Nữ bệnh nhân 50 tuổi (Bắc Giang) rơi từ độ cao khoảng 8 m xuống đất, bị đa chấn thương cột sống, bụng, hông…
Chiều 10/1, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang cấp cứu. Lúc nhập viện, chị tỉnh táo, đau vùng lưng, chậu hông, sốc, mất máu. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đa chấn thương: chấn thương cột sống, liệt hai chân và theo dõi chấn thương bụng.
Bác sĩ Hoàng Chí Thành, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh nhận định đây là ca bệnh khó, khả năng bệnh nhân phục hồi thấp. Kíp bác sĩ phẫu thuật cố định lại cột sống, giải phóng chèn ép thần kinh cho bệnh nhân.
May mắn sức khỏe bệnh nhân ổn định, đã vận động được hai chân, dự kiến ra viện sau 10 ngày hậu phẫu.
Theo bác sĩ Thành, đây là bệnh nhân hồi phục tốt nhất so với những ca bệnh tương tự mà bệnh viện tiếp nhận từ năm 2018 đến nay. Sau ra viện, thời gian tập phục hồi chức năng của bệnh nhân ngắn hơn rất nhiều.
Bác sĩ khuyến cáo khi bị chấn thương cột sống cần sơ cứu tốt, sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Sơ cứu không đúng cách với nạn nhân chấn thương cột sống rất dễ để lại hậu quả.
Nguyên tắc sơ cứu người bị chấn thương cột sống:
Nguyên tắc hàng đầu là bất động, tránh di lệch đoạn cột sống đã bị tổn thương, vì sẽ gây thêm tổn thương, thậm chí gây đứt ngang tủy sống.
Với bệnh nhân nghi ngờ có tổn thương cột sống cổ, đặt đầu nằm thẳng trục (không cúi gập, ngửa hay xoay cổ), chèn bao cát hai bên để chống xoay cổ. Chấn thương ở cột sống ngực và cột sống lưng, đặt bệnh nhân nằm ngửa trên cáng cứng hoặc nằm sấp trên cáng mềm. Cố định bệnh nhân vào cáng ở 3 điểm: đầu, vai và ngang khung chậu. Tuyệt đối không lôi, kéo, lật trở bệnh nhân.
Khi vận chuyển trên cáng đến cơ sở y tế, cần có nhiều người đứng đỡ bệnh nhân, đảm bảo cột sống bệnh nhân vẫn được cố định. Tránh khiêng, xốc, vác nạn nhân trên vai, cõng trên lưng, khiêng bằng cáng mềm, võng, chở bệnh nhân bằng xe đạp, xe máy, bẻ gập lưng trong xe taxi… dễ làm tăng tổn thương cột sống của bệnh nhân.
Thúy Quỳnh vietnamnet