Số liệu này vừa được Tổng cục Thống kê công bố cùng với tình hình kinh tế – xã hội trong tháng đầu tiên của năm 2020. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 1,23% so với tháng 12/2019 và tăng 6,43% so với tháng 1/2019 – mức tăng cao nhất kể từ năm 2014.
Theo cơ quan thống kê, mức tăng cao của CPI tháng 1 do 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đứng đầu, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán.
Hai nhóm tăng mạnh nhất là lương thực tăng 0,79% và thực phẩm tăng 2,6%, làm CPI chung tăng 0,59%. Trong tháng Tết, giá thịt lợn tăng khoảng 8,29%; giá thịt gia cầm tươi sống tăng 2,84%; giá thủy sản tươi sống tăng 1,71%; trứng gia cầm các loại tăng 2,28%; giá quả tươi tăng 2,9%.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,47%, chủ yếu do nhu cầu sửa chữa nhà cuối năm tăng. Nhóm giao thông tăng 0,69% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu và nhu cầu đi lại, bảo dưỡng phương tiện cuối năm.
Lạm phát cơ bản tháng 1/2020 tăng 0,76% so với tháng 12/2019 và tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước.
Giá vàng trong nước trong tháng 1 cũng tăng theo thế giới do biến động địa chính trị leo thang. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 22/1/2020 tăng 5,1% so với tháng 12/2019. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 1/2020 tăng 4,37% so với tháng trước và tăng 18,64% so với cùng kỳ năm 2019.
Về tình hình kinh tế chung, sản xuất công nghiệp tháng 1/2020 ước tính giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào cuối tháng nên số ngày làm việc ít hơn.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1 ước tính giảm 11,8% so với tháng trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 12,9%; chế biến, chế tạo giảm 4,8%; sản xuất và phân phối điện giảm 3,5%.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tháng đầu năm diễn ra sôi động, do các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị và cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2020 ước tính đạt 448.100 tỷ đồng, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ tăng 7,2%.
Minh Sơn – Vnexpress