Công nhân vật lộn trong mùa dịch

Một cựu nhân viên 27 tuổi của Miniso tại Quảng Châu nói tiền tiết kiệm chỉ duy trì được hai tháng nữa trong khi chẳng có công ty nào tuyển dụng lúc này.

Cựu nhân viên này nói rằng anh ta còn chịu áp lực tài chính rất lớn, với khoản vay 2.000 nhân dân tệ cho tiền thuê nhà và cho vay tiêu dùng 3.000 nhân dân tệ mỗi tháng. Nhưng tìm kiếm một công việc mới không dễ dàng. “Không có công ty nào mở phỏng vấn tuyển dụng lúc này”, nhân vật giấu tên nói thêm.

Trong một lá thư gửi nhân viên vào ngày 21/2, Miniso, một nhà bán lẻ được hậu thuẫn bởi Tencent Holdings và Hillhouse Capital Management, nói rằng công ty không có ý định sa thải nhân viên như một nguyên tắc nhân đạo. Tuy nhiên, họ đã lên kế hoạch để cắt giảm lương, bao gồm 20% tiền lương của tháng 1 và ít nhất 30% tiền lương tháng 2 và tháng 3.

Đến gần đây, một phát ngôn viên của Miniso cho biết công ty đã sửa đổi đề xuất ban đầu và trả lương tháng 1 đầy đủ sau khi nhận được phản hồi từ nhân viên. Cùng với đó, công ty nói sẽ điều chỉnh phù hợp mức lương cho tháng 2 và tháng 3 tùy theo khối lượng công việc.

Tập đoàn hàng không, khách sạn HNA Group, với khoản nợ khoảng 100 tỷ USD, đã quay cuồng vì phải hủy chuyến bay và hạn chế đi lại trong dịch bệnh. Tháng trước, tập đoàn cho phép nhân viên được nghỉ phép trong hầu hết tháng và cắt giảm lương của họ tới 60%.

Công nhân lau cửa kính tại một showroom ôtô ế khách ở Bắc Kinh vào tháng 2/2020. Ảnh: AP
Công nhân lau cửa kính tại một showroom ôtô ế khách ở Bắc Kinh vào tháng 2/2020. Ảnh: AP

Các công ty Trung Quốc khác cũng đối mặt với vấn đề tương tự. Uxin, một đại lý trực tuyến bán xe hơi đã qua sử dụng với hơn 12.000 nhân viên, đã bắt đầu cho nhân viên nghỉ phép và giảm lương vào đầu tháng 3 vì thừa nhận là “khó khăn trong hoạt động”.

Hôm thứ hai (2/3), công ty này tuyên bố đã thực hiện “một loạt các biện pháp để nhanh chóng điều chỉnh hoạt động kinh doanh hướng tới tăng trưởng dài hạn”. Trong đó, công ty cho biết đã ban hành một chương trình nhân sự tạm thời dựa trên khối lượng công việc, nhằm cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, phát ngôn viên công ty từ chối bình luận thêm.

Công nhân khó khăn cũng đồng nghĩa giới chủ lao đao. Jim Huang, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn China-America Commodity Data Analytics, cho biết ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc sa thải 18 trong 20 nhân viên của mình ở Vũ Hán sau khi không thể điều hành công việc ở thành phố này.

Vị giám đốc cho biết thêm, nhiều nhân viên ở các vùng khác của Trung Quốc cũng không thể quay lại làm việc khi giao thông bị ngưng trệ. Điều này gây khó khăn trong việc phục vụ khách hàng duy trì doanh thu. Ông đã có ý nghĩ từ bỏ hoàn toàn khi Covid-19 lây lan ở Mỹ, nơi ông đã mua một trang trại và có quốc tịch.

“Tôi tin rằng chúng tôi đã rơi vào một cuộc suy thoái ở Trung Quốc”, ông Huang bình luận. “Nếu mọi thứ trở nên tốt hơn thì tuyệt. Nếu không, tôi sẽ bắt đầu một chương mới của cuộc đời mình ở đây”, ông nói thêm.

Bi kịch hơn là Li Chao, Nhà sáng lập một trường đào tạo Công nghệ thông tin tại Bắc Kinh. Ông tuyên bố đóng cửa trường sau 13 năm kinh doanh. Covid-19 được xem là hồi chuông báo tử cho sự nghiệp của ông, khi phải đối mặt khó khăn về dòng tiền.

