Như phóng viên đã đưa tin, thời gian gần đây, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) nhận được một số phản ảnh của khách hàng tại các quận Cẩm Lệ, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn liên quan đến chất lượng nguồn nước sinh hoạt có hiện tượng cặn bẩn màu đen, có màu đục và có độ lợ trong nước.
Dawaco cho biết đã nhanh chóng liên hệ trực tiếp để đưa mẫu nước tại nhà các khách hàng có phản ảnh đi kiểm nghiệm tại phòng thí nghiệm của Xí nghiệp sản xuất nước sạch Dawaco. Kết quả các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn QCVN: 01: 2009/BYT do Bộ Y tế ban hành.
Tuy nhiên vẫn có nhiều người chưa thật an tâm với thông tin của Dawaco vì nước sạch có ảnh hưởng rất lớn đến an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân, trong khi chỉ có doanh nghiệp tự cung cấp rồi tự công bố an toàn mà không có cơ quan chức năng nào lấy mẫu xét nghiệm, công bố độc lập để người dân có cơ sở so sánh đối chiều với kết quả do Dawaco công bố là rất bất cập!
Để trả lời câu hỏi này, ông Hồ Minh Nam, Phó tổng giám đốc Dawaco cho hay, trong chiều 16/2, Dawaco đã có Công văn số 141/TB-CTCN gửi các khách hàng sử dụng nước sạch của Dawaco cũng như các cơ quan thông tấn báo chí để thông tin chính thức về việc kiểm tra chất lượng nguồn nước do Dawaco cung cấp.
Theo đó, sau khi lấy mẫu và tiến hành kiểm nghiệm lần 1, Dawaco đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Đà Nẵng) lấy mẫu nước tại nhà các khách hàng có phản ảnh như nêu trên cùng với lấy mẫu nước tại Nhà máy sản xuất nước để kiểm nghiệm lần 2.
Ngày 16/2, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Đà Nẵng) đã ký “Phiếu kết quả thử nghiệm” các số 34, 35, 36, 37, 38/HLN về kết quả thử nghiệm mẫu nước thủy cục tại nhà các khách hàng 398 Lê Văn Hiến, 15 An Thượng 20, 105/14 Bình Thái 1, 33 Nguyễn Chí Diểu, Nhà máy nước Cầu Đỏ (quận Cẩm Lệ).
Cả 05 “Phiếu kết quả thử nghiệm” của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Đà Nẵng) đều có chung nhận xét: “Các chỉ tiêu đã kiểm tra đạt yêu cầu vệ sinh về hóa lý nước dùng cho ăn uống theo QCVN 01: 2009/BYT”. Đây chính là cơ sở để trong Công văn 141/TB-CTCN, Dawaco “thông báo để khách hàng có thể yên tâm sử dụng nguồn nước do Dawaco cung cấp cho sinh hoạt và dùng để nấu ăn uống”.
Trả lời các phản ánh lo ngại liên quan đến hiện tượng khách hàng dùng khăn ướt, bông gòn bịt đầu vòi sử dụng trong một thời gian thì có cặn màu đen đọng lại ở khăn, bông gòn, ông Hồ Minh Nam cho hay, bước đầu bộ phận chuyên môn của Dawaco nhận định nguyên nhân có thể do nước bị đục cục bộ tại một số tuyến ống có chất lượng kém (ống thép, ông gang… sử dụng lâu năm).
“Đối với nước sau xử lý tại các nhà máy cũng vẫn còn một hàm lượng cặn lơ lửng trong giới hạn cho phép với độ đục ≤ 2 NTU. Lượng cặn này khi được lọc lại qua bông gòn hoặc vải mịn sau một hoảng thời gian nhất định với lượng nước qua khá lớn thì cặn sẽ được giữ lại” – Ông Hồ Minh Nam cho hay.
Cũng theo ông Hồ Minh Nam, để đảm bảo chất lượng nước trên mạng lưới trong thời gian đến, Dawaco sẽ chủ động tăng cường công tác lấy mẫu kiểm tra chất lượng nước mạng lưới, tăng cường xúc xả mạng lưới đường ống và có phương án thay thế các đường ống kém chất lượng đã dung lâu năm, trong thao tác mạng lưới tránh gây xáo trộn lớn trong đường ống để hạn chế xảy ra các hiện tượng trên.
Bên cạnh đó, Dawaco tiếp tục cho biết, từ ngày 02/02 đến nay, nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn, độ mặn có xu hướng tăng dần và ngày càng duy trì ở mức cao. Tính tới thời điểm hiện nay, độ mặn cao nhất là 1.433mg/l (lúc 8h sang 15/02). Đặc biệt, kể từ ngày 15/02, độ mặn thường xuyên vượt ngưỡng 1.000mg/l.
“Để đảm bảo cấp nước cho TP, Dawaco đã vận hành bơm phòng mặn An Trạch với công suất phù hợp tùy theo độ mặn tại cửa nước sông Cầu Đỏ và vẫn đảm bảo đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng nguồn nước như độ đục, hàm lượng cặn, pH, độ mặn… đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn QCVN:01:2009/BYT do Bộ Y tế ban hành và nước sẽ có vị lợ nhất định” – Ông Hồ Minh Nam, Phó tổng giám đốc Dawaco cho hay.
Đối với quy trình sản xuất nước sạch tại Xí nghiệp sản xuất nước sạch (Nhà máy nước Cầu Đỏ), ông Hồ Minh Nam khẳng định Dawaco luôn đảm bảo các công đoạn xử lý tại các nhà máy đều được kiểm tra, giám sát chặt chẽ (các chỉ tiêu độ đục, độ mặn, Clo dư được giám sát liên tục bằng thiết bị Online và kiểm tra bằng các thiết bị cầm tay 01 giờ/lần); chất lượng nước sau xử lý phát ra tại nhà máy đều đạt yêu cầu theo QCVN 01: 2009/BYT.
“Tại mạng lưới có 19 điểm mẫu (đầu nguồn, cuối nguồn và mẫu bổ sung theo quy định của Thông tư 50/2015/TT-BYT) được giám sát hàng tuần với 15 chỉ tiêu nhóm A đều đạt yêu cầu theo QCVN 01/ 2009/BYT. Từ đầu năm 2019 đến nay, Xí nghiệp sản xuất nước sạch đã kiểm tra gần 400 mẫu nước mạng lưới, trong đó chỉ có 01 mẫu có Clo dư = 0mg/l; 39 mẫu có Clo dư từ 0,1 – 0,2mg/l” – Ông Hồ Minh Nam cho hay.
HẢI CHÂU – Infonet