Con trai Mạnh Trường lưu loát tiếng Anh từ khi 4 tuổi

Bé Bon phát âm tiếng Anh ‘tròn vành rõ chữ’ từ khi nói tiếng Việt còn ngọng líu ngọng lô khiến vợ chồng Mạnh Trường bất ngờ.
Gia đình Mạnh Trường.
Gia đình Mạnh Trường.

Mạnh Trường sinh năm 1985, là một trong những nam diễn viên được yêu thích nhất hiện nay của truyền hình phía Bắc. Anh được biết đến từ các phim Zippo, mù tạt và em, Tuổi thanh xuân, Ngược chiều nước mắt và phim đang chiếu là Tình yêu và tham vọng… Anh kết hôn với bà xã Phương Phạm năm 2008. Hai con của Mạnh Trường là bé Chíp (11 tuổi) và Bon (6 tuổi). Hai bé được nhiều người yêu thích khi cùng bố tham gia chương trình Bố ơi, mình đi đâu thế.

Con trai Mạnh Trường biết nói tiếng Anh từ 4 tuổi
Bé Bon và chị Chíp trò chuyện hoàn toàn bằng tiếng Anh. 

– Ở video do anh chia sẻ, Bon và Chíp đều rất tự tin khi trò chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Vợ chồng anh đã áp dụng các phương pháp nào để giúp con có khả năng như vậy?

– Thú thật là tôi không giỏi về tiếng Anh, mà hai vợ chồng cho các bé theo học ở trung tâm Anh ngữ từ sớm. Bé Bon bắt đầu học tiếng Anh từ năm 4 tuổi, còn bé Chíp học từ năm 7-8 tuổi. Khi Chíp nói được tiếng Anh, tôi không quá bất ngờ vì khi học, bé cũng đã lớn và nhiều bạn đồng trang lứa cũng nói tiếng Anh lưu loát.

Nhưng tôi thực sự ngạc nhiên là Bon cũng nói được tiếng Anh tốt dù nhỏ tuổi. Lúc cho con học ngoại ngữ, tôi chỉ nghĩ là gửi con đến trung tâm gần nhà để tạo môi trường cho con vừa học vừa chơi, dạn dĩ hơn và làm quen với tiếng Anh chứ không ngờ việc học đạt hiệu quả đến vậy. Khi Bon bắt đầu nói chuyện được với chị bằng tiếng Anh, cháu còn chưa biết mặt chữ, nói tiếng Việt còn ngọng líu ngọng lô nhưng phát âm tiếng Anh chuẩn, phản xạ tốt. Cách học mà các thầy cô dạy cháu là tạo môi trường để cháu thực hành tiếng Anh, giúp cháu có phản xạ nhanh, tự nhiên. 

– Thế còn ở nhà, vợ chồng anh đã tạo ra môi trường như thế nào để khuyến khích con học tiếng Anh?

– Chúng tôi hầu như không dạy tiếng Anh cho hai con ở nhà mà các bé chủ yếu học tiếng từ trung tâm. Tuy nhiên, khi các con học bài xong xuôi, chúng tôi sẽ cho các bé được xem TV. Hai vợ chồng xem trước, lựa chọn chỉ cho con theo dõi các chương trình chơi và học. Nếu là các chương trình tầm phào, không có nội dung hữu ích cho trẻ nhỏ, chúng tôi sẽ không cho con xem. Với các phim hoạt hình, chúng tôi cũng chọn bộ phim có nội dung vừa chơi vừa học và ưu tiên chương trình có cả chữ tiếng Anh. Tôi thấy những chương trình, bộ phim đó cũng giúp các con học tập, áp dụng được tiếng Anh. Thực tế là Bon đã học được nhiều từ tiếng Anh mà chưa chắc trung tâm đã dạy nhờ xem các chương trình trên TV. 

Do đó, tôi nghĩ việc cho con xem, học tiếng Anh qua mạng là tốt, miễn sao bố mẹ chọn lọc được nội dung có chất lượng, phù hợp với các bé.  

– Ngoài việc tạo môi trường giúp con học tiếng Anh, trong mùa dịch Covid-19, gia đình anh đã có các hoạt động gì để con vừa học vừa chơi, phát triển toàn diện?

