Cuộc thi xôi đẹp ngày rằm tháng Giêng

33 mâm xôi được con cháu dòng họ Phan Tôn Chu ở huyện Nghi Xuân dâng nhà thờ để tế tổ và tham dự cuộc thi xôi đẹp.
Con cháu đội mâm xôm đen đến nhà thờ họ Phan Tôn Chu để dự thi. Ảnh: Đức Hùng
Con cháu đội mâm xôi đem đến nhà thờ họ Phan Tôn Chu để dự thi. Ảnh: Đức Hùng

Ông Phan Hữu Huân, đại diện dòng họ Phan Tôn Chu cho biết, cuộc thi xôi đẹp có truyền thống hàng trăm năm, thường diễn ra vào dịp rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy và lễ Tết. Mục đích nhằm tạo cho các gia đình trong họ luôn có ý thức làm mâm cỗ để cúng tổ tiên.

Cuộc thi xôi được tổ chức nhiều lần trong một năm theo hình thức quay vòng. Mỗi đợt có khoảng trên 30 gia đình tham gia. Họ sẽ cử thành viên làm ra một mâm xôi trắng đưa lên nhà thờ vừa để tế tổ và dự thi. Đến đợt thi sau, những gia đình khác sẽ tham gia tranh tài.

Từ 6h ngày 8/2 (rằm tháng Giêng) con cháu trong họ tất bật bưng nhiều mâm xôi đem đến nhà thờ. Xôi được đặt trên mâm nhôm kèm thịt lợn, song thịt không được xếp vào tiêu chí chấm thi.

Ban giám khảo tham gia chấm xôi. Ảnh: Đức Hùng
Ban giám khảo tham gia chấm xôi, tên các gia đình được ghi bên dưới mâm. Ảnh: Đức Hùng

9h, khi các cụ cao niên kết thúc lễ tế tổ, 33 mâm xôi được đưa ra đặt ở nhà chờ phía Đông để chấm. Ban giám khảo gồm 6 người, được các thành viên trong họ bầu ra, sẽ kiểm tra từng mâm xôi một, sau đó cùng bàn bạc để thống nhất giải.

Ông Phan Văn Hội, thành viên ban giám khảo nói, có hai tiêu chí chấm xôi; thứ nhất là đảm bảo vệ sinh, mâm rổ, rá đựng xôi phải sạch sẽ; thứ hai là xôi phải chín, ráo, dẻo. Với những trường hợp xôi bị ướt, nhão thì xem như không đạt.

Trước khi tham gia chấm xôi, thành viên tổ chấm thi được yêu cầu rửa tay sạch sẽ. Cách chấm là ấn tay vào giữa mâm xôi để kiểm tra xem xôi bị ướt hay khô. Giải nhất sẽ được thưởng ba quả cau, giải nhì hai quả, giải ba một quả.

Mâm xôi đoạt giải nhất được thưởng ba quả cau. Ảnh: Đức Hùng
Mâm xôi đoạt giải nhất được thưởng ba quả cau. Ảnh: Đức Hùng

“Năm nay ban tổ chức chọn ra được một giải nhất, hai giải nhì, không có giải ba. Đa phần cỗ xôi đều do các bà, các mẹ nấu. Quả cau là phần thưởng để khuyến khích họ làm cho tốt”, ông Hội cho hay.

Ông Phan Như Khoái (74 tuổi) chia sẻ rất vui và phấn khởi khi đoạt giải nhì. Theo ông, để làm được cỗ xôi đạt chuẩn phải chọn hạt nếp to và trắng, ngâm và lọc nước thật kỹ rồi mới đem nếp cho vào nồi.

Kỹ thuật hông xôi là quan trọng nhất. Khi hông xôi phải đun lửa đều, không được nổi lửa quá to. Lúc xôi chín lập tức đưa ra mâm, dùng đũa bếp đảo cho đều..

“Cả nhà dậy từ lúc 3h để nấu xôi. Tôi phụ trách việc quạt và bới xôi, vợ đảm nhiệm các khâu khác. Mỗi cỗ xôi được hông trong vòng khoảng 40-45 phút, nếu quá thời gian trên xôi sẽ bị nhão. Mâm xôi đạt chuẩn khi cân lên phải đủ 6 kg”, ông Khoái nói và cho hay năm nào cũng có cỗ dự thi và luôn nằm trong tốp đầu.

Con cháu vắt ra nhiều phần xôi để chia cho các cụ cao niên. Ảnh: Đức Hùng
Con cháu vắt ra nhiều phần xôi để chia cho các cụ cao niên. Ảnh: Đức Hùng

Ngoài cỗ xôi đẹp, ban tổ chức còn chọn ra những mâm xôi không đạt chuẩn như: thiếu vệ sinh, bị ướt, nhão… để phê bình, nhắc nhở đại diện các gia đình lần sau làm cỗ chú ý hơn.

Ba cỗ xôi đạt giải cao được vắt ra nhiều phần to bằng nắm tay để chia cho các cụ cao niên trong dòng họ đem về nhà. Những phần xôi còn lại sẽ sắp ra đĩa cùng với thịt lợn, gần trưa, con cháu ngồi lại quây quần ăn uống.

Phan Tôn Chu là một dòng họ có tiếng ở huyện Nghi Xuân, với lịch sử gần 600 năm, có nhiều con cháu đỗ đạt cao.