Cú lừa của nghịch tử

Nửa đêm, điện thoại ông Trần bỗng bật sáng vì tin nhắn từ tài khoản WeChat của con trai.

Trong ảnh được gửi, con trai ông tên A Quế (26 tuổi) mặc áo phông xanh, đang quỳ dưới đất, hai tay bị trói sau lưng, miệng dán băng dính màu vàng, đầu bị họng súng chĩa vào.

Ông Trần nhận được ảnh con trai bị dí súng vào đầu qua WeChat. Ảnh: CCTV.
Ông Trần nhận được ảnh con trai bị dí súng vào đầu qua WeChat. Ảnh: CCTV.

Ngay sau đó, số điện thoại của Quế gọi tới, nhưng người gọi không phải con trai ông Trần. Người bên kia điện thoại nói rất ngắn gọn: Nếu hai tiếng nữa không nhận được 100.000 nhân dân tệ thì sáng mai ra sông vớt xác con trai. Hôm đó là ngày 28/5/2014.

0h26 ngày 29/5/2014, vợ chồng ông Trần đến cơ quan công an thành phố Quế Lâm, Quảng Tây trình báo. Do tính chất nghiêm trọng của vụ án, ban chuyên án được thành lập ngay trong đêm. Để kẻ bắt cóc không phát hiện ông Trần đi báo cảnh sát, các điều tra viên không đến thẳng cơ quan mà chỉ mặc thường phục sẵn sàng đợi lệnh. Việc liên lạc trong ban chuyên án được thực hiện qua điện thoại.

Trong cuộc gọi đầu tiên, nghi phạm không nói địa điểm giao tiền, đoán hắn sẽ gọi lại nên cảnh sát sử dụng biện pháp kỹ thuật kết nối với điện thoại của ông Trần để ghi âm cuộc gọi, đồng thời trao đổi với ông một số nội dung cần thiết khi trả lời.

Gần 1h ngày 29/5/2014, nghi phạm gọi lần thứ hai, ông Trần nói đang lúc nửa đêm, ngân hàng đóng cửa không rút tiền mặt được, nhưng thái độ của nghi phạm rất kiên quyết, không cho ông thêm thời gian. Nghi phạm nói ông đã kinh doanh 20 năm, sở hữu một xưởng mộc, hai cửa hàng đồ gỗ, không có lý gì không xoay xở được 100.000 nhân dân tệ. Hắn còn đe dọa nếu không đáp ứng yêu cầu, con gái ông cũng sẽ gặp nguy hiểm. Theo yêu cầu của ông Trần, nghi phạm cho ông nói chuyện với con trai vài giây.

Từ nội dung đàm thoại, cảnh sát xác định được một số thông tin. Kẻ bắt cóc là người quen, biết rõ tình hình gia đình ông Trần. Địa điểm giam giữ là phòng kín vì xung quanh không có tạp âm. Quan trọng nhất, lúc này Quế vẫn còn sống.

1h30 sáng, ông Trần đến cây ATM rút tiền, cảnh sát lái xe đi theo giám sát. 2h sáng, nghi phạm gọi điện yêu cầu ông Trần bắt xe ôm mang tiền đến đường Vạn Phúc. Cảnh sát lập tức bố trí người giám sát hai đầu và các lối ra vào đường Vạn Phúc, sau đó cho trinh sát viên đóng giả xe ôm chở ông Trần đến.

Một lúc sau nghi phạm lại gọi điện, nói không giao dịch tại đường Vạn Phúc nữa mà chuyển đến ga tàu Quế Lâm. Ban chuyên án lại cử trinh sát mang theo hành lý đóng giả hành khách đến giám sát toàn bộ lối ra vào ga tàu. Đến 4h, nghi phạm lại hủy giao dịch mà không nói lý do, cũng không thông báo thời gian và địa điểm giao tiền tiếp theo.

Cùng lúc này, một bộ phận khác của ban chuyên án vẫn đang điều tra xác định thân phận kẻ bắt cóc.

Nạn nhân Quế từng đi bộ đội nghĩa vụ, đã ra quân, hiện làm bảo vệ trường học. Quế là người năng động, ngoài thời gian làm việc còn kinh doanh phòng tập gym, tuy nhiên việc làm ăn không tốt.

Quế có bạn gái là Tiểu Kim, 22 tuổi. Kim nói lần gần đây nhất gặp Quế là bốn ngày trước, khi đó anh ta đi cùng người bạn tên Tiểu Lý. Quế và Kim sau đó còn đưa Lý về khách sạn Lý đang ở.

Tìm đến khách sạn, cảnh sát được cho biết khoảng 23h hôm trước, Quế và Lý đi rời, đến 0h30 Lý quay lại trả phòng, nói có bạn bị tai nạn giao thông nên cần đi gấp. Chứng minh thư Lý sử dụng để đặt phòng mang tên Lý Khải, nhưng cảnh sát xác định đây là chứng minh thư giả.

