“Đặc sản” Hoài Hương giữa lòng Sài Gòn

Trải dọc ba miền đất nước, mỗi vùng đất, tỉnh thành đều có một hoặc vài món ăn đặc sản trứ danh mà chỉ cần nhắc đến cái tên là người ta nhớ ngay địa danh. Và cũng chỉ có món ăn ấy mới đủ sức khiến những người con xa xứ tứ phương thổn thức mỗi khi nhớ về. Nhiều khi, nó chẳng cầu kỳ mĩ miều gì so với những nền văn hóa ẩm thực tân tiến khác, nhưng vì cái bình dị ấy đã nuôi lớn bao lớp thế hệ rồi ăn sâu vào tâm khảm lúc nào không hay nên người xa quê thương nhớ đến kì lạ, như cái món ăn tôi sắp kể ra đây.

Tôi là một đứa con gái gốc gác thì miền Trung nhưng sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên. Thế nên, tôi đích thị là dân phố núi. Lẽ hiển nhiên, tôi không biết nhiều các món ăn miền biển, đến cá cũng chỉ nhận diện đọc tên được dăm ba loại đếm trên đầu ngón tay. Cũng may, ngày đầu tiên về nhà người yêu ra mắt, mẹ chồng tương lai không thử tài làm cá như mấy câu chuyện dở khóc dở cười tôi hay xem ở cõi mạng. Đấy, cũng là liên quan đến chuyện lấy chồng, rõ là ghét của nào trời trao của ấy, tôi từng dặn lòng chỉ cưới người cùng quê thế mà năm 27 tuổi lại lên xe hoa về làm dâu miền biển. Quê chồng tôi ở Hoài Hương, Hoài Nhơn, Bình Định. Còn nhà chồng tôi nằm cuối con sông Lại Giang đoạn đổ ra cửa biển. Ở cái xứ này, cồn cát, hàng cây dương nghiêng mình đón gió biển là nơi cất giữ tuổi thơ của bao người. Và cũng trên miền cát trắng, nắng gió mặn mòi ấy, không biết từ khi nào những bụi lưỡi long trở thành món ăn quen thuộc của người dân nơi đây. Gần như nhà nào cũng có đôi ba khóm lưỡi long làm “của để dành”.

Lưỡi long dễ chế biến và cũng rất dễ ăn.
Lưỡi long dễ chế biến và cũng rất dễ ăn.

Nếu có một cuộc thi sắc đẹp dành riêng cho họ cactaceae (họ xương rồng) thì hẳn lưỡi long sẽ có cơ hội giành tấm vé “Hoa hậu thân thiện”. Là xương rồng nhưng không phải xương rồng, lưỡi long có ngoại hình khá tương đồng với các anh em trong hàng trăm chi, hàng nghìn loài xương rồng nhưng lại không mấy gai góc, sắc nhọn. Các nhánh của nó mọc ra có hình dẹp như chiếc lá, nhánh non sẽ xuất hiện những chiếc gai mập ú không có tính sát thương và chúng sẽ rụng dần khi nhánh chuyển già để lại những chấm lốm đốm trên bề mặt.

Hồi mới về làm dâu Hoài Hương, lần đầu nhìn mẹ chồng ngồi gọt lưỡi long nấu canh, tôi ngạc nhiên: “Ủa xương rồng ăn được hả mẹ?”. Chồng tôi đứng cạnh đó mặt hớn hở kiểu rất tự hào khoe đặc sản quê hương: “Không phải xương rồng, đó là lưỡi long. Món này em ăn là ghiền đó”. Mà đúng, tôi mê nó thiệt.

Lưỡi long gọt bỏ những đốm mắt gai, thái miếng dày mỏng tùy sở thích rồi đem nấu canh. Vị chua chua thanh thanh, giòn giòn sực sực của lưỡi long quyện cùng miếng cá biển ngọt tươi chinh phục khẩu vị đứa kén ăn như tôi ngay từ lần đầu tiên ấy. Mấy đứa cháu cũng khoái món canh lưỡi long này lắm. Tụi nhỏ chỉ cần chan cái nước canh lưỡi long sệt dẻo vào cơm trắng, cho thêm topping là lưỡi long thái mỏng và cá là có thể ngồi ăn ngon lành.

Canh lưỡi long với cơm trắng là đủ no bữa.
Canh lưỡi long với cơm trắng là đủ no bữa.

Mấy lần chở nhau đi dạo quanh các ngõ ở quê, chồng tôi thường hay chỉ mấy bụi lưỡi long mọc ở bãi cát hay trong sân vườn nhà người dân ở đây. Lưỡi long dễ sống, chỉ cần dăm nhánh xuống đất là ít lâu đã có một bụi và nó sống cực kì dai. Nói lưỡi long là “của để dành” bởi mỗi năm bão kéo qua thôn xóm, càn quét mọi thứ kể cả mùa màng thì chỉ cần nhánh lưỡi long hái xung quanh nhà với nắm ruốc (tép) khô được trữ từ vụ đông – xuân là người dân ở đây đã có nồi canh nóng hổi cho những ngày thiếu thốn.

Đó là ngày bão về, còn ngày thường, lưỡi long nấu với cá liệt, cá ong hay chút chả cá tươi,… thì chuẩn đặc sản biển Hoài Hương. Thỉnh thoảng, trong bữa cơm giữa Sài Gòn hoa lệ, chồng tôi chợt nhớ nhung hương vị của chén canh lưỡi long nấu với cá tươi quê mình. Phải nghe ổng diễn tả cái sự thèm thuồng món canh quê hương ấy mới thấy lưỡi long in sâu vào tâm khảm người con Hoài Hương xa quê thế nào. Hay chăng, tại chồng tôi đậm cốt miền biển nên chỉ nhớ mấy thứ dân dã nhưng đậm tình ấy thôi.

Những ngày Sài Gòn ốm nặng, người dân phải chấp hành nghiêm ngặt việc giãn cách xã hội để giúp thành phố chống dịch, vợ chồng tôi lại được cứu trợ lương thực từ mẹ, chị hai và chắc chắn không thể thiếu một bịch to lưỡi long rồi thêm chả cá. Đấy, không chỉ giúp người dân miền biển chống bão mà lưỡi long còn giúp người Hoài Hương neo bờ giữa Sài Gòn chống đói mùa dịch. Nhà hết rau xanh thì những bữa canh lưỡi long thanh mát chính là bài thuốc hạ nhiệt tuyệt vời cho cơ thể trong mùa hè nắng nóng.Khi đã biết về lưỡi long, tôi cũng từng tìm hiểu về loài cây khá đặc biệt này. Trong một vài ghi chép, lưỡi long được cho là một vị thuốc hay tốt cho sức khỏe con người. Ngoài món canh, lưỡi long còn được chế biến thành hàng trăm món khác, đặc biệt là mứt lưỡi long. Tại Việt Nam, lưỡi long cũng xuất hiện dọc một số vùng ven biển như Quảng Ngãi, Bình Thuận. Còn bạn, bạn đã từng thưởng thức món ăn nào được chế biến từ lưỡi long chưa?

Để lại một bình luận