Cuộc tập trận thể hiện tham vọng Nga, Trung ở Vùng Vịnh

Nga và Trung Quốc dường như muốn tăng cường ảnh hưởng, bảo vệ lợi ích ở Vùng Vịnh khi lần đầu tập trận chung với Iran tại vịnh Oman.

Hải quân Iran, Nga và Trung Quốc hôm 27/12 khởi động cuộc tập trận chung 4 ngày mang tên Vành đai An ninh Hàng hải trên Ấn Độ Dương và vịnh Oman. Đây là hoạt động chưa từng có tiền lệ với sự tham gia của những quốc gia bị Mỹ coi là đối thủ cạnh tranh hoặc địch thủ trong khu vực.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định cuộc tập trận không nhằm thể hiện thái độ thù địch với bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng nó không chỉ dừng lại ở mức độ tăng cường hợp tác hàng hải, mà còn nhằm phô diễn tham vọng của ba nước tham gia với một trong những tuyến hàng hải đông đúc nhất thế giới.

Iran, Nga, Trung Quốc lần đầu tập trận chung
Chiến hạm ba nước tham gia tập trận chung tại vịnh Oman ngày 27/12. Video: Sima News.

“Diễn tập chung là hoạt động trao đổi bình thường giữa các nước, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, Vành đai An ninh Hàng hải mang nhiều thông điệp vượt xa hợp tác quân sự thông thường. Nó cho thấy quyết tâm và năng lực của ba cường quốc nhằm bảo vệ hòa bình, an ninh hàng hải trong khu vực”, bình luận viên Paul Wang của trang Modern Diplomacy nhận xét.

Sự tham gia của Nga và Trung Quốc, hai cường quốc lớn nhất lục địa Á – Âu, cho thấy nỗ lực xây dựng “liên minh đối trọng” với lực lượng đa quốc gia tuần tra eo biển Hormuz do Mỹ dẫn đầu nhằm đối phó Iran.

Tehran từng nhiều lần cáo buộc Washington gây bất ổn bằng cách tăng cường lực lượng quân sự tại Trung Đông, đồng thời khẳng định Iran đủ năng lực đảm bảo an ninh hàng hải tại eo biển Hormuz mà không cần sự can thiệp của bên ngoài.

“Cuộc tập trận cho thấy khu vực không cần sự hiện diện trái phép và các nhiệm vụ an ninh hàng hải của lực lượng nước ngoài ở khu vực này. Nó cũng chứng tỏ thẩm quyền của Iran ở bắc Ấn Độ Dương”, chuẩn đô đốc Habibollah Sayyari, tổng tham mưu trưởng quân đội Iran, hôm 29/12 cho biết.

Một phần eo biển Hormuz thuộc lãnh hải Iran, trở thành cơ sở để Tehran áp đặt quyền kiểm soát với tuyến hàng hải chiến lược trong khu vực. Việc mời Nga và Trung Quốc tập trận chung giúp Iran thực thi quyền chủ quyền, trong khi tuyên bố của chuẩn đô đốc Sayyari ám chỉ chiến dịch tuần tra của Mỹ và đồng minh là hành động phi pháp.

Tàu chiến các nước tham gia tập trận trên vịnh Oman hôm 29/12. Ảnh: Reuters.
Tàu chiến các nước tham gia tập trận trên vịnh Oman hôm 29/12. Ảnh: Reuters.

Với quyết định tham gia cuộc tập trận, Nga và Trung Quốc cũng muốn thể hiện cách tiếp cận thực dụng với Trung Đông. Họ không chọn phe trong những xung đột khu vực, khi tiếp tục hợp tác thương mại, bán vũ khí cho đồng minh thân cận của Mỹ như Arab Saudi, Jordan và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đồng thời duy trì quan hệ chính trị và quân sự với Iran.

“Chính sách này có thể được nâng lên tầm cao mới khi hai nước khuyến khích các bên giải quyết bất đồng thông qua biện pháp chính trị, thay vì chạy đua sức mạnh quân sự”, Wang nói thêm.

Cuộc tập trận bao gồm các nội dung như chống khủng bố và cướp biển, tìm kiếm cứu hộ. Mục tiêu chính là chia sẻ kinh nghiệm tác chiến giữa ba nước, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo đảm an ninh hàng hải ở những khu vực chiến lược.

Nó cũng nhằm thực thi trật tự và cân bằng khu vực theo các điều khoản của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Iran, Nga và Trung Quốc đều là những quốc gia ký phê chuẩn văn kiện, đồng thời bác bỏ ý tưởng cho rằng Mỹ là cường quốc hải quân duy nhất trong khu vực.

Luật pháp quốc tế cho phép Iran tổ chức tập trận hải quân chung với Nga, Trung Quốc để tăng cường phối hợp quân sự, cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu và thu thập thông tin. “Tehran đang tìm cách chống lại chính sách gây áp lực tối đa của Washington. Cuộc tập trận cho thấy Mỹ đã thất bại trong nỗ lực cô lập Iran về mặt chính trị và quân sự”, Wang nhận xét.

Tàu chiến Iran trong cuộc tập trận. Ảnh: Reuters.
Tàu chiến Iran trong cuộc tập trận. Ảnh: Reuters.

Nga khẳng định ổn định khu vực cần được bảo đảm bởi các nước trong khu vực, cuộc tập trận Vành đai An ninh Hàng hải cũng phù hợp với khái niệm về an ninh tập thể của Mosvka. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng cho thấy nước này muốn có vai trò tại eo biển Hormuz, tuyến vận chuyển dầu mỏ và khí đốt quan trọng bậc nhất thế giới và có ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế Trung Quốc.

“Cuộc tập trận đã tạo ra đối trọng với Mỹ và đồng minh, gửi đi thông điệp rằng ba cường quốc này có thể tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quân sự và tập trận chung kể từ năm 2020 nếu cần thiết”, Wang đánh giá.

Vũ Anh (Theo Modern Diplomacy) – Vnexpress