– Tôi cảm nhận khoảng thời gian này là lúc mà con cái gần gũi với bố mẹ nhiều nhất từ trước đến nay. Cả hai vợ chồng tôi đều thấy trước giờ chúng tôi chưa có nhiều thời gian với con. Lúc trước dịch, 7-8h, các bé đã cắp sách tới trường, 16-17h mới về nhà, sau đó các bé ăn uống, học bài nên bố mẹ và con có rất ít thời gian cho nhau và thời gian ấy càng ngắn ngủi hơn khi bố mẹ đi làm.

Còn mùa dịch, chúng tôi và các con đều ở nhà, bên nhau 24/24 nên hai vợ chồng đã phải suy nghĩ, sắp xếp thời gian biểu ăn uống, ngủ nghỉ, học và chơi của các con khoa học, tránh nhàm chán, bớt gây bí bách cho cả con và bố mẹ. Sau khi các con học trực tuyến, cả nhà có thể ngồi chơi cùng nhau các trò như cá ngựa. Thậm chí, tôi còn cho các con chơi thể thao trong nhà để các bé đỡ cuồng chân, cuồng tay, cùng xem các chương trình trên TV với thời lượng vừa phải để sao cho trong một ngày, các con được trải qua các hoạt động khác ngoài việc học. Ban đầu, tôi nghĩ ở nhà nhiều sẽ nhàm chán nhưng thực ra sau một thời gian dài trải nghiệm, được chơi cùng con nhiều hơn, tôi thấy cả gia đình được gắn kết hơn với nhau rất nhiều. Hai vợ chồng tôi vẫn đùa rằng cả hai sẽ thấy nhớ nhau nhiều hơn khi đợt nghỉ dài này kết thúc. 

– Cùng nhau ở nhà ngoài khoảng thời gian vui vẻ, nhiều phụ huynh cũng chia sẻ rằng, họ phải đau đầu giải quyết những mâu thuẫn giữa các con. Gia đình anh thì sao? 

– Hai con tôi cách nhau 5 tuổi. Bé Chíp 11 tuổi, bé Bon 6 tuổi. Rất may là với khoảng cách tuổi tác như vậy, các bé không tị nạnh nhau nhiều bằng các bé sàn tuổi nhau. Hơn nữa, hai bé khác giới nên sẽ không nghịch như nhà có hai cậu con trai. 

Bé Chíp nhà tôi rất biết nhường em, ở ngoài có thể đanh đá nhưng khi chơi với em luôn nhường em. Đến khi Bon lớn, hơi bướng bỉnh, nghịch ngợm hơn thì hai chị em còn chí chóe nhau một chút. Các mâu thuẫn nho nhỏ giữa hai con là tranh giành hay đuổi bắt nhau nhưng những điều này không thường xuyên xảy ra nên vợ chồng tôi ít khi phải làm người phán xử cho con. Tôi nghĩ các con ít bất đồng vì bé Chíp có tính cách chững chạc, biết nhường em nhiều hơn, còn biết chơi với em để bố mẹ đi ra ngoài mua đồ. 

Còn mâu thuẫn phổ biến giữa các con là vấn đề về đồ chơi. Lúc chị thích chơi cái này thì em thích chơi cái kia, hoặc hai chị em tranh cãi vì sao chị không chơi với em, em không chơi với chị. Bất đồng tiếp theo là hai chị em cùng thích một món đồ chơi mà cả nhà chỉ có duy nhất một chiếc và xảy ra tranh giành. Những lúc như thế, chúng tôi đều phân tích cho cả hai con hiểu nhưng nói với Chíp nhiều hơn vì Chíp đã 11 tuổi, hiểu được điều bố mẹ nói, còn Bon vẫn bé, chưa hiểu hết vấn đề, mới chỉ theo bản năng, làm thứ mà con thích thôi. 

Chúng tôi dự định khi Bon lớn hơn 1-2 tuổi, hiểu được nhiều vấn đề hơn, bố mẹ sẽ dạy cháu theo cách nghiêm khắc hơn, không chiều hư con, uốn nắn con theo đúng cách đang làm với Chíp bây giờ. Vợ chồng tôi cũng rất hợp nhau trong chuyện dạy con, chưa bao giờ bất đồng. Lúc vợ nóng tính thì tôi xoa dịu và ngược lại. Bởi lẽ nếu cả hai bố mẹ cùng căng thẳng với con, con sẽ cảm thấy rất áp lực. Vì thế mà hai vợ chồng thường trêu nhau là một người đấm, một người xoa. 