6h ngày 30/5/2014, nghi phạm gọi điện cho ông Trần yêu cầu đến giao dịch tại nghĩa trang trên đường núi. Đây là khu vực vắng vẻ ít người qua lại, việc bố trí lực lượng mai phục gặp nhiều khó khăn. Nghi phạm chỉ dẫn cho ông Trần tiếp tục đi vào sâu trong nghĩa trang, chứng tỏ hắn đang quan sát từ nơi gần đó. Lúc này, trinh sát gần ông Trần nhất cũng cách đến 600 m.

Cảnh sát nhận định nếu kẻ bắt cóc là người quen biết gia đình, ông Trần khi giao dịch rất có thể sẽ bị sát hại để bịt đầu mối. Ban chuyên án lo lắng cho an toàn của ông Trần nên đề nghị từ chối giao tiền tại khu vực này. Kẻ bắt cóc đồng ý, nói sẽ gọi điện thông báo điểm giao dịch sau.

Tổng kết lại thông tin đã nắm được, cảnh sát phát hiện nghi phạm từng nói nhìn thấy có xe bám theo ông Trần khi ông đi rút tiền, chứng tỏ hắn có mặt ở gần đó. Nhưng theo cảnh sát mặc thường phục, xung quanh cây ATM không có người đi bộ nào lúc gần 2h sáng, chỉ có chiếc xe màu trắng đi qua nhưng không rõ biển số. Như vậy, chiếc xe trắng rất có thể là của nghi phạm.

Theo cảnh sát, thông thường kẻ bắt cóc thường thuê xe đi gây án, ít khi tự đi xe của mình. Nếu là xe cho thuê, chắc chắn sẽ có gắn định vị GPS. Tại thành phố Cát Lâm chỉ có một công ty cung cấp dịch vụ định vị GPS cho các công ty này.

Cảnh sát đến công ty, tìm tất cả những chiếc xe có GPS xuất hiện gần cây ATM từ 1h30 đến 2h sáng. Trong số này có một chiếc xe sau đó đã xuất hiện gần đường Vạn Phúc và ga tàu Cát Lâm, lần lượt trùng khớp với điểm giao dịch thứ nhất và thứ hai. Từ 5h sáng, chiếc xe này vẫn dừng tại bãi đỗ xe đối diện với bệnh viện thành phố. Tới hiện trường, cảnh sát tìm được chiếc xe nhưng không có người ở trên.

Từ biển kiểm soát, cảnh sát tìm được công ty cho thuê xe tự lái. Trong hợp đồng cho thuê, người thuê xe là cái tên quen thuộc: Trần Quế. Cảnh sát nhận định có hai khả năng: Quế chính là người đạo diễn vụ bắt cóc tống tiền, hoặc bị bắt cóc và nghi phạm dùng chính xe Quế thuê để di chuyển, tránh lộ tung tích.

Gần 12h trưa, kẻ bắt cóc gọi điện yêu cầu ông Trần đựng tiền trong túi nilon đen đến đặt dưới gốc cây do hắn chỉ định gần đoạn đường núi. Sau khi lấy tiền và trốn lên núi thành công, hắn gọi điện bảo ông Trần đi vào cánh rừng đối diện để cứu con. Cảnh sát đi cùng ông Trần vào rừng, thấy Quế cởi trần, bị trói vào thân cây, miệng dán băng dính.

Làm việc với cảnh sát, Quế thuật lại chi tiết từ khi bị bắt cóc đến lúc được giải cứu, nhưng không nhắc đến chiếc xe đi thuê mà nói bị ba kẻ bắt cóc đưa lên xe bảy chỗ. Khi cảnh sát hỏi về việc thuê xe, Quế ấp úng một hồi, cuối cùng khai thật mình và một người tên là Lý Phong cùng đạo diễn vụ bắt cóc để lấy tiền trả nợ.

Quế khai luôn muốn nối nghiệp kinh doanh của cha, nhưng ông Trần lại bắt đi làm bảo vệ. Quế bèn mở phòng gym để chứng tỏ năng lực của mình nhưng việc làm ăn không tốt.

Vài tháng trước Phong nói có người ở Quảng Đông sở hữu vài bức tranh cổ và đồ cổ giá trị muốn nhờ Quế tìm người mua. Thấy đây là cơ hội làm ăn, Quế và Phong bàn nhau làm môi giới để ăn chênh lệch. Tuy vậy, sau vài tháng Quế vẫn chưa xoay được tiền mua, Phong nói việc Quế hứa hẹn làm người bán lỡ mất nhiều khách hàng khác nên phải đền 30.000 nhân dân tệ. Quế không muốn xin tiền gia đình vì sợ bị cha mẹ xem thường nên cùng Phong lập kế hoạch bắt cóc, tống tiền.

Do được ông bà Trần làm đơn xin miễn truy tố, Quế và Phong chỉ bị xử phạt hành chính.

Khang Diệp (Theo CCTV) – Vnexpress