Nissan thuê một công ty an ninh tư nhân để theo dõi Ghosn trong thời gian ông tại ngoại và chờ xét xử, để kiểm tra xem ông có gặp bất kỳ người nào liên quan đến vụ án hay không. Tuy nhiên, các luật sư của Ghosn yêu cầu công ty ngừng giám sát vì làm vậy là vi phạm nhân quyền và cảnh báo cựu chủ tịch Nissan sẽ nộp đơn khiếu nại, theo ba nguồn tin giấu tên của Reuters.
Công ty an ninh ngừng giám sát Ghosn vào ngày 29/12. Camera giám sát của chính quyền bên ngoài nhà Ghosn tại Tokyo cho thấy ông rời đi một mình vào trưa 29/12 và không quay về.
Cựu chủ tịch Nissan đến Lebanon ngày 30/12 bằng hộ chiếu Pháp. Một ngày sau, Ghosn cho biết ông bỏ trốn để thoát “hệ thống tư pháp gian lận” của Nhật Bản. Ghosn sẽ họp báo vào ngày 8/1.
MNG Jet, hãng điều hành máy bay tư Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết Ghosn đã thuê hai phi cơ để trốn khỏi Nhật. Một nhân viên của hãng đã làm giả hồ sơ thuê để xóa tên của Ghosn khỏi tài liệu. Thổ Nhĩ Kỳ bắt 7 người, gồm 4 phi công, để điều tra việc Ghosn quá cảnh ở Istanbul trên đường trốn từ Nhật sang Lebanon.
Ghosn, 65 tuổi, mang ba quốc tịch Pháp, Brazil và Lebanon. Ông bị giới chức Nhật bắt và bị Nissan sa thải vào tháng 11/2018 với cáo buộc khai man thu nhập và sử dụng sai mục đích tài sản của công ty. Ông được tại ngoại vào tháng 3/2019 nhưng bị bắt lại với cáo buộc chiếm dụng tiền của Nissan. Cuối tháng 4/2019, Ghosn nộp 8,9 triệu USD tiền bảo lãnh để được tại ngoại, nhưng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, gồm bị hệ thống camera ở bên ngoài nhà theo dõi 24/7, bị cấm ra nước ngoài và hạn chế sử dụng thiết bị công nghệ.
Phương Vũ (Theo Reuters) – Vnexpress