– Trong các trường hợp con vẫn không nghe lời, anh chị giải quyết như thế nào?

– Đôi lúc tôi nóng nảy quát con nhưng ngay sau đấy, tôi hiểu ra mình cần phải giải thích cho con gốc rễ của vấn đề, rằng con đang hành xử đúng hay sai. Tôi cũng nói thẳng với Chíp là con đã khá lớn, tháng 9 này sẽ lên lớp 6 rồi, đang ở độ tuổi mà bố mẹ cần nghiêm khắc hơn vì con đã hiểu được rất nhiều vấn đề rồi. 

Tôi nghĩ việc giải thích, phân tích cho con là rất quan trọng cho dù đó là vấn đề gì đi chăng nữa, từ việc học hành tới việc chơi, giúp uốn nắn, hình thành tính cách của con. Đứa trẻ cần phát triển ở khuôn khổ nhất định, có được sự chỉ bảo từ bố mẹ từ nhỏ để hình thành thói quen tốt và khi lớn lên, thói quen sẽ đi vào nề nếp.

Bố mẹ không thể nào cứ xuề xòa, dễ dãi với con từ nhỏ và nghĩ: “Ôi thôi, để con lớn lên rồi dạy bảo sau cũng được”. Khi con đã quen với tư duy của riêng mình, không được bố mẹ chỉ bảo từ nhỏ, không biết đúng sai thì tới độ tuổi lớp 8, lớp 9 thường chỉ thích làm theo ý mình thì bố mẹ uốn nắn rất khó. Vì vậy, khi con bắt đầu chớm hiểu, gia đình tôi giải thích, phân tích cho con bất kỳ điều gì trong cuộc sống, thứ gì là quan trọng, tạo thành cái nền để uốn nắn con dễ dàng hơn. 

Chúng tôi đều đưa ra các ví dụ giúp con hiểu về cuộc sống, nói để dễ hình dung, tiếp thu, ví dụ là bài học tiết kiệm. Trẻ nhỏ chưa biết giá trị đồng tiền, không biết mình đang ăn uống lãng phí hoặc chi tiêu vô tội vạ các khoản tiền riêng như tiền mừng tuổi, tiền được người lớn cho. Những thói quen chi tiêu lãng phí ấy bố mẹ hoàn toàn có thể uốn nắn, dạy con từ bây giờ.

– Theo anh, cần phải làm gì để thực sự trở thành cha mẹ tâm lý ?

– Thật ra đây là một câu hỏi rất khó. Tôi đoán nhiều người nghĩ mình đang tâm lý với con nhưng chưa chắc đã thực sự làm được như vậy. Để thực sự hiểu con, chúng ta cần đặt mình vào địa vị của con, tự hỏi xem những thông tin mà mình dành cho con thì con tiếp nhận như thế nào và điều đó có thực sự tâm lý với con không.

Đôi khi bố mẹ nghĩ việc mình làm là tốt, là tâm lý với con nhưng con lại cảm nhận đấy chưa phải là nghĩ cho con. Bởi lẽ điều đó xuất phát từ tư duy chủ quan của bố mẹ. Ví dụ bố mẹ cho con học vẽ, đàn, võ vì bố mẹ thích nhưng con không quá đam mê và nghĩ thế là tốt cho con, là tâm lý với con. Để tránh tạo áp lực không nên có cho con, bố mẹ cần cân nhắc xem việc mình làm cho con tâm lý đến đâu, phù hợp với con ra sao. 

Với gia đình tôi, tất cả những gì các con học bây giờ đều theo mong muốn của con. Ví dụ việc bé Chíp học đàn từ nhỏ là do bé rất yêu thích, mong bố mẹ cho học. Bây giờ, thấy con có khả năng chơi đàn, tôi mới bắt đầu nói với con nên duy trì để trong tương lai, kể cả khi con không biểu diễn chuyên nghiệp thì việc đàn cũng giúp phát triển tâm hồn và tính cách con, hỗ trợ cho con nhiều việc. Hai vợ chồng tôi cũng luôn phải cố gắng, nhìn nhận, hỗ trợ con sao cho không tạo áp lực vô hình cho con, tạo cho con môi trường phát triển lành mạnh, khỏe về thể chất lẫn tinh thần.

Hằng Trần thực hiện  – Ngoisao.net