Mặc dù các công ty Trung quốc đang nỗ lực khởi động lại các nhà máy và đẩy mạnh kinh doanh nhanh nhất có thể, nhưng việc kiểm dịch và các hạn chế khác của chính phủ đã khiến việc này trở nên khó khăn. Theo một cuộc khảo sát của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin vào cuối tháng 2, chỉ có 30% các công ty vừa và nhỏ nước này đã trở lại hoạt động bình thường.

Một cuộc khảo sát với hơn 8.000 công ty của trang web tuyển dụng Trung Quốc Zhaopin vào giữa tháng 2 cho thấy, gần một phần ba dự định cắt giảm việc làm. Trong khi, 46% cho biết có thể không thể trả lương đúng hạn. Nhiều công ty vẫn hy vọng sẽ tuyển dụng mạnh trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.

Các quan chức Trung Quốc có nhiều công cụ để giúp ổn định thị trường việc làm, bao gồm cả việc ra lệnh cho chính quyền địa phương cung cấp trợ cấp thất nghiệp và mở rộng tín dụng cho các công ty bị ảnh hưởng.

Ổn định công ăn việc làm là ưu tiên hàng đầu của các lãnh đạo Trung Quốc, vì bất kỳ sự yếu kém nào của thị trường lao động kéo dài có thể dẫn đến nhiều chỉ trích về việc xử lý Covid-19 của chính phủ hoặc gây bất ổn xã hội. “Mọi nỗ lực phải được thực hiện để ngăn chặn việc sa thải hàng loạt và chính quyền địa phương phải giúp duy trì ổn định việc làm”, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói hồi tháng 2/2020.

Tuy nhiên, từ trước dịch viêm phổi, các nhà kinh tế đã dự báo suy yếu của thị trường việc làm, vì các công ty vật lộn với nợ nần và suy thoái kinh tế dài hạn khiến ít người có cơ hội tìm việc hơn.

Tỷ lệ thất nghiệp đô thị Trung Quốc đã lên tới 5,2% vào tháng 12/2019, tháng gần nhất có dữ liệu, từ mức 4,8% vào đầu năm ngoái. Nhiều nhà kinh tế và học giả từ lâu đã cảnh báo rằng số liệu thất nghiệp chính thức có khả năng thấp hơn thực tế.

Tuần trước, nội các Trung Quốc đã kêu gọi các trường đại học mở rộng tuyển sinh sinh viên sau đại học và khuyến khích nhiều sinh viên tốt nghiệp gia nhập quân đội, trong bối cảnh lo ngại sẽ không có đủ việc làm cho 8,7 triệu sinh viên dự kiến tốt nghiệp trong năm nay.

Ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát vào cuối tháng 3, nó có thể quét sạch tới 5 triệu việc làm, Dan Wang, một nhà phân tích tại Economist Intelligence Unit nhận định. Vị chuyên gia cũng cho biết, một số doanh nghiệp nhà nước lớn đã ngừng trả lương và phát hành thẻ tín dụng cho nhân viên, được các công ty chi trả, để giúp trang trải chi tiêu hàng ngày.

Nhưng một phần tư lực lượng lao động đô thị của Trung Quốc là tự làm chủ hoặc làm thuê cho các doanh nghiệp gia đình, thường không có nhiều nguồn lực. Theo Julian Evans-Pritchard, Chuyên gia kinh tế tại Capital Economics, thu nhập của nhóm đối tượng này có thể giảm mạnh.

Nhìn chung, suy thoái kinh tế ở Trung Quốc do Covid-19 đang gây áp lực cho thị trường lao động nước này. Hệ quả của nhiều người bị sa thải là càng làm chi tiêu giảm sút, khiến suy yếu thêm một nền kinh tế vốn được dự báo là sẽ giảm tốc đáng kể, hoặc có khi là tăng trưởng âm, trong quý I/2019.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, sự gián đoạn trong năng suất lao động và chuỗi cung ứng của Trung Quốc sẽ làm giảm mạnh đầu tư nước ngoài trong nửa đầu năm nay, nhưng không có khả năng ngăn cản các nhà đầu tư trong dài hạn.

Phiên An (theo Wall Street Journal) – Vnexpress