Thay vào đó, tin tức về cuộc thảo luận giữa hai lãnh đạo được phát đi từ Moskva. Điện Kremlin ra thông báo ngắn gọn cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi điện cho người đồng cấp Mỹ Donald Trump để cảm ơn vì thông tin do Washington cung cấp đã giúp ngăn chặn một vụ tấn công khủng bố ở St. Petersburg.
Hơn 24 tiếng sau, Nhà Trắng mới xác nhận về cuộc đối thoại bằng một tuyên bố vỏn vẹn 63 từ, không quá khác biệt với thông báo của Nga, ngoại trừ bổ sung rằng hai lãnh đạo còn thảo luận về kiểm soát vũ khí. “Hai tổng thống cũng bàn về tình hình mối quan hệ giữa Mỹ và Nga”, tuyên bố có đoạn.
Đây không phải lần đầu tiên một chính phủ nước ngoài, trong đó có Nga, ra thông báo trước về việc lãnh đạo nước họ điện đàm với Tổng thống Trump. Trong các cuộc đối thoại với Putin trước đây, Trump thường có xu hướng giữ bí mật nội dung trao đổi, ngay cả với các cố vấn tại Nhà Trắng. Ông thậm chí từng yêu cầu thu lại bản ghi chép của phiên dịch viên sau cuộc gặp riêng với Tổng thống Nga.
Cuộc gọi mới nhất với Putin diễn ra trong bối cảnh những cuộc điện đàm giữa Trump và các lãnh đạo nước ngoài cũng như cách Nhà Trắng xử lý những cuộc trao đổi như vậy đang gây hoài nghi, đặc biệt khi giờ đây, chính quyền Trump còn giới hạn số người có thể nghe chúng.
Trump đang có tuần thứ hai nghỉ lễ ở Florida. Ông nhận cuộc gọi từ Putin sáng 29/12, trong lúc đang chuẩn bị chơi golf tại khu nghỉ dưỡng riêng ở Palm Beach với cựu nghị sĩ Mỹ Trey Gowdy và golf thủ chuyên nghiệp Gene Sauers.
Đây là lần đầu tiên Trump tiết lộ về một cuộc đối thoại với Putin kể từ hồi cuối tháng 7, khi ông đề nghị hỗ trợ Nga chống cháy rừng Siberia. Sau đó, các nguồn tin cho hay hai lãnh đạo đã thảo luận về việc phải có một đại sứ Mỹ mới ở Moskva.
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien lúc đó đang tham gia một chương trình trò chuyện buổi sáng trên truyền hình. Các quan chức hàng đầu khác trong chính quyền, bao gồm Ngoại trưởng Mike Pompeo, đang ở Washington giám sát một cuộc không kích của Mỹ nhằm vào nhóm dân quân thân Iran ở Iraq và Syria.
Chưa rõ quan chức nào đã được nghe cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Putin. Nhưng theo các trợ lý Nhà Trắng, số người được phép tiếp cận với những cuộc gọi như thế này vô cùng hạn chế kể từ sau cuộc điện đàm hồi tháng 7 giữa ông chủ Nhà Trắng với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, dẫn tới cuộc điều tra xem xét bãi nhiệm Trump.
Các biên bản ghi nội dung cuộc gọi giữa Trump với các lãnh đạo thế giới cũng được phổ biến tới một nhóm người rất nhỏ bên trong Nhà Trắng. “Không ai được phép thực hiện các cuộc gọi ngoài các trợ lý cấp cao nhất của Tổng thống Trump”, một quan chức Nhà Trắng nói.
Các quan chức chính quyền am hiểu vấn đề còn cho biết sự chậm trễ trong việc thông báo nội dung những cuộc điện đàm của Trump còn bắt nguồn từ quá trình kiểm tra an ninh và xử lý thông tin mật trong biên bản ở Nhà Trắng và Hội đồng An ninh Quốc gia. Cuộc gọi hôm 29/12 của Trump còn được thực hiện vào kỳ nghỉ lễ, khiến quá trình xử lý và công bố thông tin mất thời gian hơn.
Ngay cả với những chính quyền trước đây, quá trình phức tạp Nhà Trắng soạn thảo và công bố thông tin sau một cuộc điện đàm của Tổng thống Mỹ đôi khi khiến họ đi sau các chính phủ nước ngoài.
Ở giai đoạn đầu nhiệm kỳ, chi tiết về một số cuộc điện đàm giữa Trump với lãnh đạo nước ngoài đã bị rò rỉ, làm nảy sinh câu hỏi về tính riêng tư của các cuộc điện thoại mà ông chủ Nhà Trắng thực hiện. Bên cạnh đó, nó còn phơi bày sự thiếu chuẩn mực trong các quy trình ngoại giao của Tổng thống Mỹ.
Chẳng hạn, Trump năm ngoái gọi điện chúc mừng Putin đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ tư, bất chấp các cố vấn khuyên ông không nên làm vậy vì Mỹ không coi cuộc bầu cử này là hợp lệ.
Theo các nguồn tin Nhà Trắng, việc hạn chế quyền tiếp cận tới những cuộc gọi của Tổng thống Trump nhằm mục đích ngăn chặn rò rỉ thông tin, song mặt khác, nó lại dẫn tới tình trạng thiếu thông tin ngay cả bên trong chính quyền.
Thậm chí trước bê bối Ukraine dẫn tới việc Trump bị xem xét bãi nhiệm, Nhà Trắng đã có một số biện pháp nhằm hạn chế khả năng tiếp cận với các cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ với Tổng thống Nga hay các lãnh đạo nước ngoài khác, như Thái tử Arab Saudi.
Nội dung các cuộc đối thoại trước đây giữa Trump với Putin cũng thường xuyên ở trong tình trạng mơ hồ. Sau cuộc gặp riêng bên lề một hội nghị thượng đỉnh ở Đức, Trump đã yêu cầu giữ lại ghi chú của phiên dịch viên. Hai ông trò chuyện trong bữa tối cùng các lãnh đạo nước ngoài khác nhưng không có bất kỳ quan chức Mỹ nào và sử dụng phiên dịch viên của Tổng thống Putin. Trong cuộc gặp ở Helsinki, hai người nói chuyện và cũng không có bất kỳ quan chức nào hiện diện.
Việc các cuộc đối thoại giữa Trump và Putin được giữ bí mật đã thu hút sự quan tâm của các nhà điều tra, trong đó có công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người dẫn dắt cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.
Trump lâu nay vẫn giữ quan điểm rằng việc cải thiện quan hệ giữa Washington và Moskva là điều cần thiết, dù Tổng thống Mỹ khẳng định các biện pháp trừng phạt mới khiến ông trở thành một lãnh đạo cứng rắn hơn với Nga so với những người tiền nhiệm. Ông tuần trước cảnh báo Nga không hỗ trợ quân đội Syria tấn công quân nổi dậy ở tỉnh Idlib, gây ra lo ngại về một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới ở quốc gia Trung Đông này.
Tổng thống Mỹ hiện đối mặt với một lựa chọn có thể gây tranh cãi nhiều hơn về mối quan hệ giữa ông với Putin. Ông đã được Putin mời tới Moskva dự cuộc duyệt binh kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát xít vào tháng 5/2020. Nhà Trắng chưa thông báo liệu ông có nhận lời mời hay không.
Vũ Hoàng (Theo CNN) – Vnexpress