máy tính, ngành thấp nhất là 22,5, chỉ tính theo điểm thi tốt nghiệp THPT.

Dương Tâm – Vnexpress