Sống tại quận Đống Đa, chị Huệ giải thích muốn con vào trường Amsterdam một phần vì trường gần nhà, có chất lượng đào tạo tốt, một phần nhận thấy con học khá. Vợ chồng chị định hướng dần cho con ngay từ khi lên lớp 3.
Năm nay, hệ THCS của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam tuyển 180 học sinh, giảm 20 em so với năm ngoái. Học sinh phải có điểm sơ tuyển từ 137/140 mới được tham gia vòng kiểm tra, tức chỉ được ba điểm 9 trong các lần kiểm tra định kỳ cuối năm cấp tiểu học, còn lại phải đạt 10.
Do trường sơ tuyển bằng điểm học tập các năm tiểu học, mỗi lần con làm bài kiểm tra cuối năm, chị Huệ đứng ngồi không yên. “Nếu con được 8 hoặc 9, cơ hội chưa hẳn là hết nhưng cánh cửa qua vòng sơ tuyển dần hẹp lại, tôi khá lo lắng”, bà mẹ 37 tuổi chia sẻ.
Từ đầu năm lớp 5, chị bắt đầu cho con đi học thêm để ôn vào lớp 6, một tuần ba buổi cho ba môn Toán, Văn và tiếng Anh, bắt đầu từ 19h30 và kết thúc lúc 21h thứ hai, tư, sáu. Sau Tết Nguyên đán, chị Huệ thuê gia sư phụ đạo môn Toán một tuần một buổi vì nhận thấy con yếu môn này hơn Văn và tiếng Anh.
Hàng tháng, chị mất khoảng 6 triệu tiền học thêm cho con. Chị Huệ đánh giá so với nhiều gia đình khác, mức đầu tư của gia đình chưa thể gọi là to tát hay có gì đặc biệt. “Nghe bạn bè kể, nhiều nhà cho con học thêm cả tuần, tiền học lên tới hơn 10 triệu một tháng. Do con cũng chịu nhiều áp lực từ tiểu học khi phải đạt điểm cao, tôi không muốn ép con quá”, chị chia sẻ.
Trên Facebook, nhiều hội nhóm đồng hành cùng học sinh lớp 5, chuẩn bị thi vào lớp 6 trường THCS chất lượng cao ở Hà Nội được lập ra. Thành viên chủ yếu là phụ huynh có con sắp vào THCS và một số giáo viên mở lớp luyện thi, mỗi nhóm từ 3.000 đến 25.000 người.
Hàng ngày, phụ huynh thường trao đổi, chia sẻ tài liệu ôn thi, tỷ lệ chọi, tìm thầy cô, gia sư hoặc xin tư vấn về chất lượng giảng dạy của các trường. Những câu hỏi phổ biến thường là “Bố mẹ nào có đáp án phần nghe môn tiếng Anh trong quyển luyện đề trường chuyên Ngoại ngữ không?”, “Có ai biết thầy cô nào ôn cho các con thi vào THCS Hà Nội – Amsterdam tốt thì giới thiệu”, “Tỷ lệ chọi vào THCS Cầu Giấy, chuyên Ngoại ngữ năm nay thế nào?”…
Bảng điểm sơ tuyển toàn 10 của thí sinh thi vào lớp 6 trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam cũng được chia sẻ rộng rãi trên các diễn đàn. Nhiều phụ huynh lo con mình “không có cửa” bởi quá nhiều học sinh có bảng điểm “đẹp như mơ”. Nhiều người đặt nghi vấn gian lận điểm vì “khó có chuyện 5 năm tiểu học các môn toàn điểm 10 nếu không có sự tác động”.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie, cho rằng thi là cách công bằng nhất để tuyển sinh. Việc tuyển đầu vào khắt khe không thể trách nhà trường mà phần nhiều nằm ở tâm lý cha mẹ học sinh. “Ngày nay, phụ huynh đặt quá nhiều kỳ vọng vào con, luôn muốn con vào trường chuyên lớp chọn. Con không phải xuất sắc nhưng phụ huynh vẫn cố tìm cách để vào trường chuyên với hy vọng sẽ thành tài. Từ tâm lý đó, họ tìm cách để con qua sơ tuyển đã, rồi nhồi nhét con học thêm để qua tiếp thi tuyển khiến con rất khổ”, thầy Khang nói.
Theo Hiệu trưởng Khang, học sinh lớp 1, 2 đi luyện nhiều về Toán và Tiếng Việt là không cần thiết. Thay vào đó, phụ huynh có điều kiện có thể cho con đi học thêm tiếng Anh, học bơi, học đàn, mỹ thuật, kỹ năng mềm – những môn mà trường học không đáp ứng đủ nhu cầu. Việc học này cũng nên ở mức độ vừa phải, không nên ép con học đến mức nhồi nhét bởi “cái gì quá cũng không tốt”.
Năm học 2020-2021, trường Marie Curie tuyển 360 học sinh lớp 6, chia làm 12 lớp. Tuy nhiên, số học sinh được đặc cách từ lớp 5 của trường lên thẳng là khoảng 260 em. Học sinh lớp 5 các trường khác phải thi tuyển vào trường với hai môn Toán và Tiếng Anh. Môn Toán gồm 40 câu trắc nghiệm khách quan với ba mức độ là nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp chứ không có vận dụng cao. Thầy Khang giải thích việc này nhằm giảm áp lực ôn luyện, học sinh chỉ cần học tốt với giáo viên ở trường là đủ chứ không cần đi học thêm.
Tại trường THCS Ngoại ngữ, quận Cầu Giấy, năm nay một học sinh phải cạnh tranh 20 bạn khác để giành một vé vào lớp 6. Năm ngoái, tỷ lệ chọi lên đến 1/30. Hiệu trưởng Nguyễn Phú Chiến cho biết trường không đặt mức điểm sơ tuyển đầu vào, điểm ưu tiên hay khuyến khích, do đó cơ hội của học sinh là như nhau. Để vào trường, các em sẽ làm ba bài thi đánh giá năng lực gồm Khoa học tự nhiên và Toán, Khoa học xã hội và Tiếng Việt, Tiếng Anh. Từ đầu năm, trường đã thông báo cấu trúc đề, câu hỏi mẫu cho học sinh tham khảo.
Chia sẻ quan điểm về việc phụ huynh cho con học thêm, ôn luyện gắt gao, thầy Chiến cho rằng việc này là quyền của phụ huynh. Tuy nhiên, với kỳ thi đánh giá năng lực của trường THCS Ngoại ngữ, việc học tủ sẽ gần như bị loại bỏ và “chẳng chỗ nào biết đề để luyện” vì kiến thức đề thi trải rộng theo những gì các em đã học trong năm.
“Điều quan trọng là học sinh giữ sức khỏe, tâm lý thoải mái để làm bài thật tốt. Đề thi sẽ không đánh đố và phản ánh đúng năng lực của các em. Năm ngoái, rất nhiều học sinh thi đỗ mà không phải ôn thi quá vất vả, gắt gao”, thầy Chiến nói.
Thanh Hằng – Dương Tâm – Vnexpress